Anh hoàn tất chuyển giao toàn bộ pháo tự hành AS90 cho Ukraine
Pháo tự hành AS90 sẽ được Quân đội Anh thay thế bằng loại Archer, do vậy họ có thể mang toàn bộ số vũ khí cũ đi viện trợ Ukraine.

Lục quân Hoàng gia Anh đã loại bỏ hoàn toàn các hệ thống pháo tự hành AS90, sớm hơn 5 năm so với dự kiến và toàn bộ số vũ khí này đã được bàn giao cho Ukraine, tờ Army Technology cho biết.

Bộ Quốc phòng Anh nhận xét pháo tự hành AS90 là một vũ khí "không thành công", dẫn tới việc loại khỏi biên chế và thay thế bằng loại Archer của Thụy Điển, nhưng theo London, đây vẫn chỉ là "giải pháp tạm thời".

Giới truyền thông cho biết, các khẩu pháo tự hành AS90 sau khi bị loại biên đã được gửi thẳng đến Ukraine, mặc dù không có thông báo chính thức nào về việc này.

Theo ấn phẩm Army Technology, vào năm 2023, Anh đã gửi 32 khẩu pháo tự hành tới Ukraine, chiếm gần một nửa trong số khoảng 80 hệ thống còn lại trong Quân đội Anh tại thời điểm đó.

Hiện tại không rõ những khẩu pháo tự hành nói trên vẫn còn trong thành phần tác chiến hay trong các nhà kho bảo quản, và số phận hiện tại của chúng cũng không rõ ra sao.

Chưa có thông báo chính thức nào về việc chuyển giao hoặc xử lý, tuy nhiên rõ ràng không thể tháo dỡ khoảng 50 hệ thống pháo tự hành trong thời gian ngắn như vậy. Các chuyên gia cho rằng London đã gửi chúng tới Kyiv mà không công bố thời điểm giao hàng.

Theo dữ liệu của Kyiv, quân đội của họ đã nhận được 68 pháo tự hành AS90 trong 3 lần giao hàng vào năm 2023, cũng như vào tháng 4 và tháng 9/2024. Tuy nhiên một số hệ thống đã được thay đổi công năng làm nguồn cung cấp phụ tùng thay thế.

Vào tháng 12/2024, AS90 được đưa vào biên chế Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 58 và trong quý đầu tiên của năm 2025, chúng gia nhập thành phần tác chiến của Lữ đoàn cơ giới hạng nặng độc lập số 117 và Lữ đoàn cơ giới số 151 của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Nguồn gốc của AS90 bắt đầu vào cuối thập niên 1960, khi Tây Đức, Anh và Ý thảo luận về việc phát triển một mẫu pháo tự hành mới và đã cho ra đời nguyên mẫu SP70. Trong đó Tập đoàn Vickers Shipbuilding and Engineering chịu trách nhiệm thiết kế tháp pháo (có tên SBT155).

Dự án SP70 đã bị hủy bỏ vì lúc bấy giờ pháo tự hành M109 Paladin của Mỹ tỏ ra vượt trội. Tuy nhiên những kinh nghiệm trong nghiên cứu SP70 đã được tận dụng để phát triển AS90 Braveheart của Anh, Palmaria của Ý và Panzerhaubitze 2000 của Đức.

Như một nỗ lực để khắc phục các khuyết điểm trên dự án SP70, Vickers đã chế tạo loại pháo tự hành với khung gầm và tháp pháo mới, mục đích để thay thế toàn bộ các loại FV 433 Abbot và M109 Paladin cũng như pháo xe kéo FH 70 có trong trang bị.

Pháo chính của AS90 sử dụng loại FH 70 155 mm với chiều dài nòng gấp 39 lần đường kính (L/39) và khung gầm sử dụng nhiều thành phần của xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 1, trong đó có bộ truyền động.

Nguyên mẫu đầu tiên hoàn thành vào năm 1986, sau các cuộc thử nghiệm, sản phẩm mới của Vickers đã được Quân đội Hoàng gia Anh chấp nhận đưa vào sử dụng với tên gọi AS90 vào năm 1989.

Khung gầm của AS90 dùng bánh xích với động cơ và bộ truyền động đặt phía trước. Động cơ Cummins VTA903T V8 công suất 660 mã lực cho tốc độ tối đa trên đường nhựa là 55 km/h, tầm hoạt động 350 km.

Ngoài ra xe còn được lắp đặt động cơ điện phụ trợ (APU) nhằm cấp điện cho các thiết bị bên trong mà không cần bật động cơ chính. Xe có khả năng vượt chướng ngại vật cao 0,75 m, vượt hào rộng 3 m và lội nước sâu 1,5 m.

Nhờ có hệ thống giảm giật và hệ thống treo bằng khí nén nên xe không cần thanh ổn định thủy lực, pháo có thể bắn ở mọi hướng trong góc phương vị 360 độ và góc tà -5 độ - +70 độ.

Với hệ thống nạp đạn bán tự động, pháo tự hành AS90 có thể bắn loạt 3 phát trong 10 giây và tốc độ bắn trung bình vào khoảng 6 phát mỗi phút.

Để bắn trực tiếp từ khoảng cách 2.000 m trở lại, pháo thủ được trang bị kính ngắm ngày/đêm Avimo của Thales Optronic. AS90 cũng có kính ngắm kỹ thuật số chỉ điểm bằng laser quán tính (LINAPS).