Ấn tượng chương trình 'Hành khúc học sinh Thủ đô'

Gần 3.000 học sinh, giáo viên tham gia chương trình 'Hành khúc học sinh Thủ đô' chào mừng kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Màn diễu hành của học sinh Thủ đô.

Màn diễu hành của học sinh Thủ đô.

Hoạt động ý nghĩa của học sinh Thủ đô

Ngày 10/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô”. Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” diễn ra tại khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu, lòng đường phố Lê Thạch, phố Đinh Tiên Hoàng, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” là hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (1954-2024).

Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo của thành phố và thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.

 Nghi thức quàng khăn đỏ được các em học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm thực hiện.

Nghi thức quàng khăn đỏ được các em học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm thực hiện.

 Các đại biểu dự chương trình.

Các đại biểu dự chương trình.

Hoạt động nhằm khơi dậy niềm tự hào, truyền cảm hứng, tạo động lực thể hiện lòng yêu nước, yêu Thủ đô cho các thế hệ học sinh Hà Nội; cổ vũ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế.

Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” lần đầu tiên được ngành GD-ĐT Thủ đô tổ chức, thu hút gần 3.000 người, đại diện học sinh, giáo viên các trường học ở 30 quận, huyện, thị xã, một số trường quốc tế, với sự tham gia của Đoàn nghi lễ Quân đội, Đoàn nghi lễ Công an nhân dân, học sinh các nước đang học tập tại Hà Nội, các nghệ sỹ, diễn viên của Thủ đô.

 Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” lần đầu tiên được ngành GD-ĐT Thủ đô tổ chức.

Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” lần đầu tiên được ngành GD-ĐT Thủ đô tổ chức.

 Các đại biểu và các thầy cô giáo, các em học sinh chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu và các thầy cô giáo, các em học sinh chụp ảnh lưu niệm.

 Chương trình thu hút gần 3.000 người tham dự.

Chương trình thu hút gần 3.000 người tham dự.

Ấn tượng với sự phát triển của giáo dục Hà Nội

Phát biểu tại chương trình, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi có mặt tại sự kiện và chia sẻ, 70 năm là chặng đường lịch sử đáng nhớ của ngành giáo dục Hà Nội. Nền giáo dục của thành phố đã hồi sinh, bắt đầu từ những chiến dịch xóa mù chữ trong những ngày đầu mới thành lập, tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế như ngày nay.

Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 25 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố Vì hòa bình. UNESCO đã luôn đồng hành cùng Hà Nội, cùng Việt Nam trong hành trình chuyển mình thành một xã hội hiện đại, năng động, đổi mới, sáng tạo, và sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.

 Màn diễu hành của học sinh quận Hoàn Kiếm.

Màn diễu hành của học sinh quận Hoàn Kiếm.

 Màn diễu hành của học sinh quận Hà Đông.

Màn diễu hành của học sinh quận Hà Đông.

 Ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ tại chương trình.

Ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ tại chương trình.

Ông Jonathan Wallace Baker bày tỏ vui mừng khi Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cho các trường, từ bậc mầm non đến THPT trong năm học này. Đây là bước tiến quan trọng nhằm tạo ra môi trường học tập tích cực và toàn diện hơn cho học sinh. Sáng kiến này hoàn toàn phù hợp với Khung toàn cầu về Trường học hạnh phúc của UNESCO.

Ấn tượng với màn diễu hành rực rỡ sắc màu của gần 3000 học sinh Thủ đô, ông Jonathan Wallace Baker nhắn nhủ các em hãy tự hào và trân trọng di sản của tổ tiên, hãy ngẩng cao đầu, chia sẻ những câu chuyện và thành tựu của mình với bạn bè quốc tế về hòa bình, tinh thần công dân toàn cầu, sự sáng tạo và, tất nhiên, cả về giáo dục.

"Chúng ta đang đứng cạnh Tháp Bút, biểu tượng quan trọng của giáo dục tại Hà Nội và Việt Nam. Tôi kêu gọi tất cả quý vị và các em tiếp tục truyền cảm hứng để Tả thanh thiên, viết lên trời xanh những mong ước của mình. Giáo dục là chìa khóa để các em đạt được mục tiêu mà mình mong muốn” - ông Jonathan Wallace Baker bày tỏ.

 Màn diễu hành của học sinh Trường THPT Chu Văn An.

Màn diễu hành của học sinh Trường THPT Chu Văn An.

 Đoàn diễu hành của đại diện giáo viên Thủ đô.

Đoàn diễu hành của đại diện giáo viên Thủ đô.

 Chương trình thu hút được sự quan tâm của đông đảo thầy cô giáo, học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chương trình thu hút được sự quan tâm của đông đảo thầy cô giáo, học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thêm tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến

Những điệu kèn, điệu múa, nhịp trống, những lời ca, tiếng hát của học sinh Thủ đô đã mang đến chương trình nhiều tiết mục hấp dẫn với sắc màu đa dạng, có chất lượng nghệ thuật cao. Mỗi tiết mục biểu diễn đều gửi gắm tình yêu, lòng tự hào của các em về quê hương, đất nước, thể hiện năng khiếu nghệ thuật được bồi đắp từ mái trường thân yêu, nơi các em học tập, rèn luyện hàng ngày.

Màn diễu hành “Hành khúc học sinh Thủ đô” gồm 38 đoàn: Đội Hồng kỳ - rước Cờ Tổ quốc; đoàn nghi lễ Quân đội Bộ Tổng Tham mưu; đoàn nghi lễ Bộ Công an; 30 đoàn học sinh THCS của 30 quận, huyện, thị xã; đoàn 70 nữ sinh Trường THPT Chu Văn An; đoàn học sinh dân tộc thiểu số; đoàn học sinh THCS, THPT một số trường quốc tế; đoàn xiếc; đoàn múa rối...

 Học sinh diễu hành qua lễ đài với khí thế phấn khởi, tin tưởng.

Học sinh diễu hành qua lễ đài với khí thế phấn khởi, tin tưởng.

 Màn diễu hành có ý nghĩa tái hiện lại chặng đường phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô.

Màn diễu hành có ý nghĩa tái hiện lại chặng đường phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô.

 Đoàn diễu hành của học sinh quốc tế.

Đoàn diễu hành của học sinh quốc tế.

Màn diễu hành có ý nghĩa tái hiện lại chặng đường phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô, đồng thời tôn vinh những nỗ lực, cống hiến của các thế hệ nhà giáo, học sinh trong 70 năm qua. Học sinh diễu hành qua lễ đài với khí thế phấn khởi, tin tưởng và nỗ lực cố gắng để nâng cao thành tích và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm học 2024 - 2025

Là một trong 70 nữ sinh Trường THPT Chu Văn An tham gia diễu hành tại chương trình, em Đặng Quỳnh Phương, lớp 11D2 tự hào chia sẻ: "Em rất vui khi tham dự chương trình và đã có khoảng 1 tháng cùng các bạn tập luyện. Chúng em coi đây là trải nghiệm thú vị và cũng thể hiện tấm lòng biết ơn tới các thầy cô giáo nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Hà Nội cũng như 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam".

Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” là buổi lễ trang trọng, là bức tranh sinh động về tinh thần học tập, rèn luyện và sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh thủ đô, với niềm tự hào và trách nhiệm, đang tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, của đất nước.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/an-tuong-chuong-trinh-hanh-khuc-hoc-sinh-thu-do-post708012.html
Zalo