Anh điều tra nguy cơ rò rỉ hóa chất PFAS từ ba căn cứ quân sự

Ngày 19/4, Bộ Quốc phòng Anh (MoD) bắt đầu điều tra ba căn cứ quân sự gồm RAF Marham, RM Chivenor và AAC Middle Wallop trước lo ngại các cơ sở này có thể rò rỉ hóa chất PFAS - còn gọi là 'hóa chất vĩnh cửu' – ra môi trường và nguồn nước sinh hoạt.

Hình minh họa một căn cứ không quân. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Hình minh họa một căn cứ không quân. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo tờ Guardian, cả ba căn cứ đều nằm gần các khu vực nhạy cảm về sinh thái, trong đó RAF Marham và AAC Middle Wallop nằm trong vùng bảo vệ nguồn nước uống, còn RM Chivenor giáp ranh với khu bảo tồn sinh thái và sông Taw - một dòng sông quan trọng đối với cá hồi. Các địa điểm nói trên được xác định bằng công cụ sàng lọc rủi ro PFAS do Cơ quan Môi trường Anh (EA) phát triển.

PFAS là nhóm hóa chất tổng hợp từng được sử dụng rộng rãi trong bọt chữa cháy, công nghiệp và nhiều sản phẩm tiêu dùng như vải chống thấm, đồ nấu nướng chống dính, mỹ phẩm và bao bì thực phẩm. PFAS nổi tiếng với đặc tính khó phân hủy, có thể tồn tại lâu dài trong môi trường, tích tụ trong cơ thể người và liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư, rối loạn nội tiết và hệ miễn dịch.

Các căn cứ quân sự sử dụng bọt chữa cháy chứa PFAS trong huấn luyện và thực địa suốt nhiều thập kỷ. Dù một số hóa chất trong bọt như PFOS, PFOA và PFHxS đã bị cấm, nhưng chúng vẫn tồn tại dai dẳng trong đất, nước ngầm và bê tông công trình.

Giáo sư Hans Peter Arp từ Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy nhận định tình trạng ô nhiễm PFAS tại các căn cứ quân sự là điều “không đáng ngạc nhiên” và có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ hoặc hàng thế kỷ nếu không có biện pháp khắc phục tức thời.

Ủy ban Kiểm toán Môi trường Quốc hội Anh trong tháng này đã mở cuộc điều tra chính thức về tình trạng ô nhiễm PFAS trên toàn quốc. Theo Giáo sư Alex Ford, Đại học Portsmouth, hiện có hàng nghìn địa điểm tại Anh được xác định có nguy cơ cao về PFAS, trong đó nhiều khu vực nằm gần nguồn nước uống. Ông nhấn mạnh cần sớm cấm các nhóm hóa chất này để hạn chế hậu quả kéo dài.

Trong khi đó, tổ chức Water UK - đại diện cho ngành công nghiệp nước - kêu gọi chính phủ ban hành lệnh cấm PFAS và phát triển một kế hoạch quốc gia xử lý ô nhiễm, trong đó các nhà sản xuất phải chịu chi phí. Hiện không phải mọi hệ thống xử lý nước tại Anh đều có khả năng loại bỏ PFAS.

Giáo sư Crispin Halsall, chuyên gia hóa học môi trường tại Đại học Lancaster, nhấn mạnh cần có sự minh bạch và giám sát độc lập, đồng thời kêu gọi Bộ Quốc phòng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng.

Công tác giám sát PFAS tại Anh hiện được cho là chậm hơn so với Mỹ - nơi chính phủ đã triển khai các chương trình lấy mẫu nước tại các giếng tư gần căn cứ quân sự và dành hàng tỷ USD cho việc kiểm tra, xử lý ô nhiễm do PFAS gây ra.

Tờ Guardian cũng dẫn lời nhiều cựu nhân viên cứu hỏa từng sử dụng bọt chữa cháy trong huấn luyện và tác chiến tại các căn cứ quân sự ở Anh và Mỹ, nay đang đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư tuyến giáp, rối loạn miễn dịch và cholesterol cao, mà nguyên nhân được cho là do phơi nhiễm PFAS.

Bộ Quốc phòng Anh đang phối hợp với Cơ quan Môi trường để đánh giá các rủi ro liên quan và xem xét việc hạn chế PFAS trong các ứng dụng quân sự. Trong khi đó, các nguồn ô nhiễm PFAS còn được xác định tại nhiều khu vực khác như sân bay dân dụng, bãi chôn lấp, nhà máy giấy và cơ sở mạ kim loại.

EA cho biết đang triển khai chương trình đánh giá nhiều năm nhằm xác định các nguồn ô nhiễm PFAS và ưu tiên điều tra. Các phòng thí nghiệm hiện đang quá tải do nhu cầu phân tích tăng cao. Giáo sư Patrick Byrne, Đại học Liverpool John Moores, cảnh báo rằng hệ thống giám sát hiện nay mới chỉ phát hiện được phần nhỏ trong tổng số hóa chất PFAS có thể tồn tại trong môi trường.

Hoàng Anh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/anh-dieu-tra-nguy-co-ro-ri-hoa-chat-pfas-tu-ba-can-cu-quan-su-20250420142845428.htm
Zalo