'Anh con trai làng Thạch Linh thương mẹ'

Có một lần gần đây, tôi gặp câu hỏi của một bạn yêu thơ :' Ai là tác giả bài thơ 'Anh con trai làng Thạch Linh thương mẹ'? Tim tôi bỗng nhói lên vì nhớ các anh Nghiêm Đa Văn, Trần Quốc Anh và Trần Quốc Thực...

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Bạn yêu thơ viết:

"Có những bài thơ được sáng tác trong chiến tranh. Viết cho quê hương và những người mẹ, người con hy sinh vì Tổ quốc. Nhớ rất nhiều bởi mẹ hay hát ru khi chúng con còn nhỏ. Chỉ tiếc là tôi đã không nhớ tên bài thơ và tác giả. Xin được đăng lên Facebook với hy vọng biết được tác giả của những bài thơ hay:

Có anh con trai làng Thạch Linh thương mẹ

Ra tận xã Đoài chiết một cành cam

Mới vun gốc đã mong ngày bói quả

Bổ trái cam vàng thơm ngọt mẹ ăn

Cam bén gốc anh lên đường nhập ngũ

Gốc cam lên xanh vườn mẹ Linh Đài

Con chim hót giữa mùa cam bói quả

Tiếng hót trong ngần, lay đọng giọt sương mai

Anh vội đi súng khoác ngang vai

Cúi nhìn mẹ lưng che ngoài cửa sổ

Đêm ngoài vườn cam trở mình không ngủ

Mỗi trái cam vàng cũng biết nhớ xa xôi

Mẹ chờ anh trái cam vàng cuối vụ

Anh không về nhưng đồng đội anh qua

Mẹ bổ cam chia cho từng đứa

Ngọt trái cam vàng, giục bước đi xa."

Thưa bạn,

Năm 1967, 1968, tôi đang còn là cậu học sinh lớp 9 phổ thông nhưng bởi yêu thích thơ ca cho nên được làm quen với một số các bậc đàn anh nhà thơ. Trong đó có anh Nghiêm Đa Văn, là một thầy giáo mới chuyển từ đất lửa Hà Tĩnh ra công tác ở báo Người giáo viên nhân dân (anh Nghiêm Đa Văn học ĐHSP khoa Văn cùng các anh Tô Hoàng, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Khoa Điềm ...).

Trong chiếc ba lô từ tuyến lửa mang về của anh Nghiêm Đa Văn, có nhiều bản thảo thơ của anh và các bạn anh ở tuyến lửa Hà Tĩnh sáng tác, trong đó có một tập thơ quãng hơn 2 chục bài viết bằng mực tím trên giấy 5 hào 2 gập lại của anh Quốc Anh, người Nam Định, cũng là một giáo viên ở Hà Tĩnh rất yêu thơ và rất thân thiết với anh Nghiêm Đa Văn.

Trong tập thơ ấy, có bài thơ Bắc cầu dễ được mọi người chú ý, vì vừa mới được phổ nhạc, cùng bài ca dao" Quả Bom câm" của anh Nghiêm Đa Văn sáng tác được nhạc sỹ Doãn Nho phổ nhạc. Suốt ngày hai bài hát này được phát trên đài, nên hai anh đều rất nổi tiếng.

Tôi nhớ bài thơ của anh Quốc Anh như sau: Bom nó bằng gang/tay ta bằng sắt/Hỡi con sông sâu/xầu ta lại bắc/Hỡi những con đường/đừng đau chia cắt/Nối nhịp thủy chung/đinh ta đóng chặt/Kia những nhịp cầu/qua bao lần bắc/Những con sông sâu/lòng gang dạ sắt/Kia những con đường/đầy bom gai góc..."

Nhưng thật ra trong tập thơ viết tay ấy của anh Quốc Anh, bài thơ tôi thích hơn cả lại là bài nằm im lìm một góc tập thơ: "Có anh con trai làng Thạch Linh thương mẹ/Ra tận xã Đoài chiết một cành cam". Vâng, đấy chính là bài thơ mà sau này khi đăng báo, đã nhiều bạn đọc yêu thích, nhập tâm bài thơ và coi đó là bài thơ hay nhất của nhà thơ Quốc Anh.

Đáng tiếc tác giả bài thơ - thầy giáo Trần Quốc Anh đã sớm hy sinh trên tuyến lửa Hà Tĩnh. Em ruột của anh - nhà thơ Trần Quốc Thực đã viết về anh mình: "Năm tháng bay trên nấm mộ xanh lơ/Giọng lúa ngân nga bài ca năm tấn/Sông núi vang vang từng hồi trống trận/Từ đất anh nằm quân đi quân đi"...

Xin nói thêm đôi nét về em ruột anh Trần Quốc Anh, người viết những câu thơ trên về anh mình. Anh Trần Quốc Thực (1946-2007) có gần 10 năm tuổi trẻ bám đường Trường Sơn trong đội hình các đơn vị thanh niên xung phong, sau chuyển sang các binh trạm của Bộ đội Trường Sơn; bị thương nhiều lần, được xếp hạng thương binh 3/4... Và sau này là nhà thơ ở Báo Văn Nghệ.

Anh cũng có nhiều bài thơ hay, đồng điệu với anh trai mình. Như bài thơ nhà thơ Trần Quốc Thực viết về mẹ rất xúc động:

Đi một trưa hè, con thương mẹ

Chợ Bầu, sông Đáy nắng nôi

Phấn trắng mẹ phơi sườn sông vắng

Tóc trắng mẹ phơi dưới trời

Mẹ ơi áo mẹ mười năm nắng

Tóc mẹ phơ phơ dáng lặng thầm

Mẹ ơi tay mẹ mười năm trắng

Chân mẹ mười năm mưa nắng ngâm

Đi một trưa hè. Đi suốt trưa

Vóc người đổ sáng những năm xưa

Trưa nay sông Đáy mơ hay thức

Sóng vật mình lên trông xanh chưa?

Triệu Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/anh-con-trai-lang-thach-linh-thuong-me-169241031140343023.htm
Zalo