Anh hùng Phạm Tuân: 'Tôi tin thế hệ trẻ sẽ làm tốt hơn chúng tôi'
Anh hùng Phạm Tuân cho biết, ông cha đã góp phần nhỏ bé cho quê hương, đất nước và ông tin thế hệ trẻ sẽ làm tốt hơn cha ông khi tổ quốc cần và làm giàu đẹp hơn truyền thống của dân tộc chúng ta.
Lần đầu tiên không quân của chúng ta đánh được B-52
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cuộc Giao lưu - Tọa đàm “Việt Nam vươn mình: Lịch sử - Hiện tại và Tương lai”.
Chia sẻ về ở trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 tại tọa đàm, Anh hùng Phạm Tuân cho biết, ngày này 52 năm về trước, Quân đội chúng ta đang đối phó khốc liệt với máy bay B52 tấn công của Mỹ. Mọi thắng lợi của Quân đội Nhân dân đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo, tư duy chiến lược của Bác Hồ và Trung ương để đánh giá tình hình, thời cơ, xây dựng lực lượng và chỉ đạo cụ thể.
Nói về những thách thức, khó khăn thời điểm ấy, Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ, nếu một 1 tốp gồm 2-3 máy bay B52 ném bom có thể san phẳng diện tích 2km; 3-4 tốp máy bay B52 ném bom ở Hà Nội có thể san phẳng toàn bộ.
Ngoài ra, máy bay này có nhiễu sóng có thể thu được toàn bộ tần số radar của ta. Một đêm có 350 máy bay tiến vào Hà Nội, khoảng 50-70 chiếc, máy bay bay dày đặc trên bầu trời Hà Nội.
Trước khi diễn ra trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, quân Mỹ đã đánh thử những trận khác như trận ở Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa, Hải Phòng. Trên cơ sở đó, Mỹ chủ quan về tình hình khi đã biết hết các vũ khí và lực lượng của ta. Cho nên khi đàm phán không thành công, Mỹ quyết tâm đánh bom B52 vào Hà Nội.
Trung tướng Phạm Tuân kể, tối 18/12/1972, sau khi nhận lệnh xuất kích, chiếc MiG-21 do ông điều khiển cất cánh từ sân bay Nội Bài lao vào bầu trời đêm. Tiếp cận đội hộ tống của máy bay Mỹ, ông phát hiện dải đèn nhận diện lạ ở độ cao hơn 8km nhưng không biết đó là của B-52.
Xin lệnh công kích và được đồng ý, phi công Phạm Tuân tiếp cận mục tiêu và bật radar. Cả màn hình radar sáng rực vì nhiễu. Lúc đó, chiếc B-52 bất ngờ tắt đèn tín hiệu nhận diện. “Không nhìn thấy mục tiêu trong đêm, tôi bật tăng lực để tăng tốc máy bay tìm mục tiêu. Luồng lửa động cơ do chiếc MiG-21 tạo ra thu hút sự chú ý của đám F-4 hộ tống. Sau vài vòng tìm kiếm không thấy mục tiêu, tôi đã điều khiển máy bay thoát ly” - Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Lần xuất kích thứ hai vào đêm 27/12/1972, máy bay của phi công Phạm Tuân cất cánh từ Sân bay Yên Bái, bay thấp theo đài dẫn mặt đất bí mật tiếp cận phi đội hộ tống của địch. Trong đêm tối, các phi đội F-4 hộ tống của Mỹ không phát hiện ra máy bay của ta.
Phi công Phạm Tuân khéo léo điều khiển máy bay né tránh và tiến sâu trong đội hình địch. Khi phát hiện ra mục tiêu B-52 khoảng thuận lợi, phi công Phạm Tuân xin lệnh công kích phóng 2 quả tên lửa điểm nổ trúng mục tiêu. Thấy máy bay B-52 bị máy bay ta bắn rơi, các phi đội F-4 hộ tống của địch quyết tâm truy đuổi, nhưng sau khi thoát ly, phi công Phạm Tuân đã nhanh chóng điều khiển chiếc MiG-21 cắt đuôi máy bay truy kích của địch, trở về sân bay Yên Bái và hạ cánh an toàn. Đó là lần đầu tiên không quân của chúng ta đánh được B-52.
“Sau khi hạ cánh, nhận điện chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi mới thấy mình vô cùng phấn khởi vì không quân của ta đã đánh được B-52. Mình đã đại diện không quân để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi thấy mình may mắn nhưng cũng phải bản lĩnh để chớp thời cơ bắn rơi B-52” – Trung tướng Phạm Tuân bồi hồi, xúc động.
Lý giải về nguồn gốc chiến thắng B-52 của ta, Anh hùng Phạm Tuân cho rằng, do quyết tâm đánh thắng Mỹ của ta. Bác Hồ đã từng nói rằng, chúng có vũ khí gì đi nữa chúng ta cũng phải đánh. Đã đánh là phải thắng. Chúng ta đã huy động sức mạnh tổng hợp và do ý chí tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc của chúng ta. Bên cạnh đó, do chúng ta nắm được chiến thuật đánh của Mỹ, cùng với sáng tạo của người Việt Nam chúng ta… tất cả các lý do trên đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.
Tin tưởng thế hệ tương lai
Anh hùng Phạm Tuân là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay vào vũ trụ năm 1980. Trước đó, năm 1977 Phạm Tuân được cử sang Liên Xô học tại Học viện Không quân Gagarin. Năm 1979, khi chọn phi công vũ trụ, phía Liên Xô kiểm tra tất cả phi công và kỹ sư Việt Nam nhưng chỉ chọn được 3 người vì phải vượt qua các bài kiểm tra thể lực khó khăn.
Về vũ trụ, Bác Hồ rất quan tâm. Bác đã mởi Anh hùng vũ trụ German Titov thăm vịnh Hạ Long vào ngày 22/1/1960. Một hòn đảo trên vịnh Hạ Long mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Gherman Titov ghé thăm sau đó đã mang tên anh hùng vũ trụ này.
“Bác nói, thanh niên Liên Xô bay vào vũ trụ và đến một lúc nào đó thanh niên Việt Nam cũng bay vào vũ trụ và tôi rất may là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ” – Trung tướng Phạm Tuân bày tỏ.
Khi lên vũ trụ, Anh hùng Phạm Tuân mang theo cờ tổ quốc, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Lê Duẩn, một nắm đất Ba Đình, bản Tuyên ngôn độc lập, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, huy hiệu, tem bưu chính viễn thông, dấu đóng bưu chính viễn thông,.... Tất cả đều được đóng dấu trạm vũ trụ và mang trở về trái đất.
"Thế hệ chúng tôi đi chiến đấu đã góp phần nhỏ bé của mình cho quê hương, đất nước. Thế hệ ngày nay được học tập với rất nhiều lợi thế cộng với truyền thống của ông cha ta để lại. Tôi tin chắc rằng thanh niên của chúng ta khi tổ quốc cần sẽ làm và làm tốt hơn thế hệ của chúng tôi.
Tôi mong rằng, thế hệ trẻ ngày nay tu dưỡng tốt về phẩm chất đạo đức, về trí tuệ, mọi mặt nhưng phải nhớ đến truyền thống của cha ông ta, truyền thống của quê hương đất nước ta, truyền thống của quân đội chúng ta để giữ gìn và phát huy tốt hơn. Phải làm được tốt hơn để vun đắp, làm đẹp thêm, giàu hơn truyền thống dân tộc của chúng ta", Anh hùng Phạm Tuân bày tỏ.