'Áo xanh' cống hiến, trưởng thành

Chiến dịch 'Mùa hè xanh' giúp khẳng định hình ảnh của những người trẻ không ngại khó, không ngại khổ, luôn năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới

Mùa hè năm 1991, Trường Đại học Sư phạm TP HCM tổ chức lễ ra quân "Công tác hè". Tại đây, 35 sinh viên được lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ và động viên tinh thần trước khi chia nhau về các xã Tân Thông Hội, Tân An Hội và Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM để thực hiện công tác xóa mù chữ.

Đi đến đâu, xóa mù đến đó

Đến nay, cảm xúc lễ ra quân 34 năm trước vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông Huỳnh Công Ba - nguyên Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm TP HCM. "Buổi lễ năm ấy được tổ chức rất đơn giản nhưng ấm cúng. Các sinh viên tham gia chương trình bằng nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, háo hức xung trận của tuổi trẻ" - ông Ba nhớ lại.

Bất chấp những khó khăn, thiếu thốn, các sinh viên tình nguyện vẫn tổ chức những lớp xóa mù cho người dân địa phương. Hằng đêm, dưới ánh đèn dầu, thầy trò cùng nhau học chữ, ê a đánh vần… Niềm vui của họ lúc ấy đơn giản là được chứng kiến "học trò" thuộc thêm một mặt chữ và đọc được tên của chính mình. 35 cô cậu sinh viên ấy đã có những ngày hè thật ý nghĩa và ghi lại dấu ấn của một thời thanh xuân tươi đẹp.

"Tiếng lành đồn xa" và cứ thế mà "thừa thắng xông lên", liên tiếp trong những năm sau đó, mô hình "Công tác hè" lan rộng đến các địa phương như Thủ Đức, Bình Chánh, Cần Giờ và thậm chí là tỉnh Tây Ninh. Sinh viên đi đến đâu là các lớp học xóa mù chữ được mở ra đến đó. Qua vận động của sinh viên, người dân cũng dần dần vượt qua mặc cảm và đến với lớp học ngày càng đông.

Từ hiệu ứng tích cực ấy, đến năm 1994, Thành Đoàn TP HCM quyết định nhân rộng mô hình "Công tác hè" ra toàn thành phố với tên gọi mới là Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè. Trong năm đầu tiên, Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè thu hút sự tham gia của 700 sinh viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng. Họ tổ chức nhiều lớp học xóa mù chữ và trực tiếp giảng dạy trong gần 3 tháng tại huyện Bình Chánh.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP HCM tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TƯ LIỆU

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP HCM tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TƯ LIỆU

Năm 1995 và 1996, Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè được mở rộng phạm vi đến tất cả huyện ngoại thành của TP HCM và huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Theo thống kê từ Thành Đoàn TP HCM, qua 3 mùa đầu tiên của Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, đã có 5.780 người được xóa mù chữ đạt mức 1 và 15.132 người được xóa mù chữ mức 2.

Đến năm 1997, Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè được nâng cấp với tên gọi Chiến dịch tình nguyện "Mùa hè xanh" với nội dung phong phú, đa dạng. Lúc này, nhiệm vụ không chỉ dừng lại ở việc mang con chữ đến đồng bào vùng sâu, vùng xa mà còn thực hiện nhiều công trình thiết thực. Đó là những cây cầu, con đường bê-tông hóa, những sân chơi thiếu nhi, hệ thống đường điện thắp sáng, nước sạch cho người dân… "Mùa hè xanh" chính thức được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước vào năm 2000 và được duy trì, phát triển mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.

"Học kỳ hè" đặc biệt

Những trải nghiệm trong 6 lần tham gia "Mùa hè xanh" đã cho anh Nguyễn Hoàng Duy (Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Công nghiệp TP HCM) nhiều cảm nhận sâu sắc về "học kỳ hè" đặc biệt này. Theo Duy, các hoạt động tình nguyện ở "Mùa hè xanh" có ý nghĩa về tinh thần rất lớn cho những đối tượng được thụ hưởng và cả những người làm tình nguyện.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là "Mùa hè xanh" năm 2018, khi anh Duy và bạn bè tổ chức lớp học hè dành cho học sinh tại xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Trong lớp có chị em sinh đôi Như Huỳnh và Huỳnh Như là trẻ chậm phát triển, dù đã 8 tuổi nhưng các em vẫn không biết đọc. Với sự nhẫn nại của anh Duy và bạn bè, chỉ sau một tháng, cả 2 chị em đã thuộc mặt chữ và đọc được tên của mình.

"Lúc đó, ai cũng vỡ òa cảm xúc vì công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Sau này, khi gặp lại chúng tôi tại một chương trình tình nguyện khác, mẹ của 2 em đã ôm chầm chúng tôi và khóc vì xúc động. Cô kể rằng nhờ tham gia lớp học hè mà 2 bé tiến bộ rất nhiều. Hiện đã có thể đi học, đọc và viết được. Đó là một kỳ tích với cả gia đình" - anh Duy kể.

Hè năm 1995, nữ sinh viên Trần Thị Hải, hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, hăng hái tình nguyện về huyện Bình Chánh tham gia xóa mù chữ. Hải được phân công thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Cây Da Sà (nay thuộc quận 6). Thời điểm đó, Cây Da Sà nổi tiếng là địa bàn phức tạp, tập trung toàn dân "anh chị". "Khi được phân công về dạy học tại đó, bản thân tôi có chút lo lắng bởi học viên của lớp đa số là dân cờ bạc, xăm trổ đầy mình… Nhưng bất ngờ là họ học rất ngoan và chăm. Vì thế mà tôi cũng yên tâm phần nào" - chị Hải kể.

Ra trường rồi đi làm, chị Hải rất tự hào về những đóng góp của bản thân khi tham gia Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè. "Những gì tích lũy được khi làm tình nguyện viên giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc giảng dạy, quản lý và công tác phong trào tại cơ quan. Khi tham gia làm tình nguyện viên, tôi không hề nghĩ đến lợi ích của bản thân. Sau này nhìn lại, thấy mình được bù đắp rất nhiều điều từ những ngày tháng ý nghĩa đó" - chị Hải tâm sự.

Hướng đến "Mùa hè số"

Chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành Đoàn TP HCM, cho biết trong hơn 30 năm qua, Chiến dịch tình nguyện "Mùa hè xanh" đã trở thành "thương hiệu" của thanh niên thành phố mang tên Bác.

Chị Trần Thu Hà nhận định bối cảnh hiện tại và sắp tới đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi cần có sự thay đổi về nội dung và phương thức tổ chức "Mùa hè xanh". Thành Đoàn, Hội LHTN, Hội Sinh viên TP HCM sẽ khảo sát, xây dựng lại bản đồ tình nguyện của thanh niên thành phố trong tình hình mới. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong triển khai và tổ chức chiến dịch.

Trong đó, hoàn thiện ứng dụng trong quản lý, điều phối địa bàn, nguồn lực, lực lượng, quản lý "chiến sĩ". Đưa "Mùa hè số" trở thành một nội dung trọng tâm của "Mùa hè xanh". Qua đó, thể hiện tinh thần tiên phong của tuổi trẻ trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

VĨNH XUÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ao-xanh-cong-hien-truong-thanh-1962504282126242.htm
Zalo