Anti vaccine - cha mẹ đẩy con vào 'vòng tay tử thần'

Anti vaccine không chỉ gây nguy hiểm cho con bạn, mà còn đe dọa đến sức khỏe của cả cộng đồng.

Sởi tấn công trẻ chưa tiêm vaccine

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận rải rác khoảng 42.000 ca nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 4.000 trường hợp dương tính với sởi tại 61 tỉnh, thành phố; 5 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.

Đáng chú ý, Hà Nội vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc sởi là bé gái 4 tuổi, có tiền sử chưa tiêm vaccine phòng sởi. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, mặc dù đã 4 tuổi, nhưng trẻ mới chỉ được tiêm một liều vaccine viêm gan ngay sau sinh và một mũi vaccine BCG trong vài tuần sau đó.

Khi tìm hiểu về tiền sử tiêm chủng của gia đình, các bác sĩ nhận thấy các anh chị em của bệnh nhi cũng không được tiêm vaccine đầy đủ. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng trẻ là nạn nhân của tình trạng do dự hoặc phản đối tiêm chủng - một vấn đề đang trở thành mối lo ngại lớn đối với ngành y tế.

TS.BS Đỗ Thiện Hải đang khám cho cháu bé 9 tháng tuổi mắc sởi

TS.BS Đỗ Thiện Hải đang khám cho cháu bé 9 tháng tuổi mắc sởi

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi mắc sởi đang gia tăng nhanh chóng. TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc trung tâm - cho biết, hiện nơi đây đang điều trị gần 100 bệnh nhi bị sởi biến chứng hoặc có nguy cơ trở nặng, thậm chí nguy kịch. Các bệnh nhi đều có một điểm chung là chưa được tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ.

Trong đó, có trường hợp gia đình không tiêm vaccine cho con vì tin rằng phương pháp tắm lá cây sẽ giúp phòng ngừa bệnh sởi. Tuy nhiên, khi trẻ mắc bệnh, tình trạng diễn biến nhanh chóng và phương pháp tắm lá không mang lại hiệu quả, gia đình mới hoảng hốt đưa trẻ đến bệnh viện. Bác sĩ cho biết, nếu trường hợp này nhập viện muộn hơn, nguy cơ tử vong của bé sẽ rất cao.

Trường hợp khác, phụ huynh không tiêm vaccine cho con vì tin vào thông tin sai lệch trên mạng. Khi con mắc bệnh và biến chứng nặng, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện. Dù hiện tại bé đã vượt qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe vẫn rất yếu.

Không chỉ tại Hà Nội, các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh cũng đang tiếp nhận nhiều ca sởi nặng ở trẻ chưa được tiêm phòng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tình trạng trẻ nhập viện vì sởi nhưng chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi rất phổ biến. Nhiều trường hợp bị biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân chính là do nhiều phụ huynh e ngại vaccine. Một số người lo sợ tác dụng phụ sau tiêm, đặc biệt là quan niệm sai lầm rằng vaccine có thể gây tự kỷ. Ngoài ra, không ít phụ huynh vẫn cho rằng, sởi chỉ là bệnh nhẹ, có thể tự khỏi, nên không cần tiêm phòng.

Lỗ hổng miễn dịch và hiểm họa từ anti vaccine

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - khẳng định, sự ra đời và phát triển của các loại vaccine là một trong những thành tựu y học lớn nhất của nhân loại. Chính nhờ các vaccine, chúng ta đã có thể tiêu diệt và kiểm soát nhiều bệnh tật nguy hiểm mà trước đây đã từng gây ra đại dịch toàn cầu, ví dụ như bệnh đậu mùa. Những thành tựu này không chỉ giúp bảo vệ cá nhân mà còn góp phần bảo vệ toàn xã hội trước các mối đe dọa sức khỏe.

Tuy nhiên, PGS Trần Minh Điển cũng bày tỏ lo ngại về trào lưu từ chối tiêm vaccine, khi một bộ phận không nhỏ người dân đang từ chối tiêm vaccine cho mình và con cái (hay còn gọi là anti vaccine) do những thông tin sai lệch hoặc thiếu hiểu biết.

Trẻ nhiễm sởi có thể bị các biến chứng nặng. Ảnh: Hoàng Lê

Trẻ nhiễm sởi có thể bị các biến chứng nặng. Ảnh: Hoàng Lê

Ông khẳng định, việc từ chối tiêm vaccine không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân người đó mà còn đe dọa đến cộng đồng, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine giảm xuống, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao, gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội.

"Sống vừa thuận theo tự nhiên, những điều đúng đắn, phần khác chúng ta hãy cho con của mình được hưởng những thành tựu của y học để con sống khỏe hơn.

Có thể đến thăm những em bé bị ho gà, hay sởi, hiện đang nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương và hỏi các bà mẹ con mình tiêm phòng hay không sẽ hiểu được không tiêm vaccine cho trẻ sẽ nguy hiểm thế nào? Thấy sự lo lắng và tiếc nuối của họ khi nhận ra rằng nếu tiêm vaccine đầy đủ, con họ có thể đã tránh được những bệnh tật nguy hiểm này", PGS Trần Minh Điển chia sẻ.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 1 triệu trẻ em chào đời. Nếu chỉ có 10% trong số đó không được tiêm phòng đầy đủ, cộng với khoảng 5-10% trẻ tiêm vaccine nhưng không đáp ứng, thì chỉ sau 5 năm, số lượng trẻ thiếu miễn dịch có thể lên đến 1 triệu.

Điều này sẽ tạo ra một "lỗ hổng miễn dịch" lớn trong cộng đồng. Khi đó, dịch sởi, một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, sẽ bùng phát theo chu kỳ 5 năm/lần mà không thể tránh khỏi. Tình trạng này sẽ không chỉ đe dọa sức khỏe của trẻ em mà còn gây áp lực lớn lên hệ thống y tế.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh), Bộ Y tế - cho rằng, trào lưu anti vaccine rất nguy hiểm, bởi hậu quả không thể hiện ngay lập tức mà phải sau một thời gian dài, cộng đồng mới nhận thấy tác hại.

Bằng chứng rõ ràng nhất là vào năm 2014, dịch sởi đã quay lại và bùng phát mạnh mẽ. Trước đó, một số tai biến sau tiêm đã khiến nhiều người dân lo sợ, lo lắng về sự an toàn của vaccine và quyết định không tiêm phòng cho con mình.

Sự e ngại này dẫn đến tỷ lệ tiêm vaccine giảm đáng kể, tạo ra "lỗ hổng miễn dịch" trong cộng đồng. Khi dịch sởi bùng phát trở lại, ngành y tế đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc kiểm soát và dập dịch.

Kết quả là nhiều trẻ em và người lớn bị nhiễm bệnh và phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

"Anti vaccine là có tội với cả một thế hệ. Đây không còn là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Trong bối cảnh thông tin tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin về sức khỏe, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, các bậc cha mẹ nên kiểm tra thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo tính chính xác. Việc tin tưởng vào những thông tin sai lệch có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của gia đình và cộng đồng.

Hiện nay, Bộ Y tế đã cho phép trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi tiêm vaccine sởi, và việc này đã triển khai đồng loạt ở tất cả tỉnh thành.

Do đó, khi con em đạt đến độ tuổi này, phụ huynh cần chủ động đưa đi tiêm phòng, để trẻ tăng cường hệ thống miễn dịch phòng chống bệnh.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/anti-vaccine-cha-me-day-con-vao-vong-tay-tu-than-380635.html
Zalo