Tết Nguyên đán 2025, nhiều thương hiệu nội địa nhận về vô số chỉ trích khi gọi tên các sản phẩm dáng ngắn, giống váy xẻ tà là 'áo dài', bị cho là cố tình đánh tráo khái niệm.
Trong Tết Nguyên đán Ất Tỵ, áo dài tiếp tục trở thành trang phục truyền thống được ưa chuộng. Cùng với dòng chảy thời gian và sự phát triển của lĩnh vực thời trang, những tà áo dài cách tân ngày càng xuất hiện nhiều. Sự thay đổi giúp trang phục truyền thống dân tộc trở nên tiệm cận hơn với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, một số sáng tạo bị đánh giá là xa rời với áo dài, song vẫn được gọi với cái tên này, khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: LIMA by LM.
Gần đây, thương hiệu thời trang nội địa LIMA by LM bị chỉ trích vì gọi một mẫu đầm suông dáng ngắn mang tên Mộc Miên là “áo dài”. Dưới bài đăng của local brand này, nhiều người dùng nhanh chóng lên án hành vi đánh tráo khái niệm. Một số ý kiến cho rằng thiết kế mặc kiểu giấu quần trên không giữ đúng dáng dấp, giá trị cốt lõi hay tinh thần của áo dài. Sự việc tạo ra làn sóng phản đối, chỉ trích dữ dội. Ảnh: LIMA by LM.
Nhận về nhiều ý kiến trái chiều, LIMA by LM chính thức đăng tải bài viết xin lỗi vào ngày 8/1. Theo bài viết, thương hiệu thừa nhận “cách đặt tên gây hiểu lầm và khiến một bộ phận cộng đồng mạng bất bình”. Nhãn hàng này cho biết đã tự kiểm điểm nghiêm khắc và sửa tên sản phẩm thành “Áo Mộc Miên”. Cũng trong chính bài đăng này, LIMA by LM cho biết thiết kế trên có thể mặc kiểu giấu quần. Mặc dù đã đưa ra lời xin lỗi, thương hiệu vẫn chưa thể xoa dịu công chúng với cách đặt tên gây nhầm lẫn. Ảnh: LIMA by LM.
Trước đó, một thiết kế mang tên “Áo dài Yên” của thương hiệu C'MEE cũng nhận về sự chỉ trích từ một bộ phận công chúng. Sau khi tìm hiểu, nhiều người dùng tinh ý nhận ra rằng nhãn hàng bổ sung chiếc quần lụa vào mẫu váy trễ vai mang tên Calla Dress trong bộ sưu tập Thu/Đông 2024 và gọi là “áo dài”. Sự chắp vá này bị nhận xét là làm mất đi những yếu tố đặc trưng của trang phục truyền thống. Ảnh: C'MEE.
Một số cho rằng sai lầm của C'MEE nằm ở cách gọi tên. Nếu thương hiệu gọi sản phẩm này là “thiết kế lấy cảm hứng từ áo dài”, cuộc tranh cãi đã không nổ ra. Tuy nhiên, một bộ phận vẫn lên tiếng bênh vực thiết kế trên, cho rằng người dùng đang quá khắt khe với các mẫu áo dài cách tân, không để nhà thiết kế, nhãn hàng tự do sáng tạo. Ảnh: C'MEE.
Có thể thấy, tên gọi “áo dài” ngày càng được các local brand sử dụng một cách bừa bãi. Những kiểu “áo dài” quá ngắn, bỏ quần hay lai trang phục truyền thống đến từ các quốc gia khác cũng được gọi với cái tên này. Bên cạnh những thương hiệu tầm trung trở lên, nhiều đơn vị kinh doanh thời trang nhỏ cũng đánh tráo khái niệm, quảng cáo về những mẫu “áo dài” độc lạ, xa rời với trang phục truyền thống Việt Nam. Ảnh: DressByHaVi.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, NTK Hà Duy khẳng định rằng sự sáng tạo trong thiết kế trang phục truyền thống cần có giới hạn, khuôn khổ và dựa trên thái độ tôn trọng đối với các giá trị cốt lõi. “Áo dài không chỉ là một trang phục mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn liền với lịch sử và hình ảnh đất nước. Việc thay đổi hay lai tạp một cách thiếu kiểm soát có thể làm phai nhạt đi giá trị di sản này”, NTK Hà Duy chia sẻ. Ngoài ra, anh cũng đề cao vai trò của các đơn vị, cá nhân kinh doanh thời trang trong việc bảo tồn tà áo dài truyền thống. Trước hết, việc lựa chọn đúng tên gọi cần được ưu tiên hàng đầu, tránh gây ra sự hiểu lầm đối với bạn bè quốc tế. Ảnh minh họa: LIMA by LM.