Ấn tượng sáng chế tủ điện trung thế đoạt giải Trần Đại Nghĩa
Chủ tịch HĐQT ACIT Phạm Đình Thắng cùng cộng sự vừa nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với công trình nội địa hóa tủ điện trung thế đạt chuẩn quốc tế.
Trong các hệ thống truyền tải và phân phối điện, tủ điện trung thế là thiết bị thiết yếu – nơi đảm nhiệm các chức năng đóng cắt, điều khiển, bảo vệ cho toàn bộ hệ thống điện vận hành ổn định và an toàn.
Làm chủ công nghệ lõi, đưa tủ điện Việt lên chuẩn quốc tế
Trước đây, hầu hết thiết bị này ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ các tập đoàn công nghiệp lớn như Siemens, ABB, Schneider… Việc phụ thuộc vào nước ngoài khiến chi phí cao, thời gian giao hàng dài, bảo trì khó khăn và tiềm ẩn rủi ro mất an toàn hệ thống.

Nhóm tác giả công trình "Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế": Ông Phạm Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ ACIT (giữa), ông Đoàn Kỳ Bá - Phó TGĐ (bên trái), ông Bùi Văn Đam - Trưởng ban Năng lượng (bên phải).
Chính trong khoảng trống ấy, một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã quyết định dấn thân. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT), với công trình “Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế” do Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Phạm Đình Thắng chủ trì, đã tạo nên một bước ngoặt.
“Đây là một thành quả của quá trình kiên trì nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi, tạo các sản phẩm điện đạt chuẩn quốc tế và được cấp chứng nhận của tổ chức KEMA Hà Lan”, ông Thắng cho hay.
Công trình tập trung vào hai dòng sản phẩm chủ lực: tủ điện trung thế 24kV và 40,5kV, tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn IEC 62271-200. Đây là chuẩn mực quốc tế về an toàn và hiệu năng thiết bị đóng cắt trong mạng điện trung thế. Toàn bộ quá trình thử nghiệm sản phẩm được thực hiện tại phòng thí nghiệm KEMA (Hà Lan) – một trong ba trung tâm kiểm định hàng đầu thế giới trong ngành điện. Việc vượt qua các bài thử nghiệm khắt khe như khả năng chịu dòng sự cố ngắn mạch, chịu điện áp tần số công nghiệp, điện áp xung sét, thử kín khí… không chỉ chứng minh chất lượng sản phẩm, mà còn thể hiện năng lực làm chủ công nghệ và thiết kế chế tạo theo chuẩn toàn cầu.

Tủ điện trung thế mang thương hiệu ACIT.
Tủ điện trung thế mang thương hiệu ACIT hiện diện trong hàng nghìn công trình trên cả nước – từ hệ thống trạm biến áp 110kV, nhà máy điện mặt trời, điện gió, đến các khu công nghiệp, khu đô thị, bệnh viện và trường học. Sản phẩm không chỉ có ưu thế về giá cả, thời gian giao hàng, dịch vụ hậu mãi, mà còn tạo nên một chuỗi cung ứng nội địa khép kín, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Với thành quả đó, công trình được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 – giải thưởng cấp quốc gia uy tín dành cho các công trình khoa học công nghệ ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét. Trước đó, sản phẩm cũng được công nhận là Sản phẩm Công nghiệp chủ lực của Hà Nội (2020, 2023) và lọt vào Chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2024.
Làm chủ công nghệ là điều bắt buộc
Trong bài phát biểu tại lễ trao giải, ông Phạm Đình Thắng không nói nhiều về cá nhân mình. Thay vào đó, ông dành phần lớn thời gian nhấn mạnh vào hành trình phát triển của ACIT – doanh nghiệp do ông sáng lập từ năm 2006, và tới nay đã vươn lên thành một trong những nhà sản xuất thiết bị điện hàng đầu Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng thăm công trình đạt giải của ACIT.
“Tôi bắt đầu với một câu hỏi: Tại sao người Việt không thể làm ra những tủ điện trung thế của riêng mình, đạt chuẩn quốc tế, thay vì nhập khẩu mãi? Không ai bắt tôi phải làm điều đó. Nhưng tôi tin, nếu không ai làm, thì tương lai mình sẽ mãi đi sau. Làm chủ công nghệ là điều bắt buộc nếu muốn phát triển bền vững”, ông chia sẻ.
Niềm tin đó không đến từ ngẫu hứng. Nó được tích lũy qua gần 20 năm gắn bó với ngành thiết bị điện, chứng kiến những bài học thất bại từ phụ thuộc vào công nghệ ngoại. ACIT ban đầu chỉ là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng với chiến lược đầu tư dài hạn vào con người, nghiên cứu và công nghệ, công ty đã từng bước lớn mạnh.
Đến nay, công ty ACIT đã hôm nay đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, tự động hóa và năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Công ty có 4 nhà máy sản xuất thiết bị điện với quy mô lớn, dây chuyền hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, đạt giá trị sản lượng sản xuất là khoảng 2000 tỷ một năm, tạo công ăn việc làm cho 1000 lao động. Công ty cũng có một Viện Công nghệ và Ứng dụng để đưa các sản phẩm và ứng dụng cho chính các nhà máy công ty.
Cùng với sản xuất thiết bị điện, ACIT còn đầu tư vào năng lượng tái tạo – lĩnh vực mà ông Thắng gọi là “đầu tư vì tương lai”. Hai nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận (225MW) đã hòa lưới quốc gia, với sản lượng hơn 420 triệu kWh/năm. Dự kiến đến quý III/2025, nhà máy điện gió Quảng Trị (40MW) sẽ đi vào vận hành, đúng dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.
“Giải thưởng Trần Đại Nghĩa hôm nay là một phần thưởng cao quý đối với nhóm tác giả và toàn thể người lao động của công ty ACIT chúng tôi. Đây sẽ là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục kiên định với hành trình kết nối tri thức, công nghệ và khát vọng Việt, vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”, ông bày tỏ.
Ông Phạm Đình Thắng cho hay, trong năm 2025, ACIT quyết tâm sản xuất dòng tủ trung thế RMU 24kV và 40,5 kV đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 80% và được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu toàn cầu ngay tại thị trường Việt Nam.
Đây không chỉ là cam kết về chất lượng mà là khát vọng tự lực, tự cường, làm chủ công nghệ của người Việt.
“Là một doanh nghiệp tư nhân trưởng thành từ tinh thần đổi mới, ACIT sẽ ghi nhớ và hành động theo đúng định hướng của tinh thần Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị mới ban hành về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”, ông chia sẻ.