Ấn tượng với đêm hội áo dài bên dòng sông Hương
Đêm hội áo dài bên dòng sông Hương thơ mộng đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người xem.
Tối 23-9, trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu của Festival Huế 2024, Lễ hội Áo dài Huế 2024 "Linh Phụng" được tổ chức tại Nhà hát Sông Hương đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người xem.
Lễ hội tiếp tục tôn vinh và khẳng định vị thế Huế - Kinh đô áo dài và hướng đến sự kiện chính trị quan trọng: Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Lễ hội Áo dài Huế 2024 là chương trình nghệ thuật độc đáo, gồm: trình diễn thời trang, hát, múa, nhạc, những giai điệu âm nhạc Huế truyền thống - hiện đại được hòa âm, phối khí mới; những vũ điệu được lấy tứ từ những điệu múa cung đình.
Chương trình quy tụ nhiều nhà thiết kế áo dài tên tuổi trên cả nước, với những bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng sáng tạo từ hình tượng "Phụng" trong trang trí kiến trúc và trang phục cung đình nhà Nguyễn kết hợp với vẻ đẹp trang phục áo dài Việt Nam hiện đại.
Chương trình gồm 3 chương, mỗi chương là một câu chuyện kể về huyền thoại con chim phượng - một trong tứ linh.
Chương 1: "Phụng vũ" là hình tượng phụng vươn cánh bay trong những áng mây lành, lướt trên sóng nước, về nhảy múa trên cây ngô đồng... thể hiện sự thanh bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân trong cảnh quốc thái, dân an. Chim phụng báo hiệu những điều tốt lành, hạnh phúc, cảnh thịnh trị đất nước.
Chương "Linh phụng" chuyển tải câu chuyện theo truyền thuyết, phụng hoàng chỉ xuất hiện vào những thời đại thịnh trị. Phụng là biểu tượng của mặt trời, hơi ấm của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng.
Tự thân hình tượng phụng đã là một hình ảnh nhẹ nhàng, tao nhã với những ý nghĩa tinh thần sâu lắng và cao quý. Phụng như hòa mình cùng hoa trái, trở nên gần gũi mà vẫn linh thiêng, quý phái.
Chương 3: "Bách phụng cát tường" nói về trăm con chim phụng cùng bay lên, biểu tượng cát tường, gắn với chữ Thọ, chữ Phúc, chữ Hỷ… được xem là khát vọng của cuộc sống bình yên, của triều đại thái bình...
Trong văn hóa Việt, hình tượng chim phụng có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa Việt Nam, trở thành đề tài quen thuộc trong kiến trúc, điêu khắc và trang trí truyền thống của dân tộc.
Tại kinh đô Huế, toàn bộ phần kiến trúc gỗ bên trên cổng chính Ngọ Môn của Hoàng thành có tên là lầu Ngũ Phụng. Có một hình ảnh rất đẹp thường gặp trong kiểu trang trí này là phụng hoàng đậu trên cây ngô đồng. Phụng hoàng xuất hiện báo điềm lành, là sự khởi đầu của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái dân an.