Ấn tượng Phong trào 'Vì người nghèo' ở Đức Trọng
Hưởng ứng Phong trào thi đua 'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau' giai đoạn 2021 - 2025 do tỉnh Lâm Đồng phát động, huyện Đức Trọng đã triển khai sâu rộng nhiều hoạt động thiết thực, thu hút sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân. Nhờ đó, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Lãnh đạo huyện Đức Trọng thăm hỏi gia đình bà K'Wệ, xã N'Thôn Hạ trong căn nhà khang trang vừa được trao tặng
Theo UBND huyện Đức Trọng, để cụ thể hóa nội dung của cấp trên trong việc triển khai Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, UBND huyện Đức Trọng và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã ban hành các kế hoạch cụ thể, phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng trong việc vươn lên thoát nghèo. Phong trào thi đua tập trung vào việc hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và phát huy nội lực để xây dựng cuộc sống ấm no.
Theo đánh giá, phong trào đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện dự kiến giảm 1,45% so với đầu giai đoạn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số giảm tới 2,96%. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện còn 2,52%, và dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ giảm xuống còn 2,32%.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về giải quyết mức độ thiếu hụt các chiều dịch vụ xã hội cơ bản cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được tư vấn việc làm; 100% được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí; công tác phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tăng lên đáng kể. Đặc biệt, trong giai đoạn trên, huyện đã huy động nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 249 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí trên 20,8 tỷ đồng, trong đó thực hiện theo Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” là 145 căn với số tiền 1,65 tỷ đồng (84 căn xây mới, 61 căn sửa chữa). Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đã góp phần giúp hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, từ hỗ trợ giáo dục, y tế, pháp lý đến tiền điện, tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Qua đó, công tác giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ tái nghèo giảm qua từng năm. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục tỷ lệ trẻ em đến trường, đảm bảo cho người thuộc hộ nghèo được tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua Bảo hiểm y tế; kết hợp với giảm nghèo bền vững phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, thu nhập bình quân của hộ nghèo cũng đã được tăng lên, đời sống của người dân được cải thiện, hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ về sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông tin và dịch vụ văn hóa… đặc biệt có sự chuyển biến về nhận thức hành động của một bộ phận người dân, trong đó có người nghèo tự phát triển để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong đại dịch COVID-19, huyện cũng đã kịp thời tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người gặp khó khăn theo các nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ với số tiền trên 24 tỷ đồng/15.785 người đảm bảo theo quy định. Đồng thời, huy động hàng trăm ngàn phần quà (bao gồm nhu yếu phẩm, gạo, sữa, tiền mặt...) để trao tặng, hỗ trợ cho các hộ gia đình đang thực hiện cách ly y tế tại nhà; hỗ trợ các khu cách ly tập trung, phong tỏa tạm thời để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện, trong đó đặc biệt lưu ý đến đối tượng yếu thế, người thuộc hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, neo đơn... góp phần hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn, yên tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương và cùng cộng đồng chung sức, nỗ lực "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong đại dịch.
Trong quá trình triển khai, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã xuất hiện, như Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú với mô hình sản xuất theo chuỗi VietGAP, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Cùng đó, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã được biểu dương, khen thưởng, tạo động lực lan tỏa phong trào.
Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhất định nhưng nhìn chung, Phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" tại Đức Trọng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.