An toàn trong chẩn đoán là ưu tiên trong chiến lược phát triển y tế

Theo WHO, có gần 2.6 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến sai sót trong quá trình chẩn đoán hoặc điều trị. Sai sót trong chẩn đoán không chỉ làm giảm chất lượng chăm sóc y tế mà còn gây lãng phí tài nguyên và tạo gánh nặng kinh tế cho người bệnh.

134 triệu sự cố y khoa khiến gần 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm

Chiều 17/9, tại lễ hưởng ứng "Ngày Quốc tế an toàn người bệnh thế giới" diễn ra tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, TS.BS Hà Anh Đức – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết: "Sai sót y khoa là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thương tật và tử vong trên toàn cầu. Theo ước tính của WHO, có tới 10% số người bệnh trên thế giới chịu tác động tiêu cực từ các lỗi chăm sóc y tế có thể ngăn ngừa được".

PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, an toàn trong chẩn đoán và điều trị là mục tiêu tối quan trọng của y học hiện đại. Tuy nhiên, thực tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu cho thấy việc đảm bảo điều này một cách nhất quán là một thách thức lớn.

TS.BS Hà Anh Đức – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - phát biểu tại buổi lễ.

TS.BS Hà Anh Đức – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - phát biểu tại buổi lễ.

Theo WHO, mỗi năm có khoảng 134 triệu sự cố y khoa bất lợi xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, dẫn đến khoảng 2,6 triệu ca tử vong.

Đáng chú ý, khoảng một nửa trong số các sự cố này có thể phòng ngừa được. Điều này nhấn mạnh mức độ quan trọng của việc cải thiện an toàn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định: "Sai sót trong chẩn đoán không chỉ làm giảm chất lượng chăm sóc y tế mà còn gây lãng phí tài nguyên và tạo gánh nặng kinh tế cho người bệnh. Theo đó, việc chẩn đoán sai có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu".

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, chăm sóc không an toàn gây ra những gánh nặng lớn về chi phí tài chính và kinh tế. Chi phí này không chỉ nằm ở việc điều trị các biến chứng do sai sót gây ra mà còn ở sự hao tổn nguồn lực và giảm năng suất lao động.

Theo đó, tại các quốc gia thu nhập cao, chi phí y tế do hậu quả của chăm sóc không an toàn có thể chiếm 12,6% tổng chi tiêu y tế, tương đương khoảng 878 tỷ USD mỗi năm.

Còn tại Việt Nam, một nghiên cứu trong nước cho thấy, cứ 1000 bệnh nhân thì có tới 75 người bị ảnh hưởng bởi các lỗi chẩn đoán. Điều này dẫn đến việc kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 3 - 5 ngày và chi phí điều trị tăng thêm 20 đến 30% so với dự kiến ban đầu, từ đó chi phí y tế cũng tăng cao và có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe người bệnh.

"Những con số này cho thấy rõ rằng việc đảm bảo an toàn trong chẩn đoán cần được coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển hệ thống y tế"

TS.BS Hà Anh Đức – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế

"Chẩn đoán đúng, điều trị an toàn", lấy người bệnh làm trung tâm

TS.BS Hà Anh Đức chia sẻ, để nâng cao chẩn đoán điều trị cho bệnh nhân, Bộ Y tế đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và an toàn trong chẩn đoán, với mục tiêu giảm thiểu các sai sót y khoa và nâng cao hiệu quả điều trị, lấy người bệnh làm trung tâm.

Cụ thể, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế, triển khai các chương trình đào tạo định kỳ giúp hơn 90.000 nhân viên y tế trên toàn quốc; đầu tư công nghệ và trang thiết bị y tế hiện đại; xây dựng, cập nhật và triển khai các hướng dẫn điều trị, thiết lập và triển khai các hướng dẫn chẩn đoán chuẩn quốc gia cho nhiều loại bệnh khác nhau, đồng bộ hóa quy trình; đo lường và giám sát liên tục, tăng cường hệ thống giám sát và báo cáo sự cố sai sót y khoa; tăng cường vai trò của người bệnh, cung cấp thông tin đầy đủ về bệnh lý; xây dựng môi trường giao tiếp cởi mở, tăng cường giao tiếp giữa nhân viên y tế với giữa người bệnh .

PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phát biểu tại lễ mít tinh.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phát biểu tại lễ mít tinh.

Tại buổi lễ, TS.BS Hà Anh Đức – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cũng đã kêu gọi tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước cần hành động khẩn trương và mạnh mẽ hơn để cải thiện chất lượng chẩn đoán. Tiếp tục đầu tư vào công nghệ và đào tạo, đồng thời không ngừng cải thiện quy trình làm việc nhằm giảm thiểu sai sót.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương cần dẫn đầu trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào chẩn đoán, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới trong việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.

Đối với các cơ sở y tế tuyến dưới cần tích cực hợp tác và tham gia các chương trình nâng cao năng lực chẩn đoán từ tuyến trên, đồng thời tăng cường vai trò của người bệnh trong quá trình này.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, "Chẩn đoán đúng, điều trị an toàn" là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành y ngày hôm nay và trong tương lai. Việc cải thiện chẩn đoán không chỉ không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/an-toan-trong-chan-doan-la-uu-tien-trong-chien-luoc-phat-trien-y-te-169240917203554957.htm
Zalo