Anh đi tìm vùng an toàn trong 'cơn lốc' thuế quan

Kênh tin tức BBC (Vương quốc Anh) dẫn nhận định của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho biết, nhiều khả năng một thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và Mỹ sẽ được ký kết.

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu bên ngoài tòa nhà số 10 phố Dowing, ngày 5/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu bên ngoài tòa nhà số 10 phố Dowing, ngày 5/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Vance đã gọi thỏa thuận tiềm năng này là một “cơ hội tốt” và nhấn mạnh việc đàm phán với London sẽ dễ dàng hơn so với các quốc gia châu Âu khác, nhờ vào “mối quan hệ mang tính đối ứng cao hơn”.

Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Sarah Jones hoan nghênh phát biểu của ông Vance, đồng thời xác nhận các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận với Mỹ vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, bà Jones từ chối đưa ra mốc thời gian cụ thể. Bà nói: “Không ai muốn thuế quan cả. Không ai mong muốn một cuộc chiến thuế quan. Chúng tôi muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ”.

Tuy nhiên, câu hỏi thực chất xoay quanh các phát biểu tích cực từ ông Vance và bà Jones là: khái niệm “thỏa thuận” ở đây được hiểu như thế nào?

* Một "thỏa thuận kinh tế" hẹp?

Ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Nhà Trắng hồi tháng 2/2025, giới chức Anh đã tránh dùng cụm từ “thỏa thuận thương mại tự do” để mô tả các cuộc đàm phán đang diễn ra với Mỹ, mà thay vào đó, họ đề cập đến một “thỏa thuận kinh tế”. Điều này cho thấy một điểm đáng lưu ý: Đây không phải là một hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện, bao trùm hầu hết các mặt hàng như kỳ vọng trước đó.

Theo báo The Guardian, dưới trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ nhất của ông Donald Trump, đàm phán thương mại giữa Anh và Mỹ từng đạt tiến triển tương đối khả quan, cho đến khi những chủ đề gây tranh cãi như giá thuốc và tiêu chuẩn thực phẩm trở thành rào cản lớn. Khi ấy, nhóm đàm phán của ông Trump từng chia sẻ rằng họ đang theo dõi xem liệu Anh sẽ giữ mức độ gắn kết ra sao với các quy định của Liên minh châu Âu (EU) sau khi hoàn tất quá trình tách khỏi khối này (Brexit).

Lần này, nội dung “thỏa thuận” dường như tập trung vào hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo, đổi lại bằng việc tránh bị Mỹ áp thuế quan.

Mỹ cũng bày tỏ mong muốn đối thoại về “thuế công nghệ” mà Anh đang áp dụng, chủ yếu nhắm vào các tập đoàn công nghệ của Mỹ, cũng như bày tỏ lo ngại về Đạo luật An toàn Trực tuyến (Online Safety Act) của Anh.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Belsize Park, phía Bắc thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Belsize Park, phía Bắc thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

* Tránh xung đột thuế quan – mục tiêu chính trị thực tế

Một động lực lớn thúc đẩy Anh sớm đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ là để tránh bị cuốn vào làn sóng thuế quan đang được ông Trump tái áp đặt, nhằm "tái thiết lập hệ thống thương mại toàn cầu". Mỹ đã chính thức áp thuế 10% đối với hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu vào nước này, coi đây là một phần trong chính sách “thuế quan đối ứng”.

Bản thân mức thuế 10% mà Mỹ vừa áp lên hàng hóa Anh không nhằm trừng phạt riêng nước này, mà là một mức cơ bản áp cho hầu hết các đối tác – bao gồm cả những nước thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Nhưng tình thế của Anh khá đặc biệt. London hiện không thặng dư thương mại với Washington. Ngược lại, họ còn nhập khẩu từ Mỹ nhiều hơn xuất khẩu.

Ngoài ra, một số lĩnh vực then chốt của Anh như ô tô đang chịu mức thuế tới 25%, trong khi những quốc gia khác lại được miễn thuế với hàng điện tử – điều khiến phía Anh cảm thấy bị đối xử bất công.

Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng Anh khó có khả năng đàm phán được miễn trừ hoàn toàn vì nếu Mỹ ưu ái riêng một nước, điều đó sẽ tạo ra nguy cơ "chuyển hướng thương mại" – đi ngược mục tiêu chính sách thuế mới của ông Trump. Tuy nhiên, việc Mỹ đang cần nhanh chóng tạo ra “các chiến thắng chính sách” với đồng minh trong lúc thị trường tài chính biến động liên tục như hiện nay có thể khiến Anh có thêm đòn bẩy.

* Tác động từ đàm phán hậu Brexit và cạnh tranh giữa các cường quốc

Một vấn đề khác đang nổi lên là các cuộc đàm phán “thiết lập lại” quan hệ thương mại giữa Anh và EU đang được lên kế hoạch. Hai bên dự kiến sẽ đạt một thỏa thuận đầy tham vọng trong Hội nghị Thượng đỉnh Anh - EU diễn ra vào tháng Năm tới. Mục tiêu là giảm thiểu thủ tục hành chính cho hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu giữa hai bên.

Mỹ từng thể hiện sự quan tâm đến diễn biến này. Câu hỏi đặt ra hiện nay là: Liệu Mỹ sẽ tìm cách lồng ghép các điều khoản trong đàm phán với Anh vào bối cảnh hiện nay? Bên cạnh đó, nhiều quan chức Mỹ đã bày tỏ mong muốn các đồng minh cùng tham gia nỗ lực kiềm chế đối thủ cạnh tranh.

Điều này rõ ràng mâu thuẫn với định hướng mà Chính phủ Anh đang quảng bá ra thế giới, rằng Anh có thể trở thành “nền kinh tế kết nối nhất thế giới”, duy trì các liên kết mạnh mẽ với thị trường hàng hóa châu Âu, công nghệ Mỹ và cả thị trường Đông Á.

* Anh đang có cơ hội, nhưng có dám tận dụng?

Một yếu tố cuối cùng nhưng đáng chú ý: Sau những biến động mạnh trên thị trường tài chính trong hai tuần đầu tháng Tư, đặc biệt là với thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ, giờ đây thứ mà Mỹ cần là những thỏa thuận thương mại, đặc biệt là với các đồng minh thân cận.

Điều này đồng nghĩa với việc Anh đang có nhiều lợi thế hơn so với cách đây một tháng. Dù không thể so sánh với một hiệp định thương mại toàn diện như những người ủng hộ Brexit từng mơ ước, một thỏa thuận kinh tế song phương giữa Anh và Mỹ, kể cả trong một phạm vi hẹp, vẫn mang ý nghĩa chính trị và chiến lược lớn trong giai đoạn bất định hiện nay.

Với Mỹ, đây có thể là “chiến thắng dễ dàng” trong khi phải đối phó với các cuộc khủng hoảng lớn hơn. Còn với Anh, đây là cơ hội thể hiện vai trò linh hoạt của nước này trong các trục liên kết thương mại lớn trên thế giới – miễn là Anh không bị ép buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và EU.

Diệu Linh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/anh-di-tim-vung-an-toan-trong-con-loc-thue-quan/370470.html
Zalo