Áo chần bông mang Tết xưa trở lại

Trong dòng chảy của thời gian, áo chần bông, trang phục gắn bó với ký ức Tết xưa của người phụ nữ miền Bắc, từng lặng lẽ biến mất giữa nhịp sống hiện đại. Mãi vài năm trở lại đây, áo chần bông mới tái xuất và lập tức được giới trẻ vồ vập. Có người nói, khoác lên người cái áo chần bông giống như khoác theo hơi ấm của cả bà và mẹ.

Hoài niệm áo chần bông trong ký ức người Hà Nội

Trong ký ức của nhiều phụ nữ Hà Nội, từ những năm 60 của thế kỷ trước, áo chần bông không chỉ là món đồ giữ ấm, mà còn là biểu tượng của sự đủ đầy trong những ngày Tết. Bà Nguyễn Kim Khánh (85 tuổi, Hàng Cân, Hà Nội) nhớ lại: “Ngày ấy, Tết đến là dịp đặc biệt để các bà, các mẹ khoác lên mình chiếc áo chần bông mới, đội khăn nhung the đen, đi chợ hoa hay thăm họ hàng. Trẻ con thì ríu rít chạy quanh với những chiếc áo bông sặc sỡ, cảm giác ấm áp như cả Tết gói gọn trong từng đường kim mũi chỉ.”

NSND Thu Hà khẳng định chị là một fan của áo chần bông

NSND Thu Hà khẳng định chị là một fan của áo chần bông

Áo chần bông thời đó được may bằng vải chéo Nam Định, loại vải mềm mại nhưng chắc chắn, với hoa văn như bông cúc, hoa hồng, hoặc họa tiết hình học. Những chiếc áo màu xanh lá, đỏ mận, hay vàng mơ không chỉ giữ ấm mà còn làm sáng bừng không khí Tết giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông miền Bắc. Bà Khánh kể thêm, có những chiếc áo được chần tỉ mỉ bằng tay, phải mất nhiều tuần mới hoàn thành, vì thế ai cũng trân trọng và nâng niu, mặc qua mấy mùa đông mà vẫn không nỡ thay mới.

“Áo chần bông không chỉ là một sản phẩm thời trang mà còn là một tác phẩm văn hóa. Mỗi chiếc áo là một câu chuyện được kể qua hoa văn, chất liệu và kỹ thuật chần bông thủ công. Việc làm mới chiếc áo này không chỉ giữ gìn được nét đẹp truyền thống mà còn khiến nó trở nên gần gũi hơn với giới trẻ ngày nay”.

Nhà thiết kế Đức Hùng

Những năm sau này, khi khó khăn thời bao cấp ập đến, hình ảnh chiếc áo bông chần dần trở nên xa xỉ. Người dân chuyển sang sử dụng áo len đan tay hoặc những chiếc áo khoác làm từ vải công nghiệp. Tuy vậy, ký ức về áo chần bông vẫn in sâu trong lòng những người từng sống qua thời kỳ ấy. Bà Trần Thị Hoa (78 tuổi, phố Hàng Buồm) cho biết: “Hồi đó, Tết mà không có áo bông chần thì buồn lắm. Chúng tôi thường phải dành dụm cả năm chỉ để mua hoặc tự may một chiếc áo mới. Mặc chiếc áo ấy đi chúc Tết hay ra phố chơi chợ hoa thật sự là niềm vui không gì sánh được.

Trang phục ngày Tết của người Hà Nội không chỉ dừng lại ở áo chần bông. Nhà nào có điều kiện thì thường phối áo với khăn nhung the đen, bên trong mặc áo cánh trắng hoặc vàng nhạt, còn trẻ con thì thường được mặc áo chần bông hoa, đi cùng quần nhung. Nếu trời lạnh hơn, họ sẽ mặc thêm áo len đan kiểu hạt gạo, vừa ấm vừa đẹp mắt”.

Gọi áo chần bông là một thứ trang phục “rất Bắc kỳ”, NSND Thu Hà khẳng định: “Áo chần bông không chỉ là trang phục, mà nó còn mang hơi thở của những ngày tháng xưa cũ. Trong từng đường chần chỉ mảnh, từng hoa văn tinh xảo, chiếc áo ấy gợi lên sự chăm chút tỉ mỉ của người may và tạo ra cảm giác sang trọng của một sản phẩm thủ công cao cấp”.

NTK Đức Hùng đã góp phần không nhỏ trong việc đưa áo chần bông trở lại với cuộc sống hiện đại.

NTK Đức Hùng đã góp phần không nhỏ trong việc đưa áo chần bông trở lại với cuộc sống hiện đại.

Hồi sinh trong cuộc sống hiện đại

Khoảng chục năm đổ lại đây, áo chần bông đã trở lại nhờ vào những nỗ lực sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế Việt Nam. Nhà thiết kế Xuân Thu, Đức Hùng và Trịnh Bích Thủy là những người tiên phong trong việc làm mới trang phục này. Áo chần bông hiện nay không chỉ giữ ấm mà còn mang vẻ đẹp độc đáo nhờ kỹ thuật thủ công tinh tế. Các đường chần bông từ truyền thống như chần ô trám, chần ô vuông, đến sáng tạo như chần hạt gạo đổi màu, đều là điểm nhấn của trang phục.

NSND Thu Hà khẳng định: “Áo chần bông không chỉ là trang phục, mà nó còn mang hơi thở của những ngày tháng xưa cũ. Trong từng đường chần chỉ mảnh, từng hoa văn tinh xảo, chiếc áo ấy gợi lên sự chăm chút tỉ mỉ của người may và tạo ra cảm giác sang trọng của một sản phẩm thủ công cao cấp”.

Dù mang trong mình nét hoài cổ, áo chần bông hiện đại đã phá vỡ nhiều giới hạn, xuất hiện từ các buổi triển lãm nghệ thuật đến các sự kiện thời trang cao cấp. Chiếc áo chần bông nay đã được cách tân, dù kết hợp cùng áo dài, áo yếm hay trang phục “thuần Tây” như đồ jeans và bốt (boot) cao cổ, nó đều có thể trở thành một “miếng ghép” sành điệu và thời thượng. Một cái áo chần bông làm hoàn toàn thủ công với những hình thêu tay nho nhỏ hiện giá thành cũng phải tính từ vài ba triệu trở lên. Những chiếc áo giờ đây không chỉ giữ ấm mà còn là một “đặc sản” trong văn hóa mặc của người miền Bắc.

Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn áo chần bông để diện trong các dịp lễ Tết hoặc chụp ảnh kỷ niệm, bởi nó không chỉ gợi lên nét hoài cổ mà còn mang tính thẩm mỹ độc đáo. “Mặc áo chần bông vừa ấm áp, vừa thấy mình như sống lại với Tết của ông bà ngày xưa”, Minh Anh, một sinh viên đại học ở Hà Nội chia sẻ. Minh Anh cho biết thêm rằng cô yêu thích cảm giác được kết nối với quá khứ qua một món đồ có lai lịch trăm năm. Với cô và nhiều bạn trẻ, áo chần bông không chỉ là trang phục mà còn là cầu nối, đưa họ trở về với ký ức của các thế hệ trước, đồng thời mang đến cảm giác tự hào khi diện một sản phẩm đậm chất văn hóa Việt Nam.

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, một trong những người đã đưa áo chần bông trở lại với đời sống hiện đại nói rằng, mỗi chiếc áo không chỉ là một sản phẩm thời trang, mà còn là câu chuyện về Hà Nội xưa, về những giá trị truyền thống và ký ức đầy tình người. “Tôi muốn qua từng đường kim, mũi chỉ, người mặc không chỉ cảm nhận được sự ấm áp mà còn là sự kết nối với những hoài niệm đẹp đẽ của quá khứ,” bà Thủy chia sẻ.

Người trẻ thích thú với trang phục áo chần bông

Người trẻ thích thú với trang phục áo chần bông

Nhà thiết kế Đức Hùng, người cũng được biết đến với những sáng tạo áo chần bông đậm chất truyền thống, đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với hành trình của bà Thủy. Ông nhận định: “Áo chần bông không chỉ là một sản phẩm thời trang mà còn là một tác phẩm văn hóa. Mỗi chiếc áo là một câu chuyện được kể qua hoa văn, chất liệu và kỹ thuật chần bông thủ công. Việc làm mới chiếc áo này không chỉ giữ gìn được nét đẹp truyền thống mà còn khiến nó trở nên gần gũi hơn với giới trẻ ngày nay.” Đức Hùng cũng cho rằng sự sáng tạo và cá tính của từng nhà thiết kế góp phần đưa áo chần bông thành biểu tượng của sự giao thoa giữa xưa và nay, giữa ký ức và hiện thực.

Nghệ nhân Trần Văn Vinh, người có gia đình ba đời gắn bó với nghề chần bông, bày tỏ niềm vui khi chứng kiến sự hồi sinh của trang phục này. Ông chia sẻ: “Nhìn những chiếc áo chần bông được các nhà thiết kế làm mới, tôi thực sự xúc động. Không chỉ là một trang phục giữ ấm, áo chần bông còn là minh chứng cho sự khéo léo và tinh tế của những người làm nghề thủ công”.

Ông Vinh cũng rất kỳ vọng vào tương lai của trang phục này: “Tôi mong rằng áo chần bông sẽ không chỉ được yêu thích ở trong nước, mà còn có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế, để bạn bè thế giới thấy được nét độc đáo trong văn hóa và tay nghề của người Việt”.

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ao-chan-bong-mang-tet-xua-tro-lai-post1707270.tpo
Zalo