Ấn tượng với vị tổng thống Dân chủ đắc cử 2 nhiệm kỳ không liên tiếp, trước ông Trump
Trước ông Trump có một vị tổng thống Dân chủ từng đắc cử 2 nhiệm kỳ không liên tiếp và 'độc tôn' thành tích này trong suốt 132 năm qua.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngày 6-11, cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 và sẽ trở lại Nhà Trắng sau 4 năm rời nhiệm sở.
Ông Trump trở thành đại diện đầu tiên của đảng Cộng hòa tại Mỹ đắc cử tổng thống trong 2 nhiệm kỳ không liên tiếp. Tuy nhiên trước đó đã có một đại diện của đảng Dân chủ có thành tích tương tự. Đó là tổng thống thứ 22 và thứ 24 của Mỹ, ông Grover Cleveland.
Tiểu sử Tổng thống Grover Cleveland
Theo Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng (WHHA) và trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Cleveland sinh năm 1837 trong một gia đình mục sư trưởng lão ở hạt Essex, bang New Jersey và lớn lên ở bang New York.
Dù không qua trường lớp chính quy, ông Cleveland đã nỗ lực để trở thành luật sư tập sau, sau đó được nhận vào làm luật sư ở TP Buffalo (bang New York) năm 1859 và bắt đầu tham gia chính trường dưới màu cờ đảng Dân chủ.
Ông Cleveland được đánh giá là một người có vẻ ngoài cứng rắn và phẩm chất chính trực, đặc biệt nổi lên trong giai đoạn người dân Mỹ phải chịu đựng “những ông trùm cướp bóc” và sự bành trướng của các đế chế đường sắt khiến nông dân bất mãn, còn công nhân thì đoàn kết lại lập ra các công đoàn đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Ông Cleveland được bầu làm Cảnh sát trưởng hạt Erie (1871), Thị trưởng Buffalo (1881), Thống đốc bang New York (1882), trở thành ứng viên đầu tiên của đảng Dân chủ đắc cử tổng thống Mỹ kể từ sau nội chiến (1861-1865) và người đầu tiên đắc cử tổng thống 2 nhiệm kỳ không liên tiếp.
Chiến dịch tranh cử 1884: Cuộc chiến không khoan nhượng
Trong chiến dịch tranh cử năm 1884, đảng Dân chủ đã thành công khi xây dựng hình tượng ông Cleveland như một nhà cải cách trung thực, trong khi khắc họa ứng viên từ đảng Cộng hòa - Chủ tịch Hạ viện James G. Blaine (1869-1875) như một chính trị gia sẵn sàng bán sự ủng hộ chính trị của mình vì tiền. Điều này khiến ông Cleveland nhận được sự ủng hộ từ cả một bộ phận đảng viên Cộng hòa.
Tuy nhiên, ông Cleveland cũng vướng phải không ít tai tiếng. Nổi tiếng nhất là việc ông đã khiến một người phụ nữ tên Maria Halpin có thai, mà theo cáo buộc của cô này là một vụ tấn công tình dục. Ông Cleveland không phủ nhận khả năng đứa trẻ là con trai mình và cố gắng giành quyền nuôi con và tìm cho đứa trẻ một gia đình bố mẹ nuôi.
Trước những chỉ trích từ đảng Cộng hòa, đội ngũ của ông Cleveland lập luận rằng chính trị gia này vẫn chưa lập gia đình và có đời sống tình cảm khá thoải mái, trong khi cáo buộc cô Maria đã ngủ với nhiều người đàn ông, trong đó có cả một đối tác của ông Cleveland.
May mắn cho ông Cleveland và đảng Dân chủ, vụ bê bối – vốn bị phanh phui chỉ 15 tuần trước ngày bầu cử – đã không trở thành trở ngại đủ lớn ngăn cản chiến thắng họ.
Ông Cleveland vượt qua ông Blaine với cách biệt phiếu phổ thông chưa tới 1% nhưng giành chiến thắng tại 20/38 bang có bỏ phiếu, thu được 219/401 phiếu đại cử tri. Riêng tại bang New York (36 phiếu đại cử tri), ông Cleveland chiến thắng nhờ nhỉnh hơn ông Blaine chỉ 1.047 phiếu, theo dữ liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ.
Nhiệm kỳ đầu tiên của một tổng thống ‘trai tân’
Vì ông Cleveland nhậm chức Tổng thống Mỹ khi chưa lập gia đình, em gái của ông là bà Rose Cleveland trở thành Đệ nhất phu nhân tại Nhà Trắng.
Nhưng trước khi vào Nhà Trắng, ông Cleveland bắt đầu mối tình với cô Frances Folsom, nhỏ hơn ông 27 tuổi và là con gái của một đối tác quá cố của ông. Năm 1886, hai người đã tổ chức buổi lễ kết hôn ngay tại Nhà Trắng. Và bà Frances, khi đó đã chuyển sang mang họ Cleveland, chính thức trở thành Đệ nhất phu nhân của Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Cleveland duy trì nhiều chính sách của người tiền nhiệm Chester Arthur, trong đó có các nỗ lực ngăn cản bất kỳ nhóm lợi ích kinh tế nào được hưởng ưu đãi đặc biệt và bác bỏ các luật có thể tạo lỗ hổng cho các chính trị gia mua chuộc cử tri bằng tiền của chính phủ.
Chương trình nghị sự đối ngoại chính của ông Cleveland là phản đối chủ nghĩa đế quốc. Nhìn chung, ông thi hành chính sách ít bành trướng hơn so với các chính quyền tiền nhiệm và đã rút khỏi thỏa thuận về việc Mỹ xây dựng và cùng sở hữu một kênh đào tại Nicaragua.
Tổng thống Cleveland quyết định tái tranh cử năm 1888. Dù giành được nhiều phiếu phổ thông hơn, ông Cleveland thua đối thủ Benjamin Harrison (đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ bang Indiana) về số phiếu đại cử tri.
Màn tái đấu Cleveland-Harrison và nhiệm kỳ thứ hai đầy thách thức
Không lâu sau khi để thua ông Harrison, Tổng thống Cleveland quyết định chuyển về New York để tận hưởng cuộc sống riêng tư và theo đuổi cơ hội kinh doanh ở hạt Manhattan.
Năm 1892, cuộc đua vào Nhà Trắng là màn tái đấu giữa ông Harrison và ông Cleveland. Tuy nhiên, lần này ông Harrison đang dần mất đi tín nhiệm trong đảng Cộng hòa, đà thịnh vượng của nền kinh tế Mỹ cũng dần biến mất, trong khi bản thân ông không thể chuyên tâm tranh cử do căn bệnh và cái chết của vợ là bà Caroline Harrison.
Ông Cleveland đã trở thành chính trị gia đầu tiên tại Mỹ đắc cử tổng thống ở 2 nhiệm kỳ không liên tiếp và giữ kỷ lục này trong suốt 132 năm qua, trước khi ông Trump tái lập thành tích sau cuộc bầu cử hôm 5-11.
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Cleveland trôi qua không suôn sẻ. Khởi đầu là tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ (từ năm 1893), sau đó là tình trạng hoảng loạn lan rộng ra nhiều ngành như đường sắt, ngân hàng, chứng khoáng…
Về đối ngoại, ông Cleveland phải xử lý cuộc khủng hoảng ở Vương quốc Hawaii và theo sau đó là quá trình sáp nhập quần đảo này vào như một bang của Mỹ. Về quân sự, ông đã nỗ lực hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân.
Sau khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Cleveland chuyển về sống tại khu Princeton, hạt Mercer (bang New Jersey). Ông qua đời năm 1908, hưởng thọ 71 tuổi.
Thời đại Trump 2.0 sẽ rất khác Cleveland 2.0
Dù cùng đắc cử tổng thống Mỹ 2 nhiệm kỳ không liên tiếp do thất bại trong lần đầu tái tranh cử, con đường chính trị của ông Trump có nhiều điểm khác biệt so với ông Cleveland.
Ông Trump xuất thân từ một thương nhân và bước chân vào vũ đài chính trị khá trễ.
Những thách thức mà ông Trump phải đối mặt trong nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng liên quan tới tuổi tác và các tranh chấp pháp lý dai dẳng của bản thân ông.
Nền kinh tế Mỹ chưa đạt được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng nhưng đang dần phát triển ổn định sau đại dịch COVID-19.
Thế giới ngày nay đã trở nên toàn cầu hóa, nhưng đang "bùng cháy" do các cuộc xung đột vũ trang ở nhiều nơi có lợi ích chiến lược quan trọng đối với Mỹ.