Ấn tượng thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc

Không chỉ thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc tăng trưởng nhiều năm qua, mà Trung Quốc còn dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới tại Việt Nam.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và phu nhân đang có chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8.

Điện thoại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc

Điện thoại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc

Qua chuyến thăm, tiếp tục khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong chính sách đối ngoại và cũng qua đó tiếp tục các hoạt động đối thoại chiến lược cấp cao nhất; tăng cường quan hệ làm việc tốt đẹp giữa hai người đứng đầu của hai Đảng, hai nước.

Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ

Những năm qua, Việt Nam luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa 2 nước luôn theo xu hướng tăng trưởng qua các năm. Duy chỉ năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD, thấp hơn mức 175,57 tỷ USD của năm 2022 nhưng do yếu tố khách quan, trong xu hướng giảm chung của toàn cầu. Còn lại, các năm đều tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo số liệu mới công bố của Hải quan Trung Quốc, 7 tháng đầu năm 2024, ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với trị giá 546 tỷ USD. Trong các nước ASEAN, thương mại Việt Nam - Trung Quốc 7 tháng tăng mạnh nhất (24,1%).

Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm và gia tăng nhập khẩu trong thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông - thủy sản.

Bộ Công thương thông tin, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tháng 7 của nước ta sang Trung Quốc tăng nhanh so với các tháng trước, nhiều mặt hàng có mức tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD như điện thoại (1,45 tỷ USD, tăng 18% so với tháng 6), máy tính (1,24 tỷ USD, tăng 57%), cao su (173 triệu USD, tăng 124%)…

Đây là tốc độ tăng nhanh nhất so với các tháng kể từ đầu năm tới nay. Mức tăng trưởng của các ngành hàng chủ lực kể trên trong tháng 7 phản ánh đơn hàng cải thiện thấy rõ, nhất là các nhóm hàng này đều đóng góp kim ngạch xuất khẩu hằng năm rất lớn.

Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu đạt 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023.Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 47 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường này các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng sinh hoạt hằng ngày.

Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới tại Việt Nam

Không chỉ ấn tượng về thương mại Việt – Trung, Trung Quốc còn dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới tại Việt Nam.

Kể từ năm 2019, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trở nên căng thẳng và tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc chậm lại, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD năm 2023. Trong nửa đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (vốn FDI) từ Trung Quốc đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 10,6%.

Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới tại Việt Nam (Ảnh minh họa).

Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới tại Việt Nam (Ảnh minh họa).

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đã có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024. Xét về số vốn đầu tư, Singapore dẫn đầu, nhưng xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới với 540 dự án, có tổng vốn đăng ký mới đạt 1,22 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, vốn FDI từ Trung Quốc có sự xuất hiện tên tuổi nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện…

Thực tế cho thấy, mấy năm trở lại đây, vốn Trung Quốc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh.

Đến nay, nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu USD, thậm chí lên tới cả tỷ USD từ Trung Quốc như Goertek, BYD, Radian, Brotex, Wingtech, Deli, Trina Solar… đã có mặt tại Việt Nam.

Gần đây nhất là dự án liên doanh với Tập đoàn Geleximco, sản xuất xe điện Omoda và Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery Trung Quốc) trị giá hơn 800 triệu USD. Hay Tập đoàn BOE Bắc Kinh đầu tư nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa-Vũng Tàu) với tổng vốn 277,5 triệu USD, chuyên lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính, ti vi, bo mạch… dự kiến hoạt động năm 2026. Năm 2019, BOE Bắc Kinh cũng đưa vào hoạt động nhà máy ở Đồng Nai.

Bình Dương là địa phương thu hút mạnh đầu tư FDI trên cả nước, trong đó Trung Quốc nhiều nhất với hơn 1.660 dự án, tổng vốn trên 10 tỷ USD (tính cuối năm nay). Tại tỉnh Bắc Ninh, với 105 dự án FDI được cấp phép trong quý đầu năm 2024 thì hơn phân nửa (60 dự án) là của nhà đầu tư Trung Quốc…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, hiện nay, dư địa đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam còn rất nhiều, đặc biệt là những dự án lớn, trọng điểm. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao cũng được doanh nghiệp hai nước thúc đẩy mạnh mẽ.

Với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nói rằng, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực, như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ôtô điện, pin điện, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hình thành trung tâm tài chính quốc tế, tài chính xanh, đô thị thông minh, khu công nghiệp sinh thái, khu thương mại tự do…

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/an-tuong-thuong-mai-song-phuong-viet-nam-trung-quoc-192240819133550455.htm
Zalo