An toàn thực phẩm từ Sáng kiến Một Sức Khỏe

Cải thiện an toàn thịt lợn tại các cơ sở giết mổ và chợ truyền thống là mục tiêu hướng đến tại Hội nghị tổng kết Hợp phần An toàn thực phẩm Sáng kiến Một Sức Khỏe do Quỹ CGIAR Trust Fund tài trợ, Viện Thú y thuộc Bộ NN & PTNT phối hợp cùng Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức, diễn ra tại TP. Huế trong ngày 27/12.

 Tập huấn an toàn thực phẩm cho các cơ sở và công nhân tại các lò mổ gia súc

Tập huấn an toàn thực phẩm cho các cơ sở và công nhân tại các lò mổ gia súc

Sự kiện có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ Cục Thú y, Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN & PTNT; các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học và các Chi cục Chăn nuôi Thú y 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Thái Nguyên, Đồng Nai và Cần Thơ.

Sáng kiến Một Sức Khỏe của CGIAR (2022-2024) là chương trình toàn cầu áp dụng cách tiếp cận đa ngành một sức khỏe, hướng tới bảo vệ sức khỏe con người, động vật và môi trường. Tại Việt Nam, sáng kiến tập trung vào ba lĩnh vực: Kiểm soát bệnh truyền lây từ động vật, cải thiện an toàn thực phẩm (ATTP) và giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh tại các khu vực có nguy cơ cao.

Theo Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), trước thực trạng gần 40% mẫu thịt lợn tại cơ sở giết mổ (CSGM) và hơn 60% mẫu thịt lợn tại chợ truyền thống nhiễm Salmonella, Chương trình Sáng kiến Một Sức Khỏe đã triển khai các hoạt động can thiệp tại 16 cơ sở giết mổ ở Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Thái Nguyên và Cần Thơ. Dự án cung cấp dụng cụ vệ sinh như tấm sàn inox, xà phòng, chất khử trùng và biển hiệu nhắc nhở thực hành tốt. Cùng với đó, dự án đã tổ chức 16 lớp tập huấn cho hơn 210 chủ cơ sở và công nhân giết mổ nhằm tăng cường các thực hành vệ sinh ATTP khi giết mổ.

Tại 68 chợ truyền thống thuộc 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Thái Nguyên, Đồng Nai và Cần Thơ, dự án triển khai tương tác với gần 500 tiểu thương, tập huấn cho 399 tiểu thương và 155 người được cung cấp các dụng cụ cần thiết, nhằm hỗ trợ nâng cao thực hành vệ sinh tốt với ba nguyên tắc chính: giữ bề mặt và dụng cụ sạch sẽ, tách riêng thực phẩm sống - chín, rửa tay và dụng cụ thường xuyên. Theo đại diện Ban quản lý chợ Đông Ba, chương trình tập huấn đã thành công bước đầu trong việc cải thiện kiến thức của tiểu thương về các biện pháp thực hành vệ sinh ATTP tại quầy bán hàng.

Thực tế cho thấy, qua thực hành vệ sinh ATTP tại các quầy thịt đã góp phần khuyến khích tiểu thương tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, giúp giảm mức độ ô nhiễm Salmonella tại các chợ đối chứng từ 5 - 10%. Người tiêu dùng cũng được nâng cao nhận thức thông qua các chiến dịch truyền thông về ATTP.

TS. Đặng Xuân Sinh, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), chia sẻ: Hệ thống đánh giá và can thiệp ATTP đối với các CSGM lợn và các quầy thịt tại các chợ truyền thống đã bước đầu tạo động lực để tiểu thương áp dụng thực hành vệ sinh tốt, giảm thiểu mức độ ô nhiễm vi khuẩn trên thịt lợn, qua đó góp phần cải thiện sức khỏe người tiêu dùng và cộng đồng.

Theo TS. Bùi Nghĩa Vượng, Trưởng bộ môn virus, Viện Thú y, trong quá trình thực hiện dự án, sự hợp tác liên ngành và giữa các cấp quản lý tại các địa phương với nhóm nghiên cứu đã góp phần rất lớn trong giải quyết thách thức phức tạp như ATTP. Chúng tôi rất mong muốn sự tiếp tục đồng hành và cam kết của các bên liên quan để có thể nhân rộng các mô hình này.

 Chương trình góp phần cải thiện kiến thức của tiểu thương về vệ sinh ATTP tại quầy bán hàng

Chương trình góp phần cải thiện kiến thức của tiểu thương về vệ sinh ATTP tại quầy bán hàng

Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR được thực hiện bởi Viện Thú y Quốc gia (NIVR), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Viện Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), Viện Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD), Viện Phát triển Mekong (MDRI), cùng chính quyền địa phương các cấp tại 5 tỉnh của dự án.

Chương trình đã phối hợp với các đối tác tổ chức đánh giá nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu can thiệp ATTP từ dự án “Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe tại Việt Nam”. Đồng thời ghi nhận phản hồi từ các đối tác địa phương nhằm điều chỉnh và mở rộng các biện pháp can thiệp hiệu quả. Từ đó mang lại lợi ích cho sức khỏe cộng đồng và sinh kế của các tác nhân trong chuỗi thịt lợn. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan để tăng cường cải thiện an toàn thịt lợn tại các CSGM vừa và nhỏ và các chợ truyền thống.

TS Nguyễn Văn Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng: Dự án Một Sức Khỏe là sáng kiến tác động can thiệp nhiều chiều, từ những người mua bán động vật, cung ứng thực phẩm, đến tăng cường phối hợp giữa ngành thú y và y tế trong quản lý, kế hoạch giám sát... Qua đó, tác động làm cho người tiêu dùng tin tưởng hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, yên tâm sử dụng các dịch vụ ẩm thực của địa phương. Khi đã tin tưởng thì sự phát triển sẽ bền vững, người tiêu dùng sẽ đến Huế nhiều hơn, đóng góp cho ngành du lịch, và phát triển kinh tế - xã hội.

Được triển khai tại Việt Nam từ 2022-2024, trong khuôn khổ của Sáng kiến Một Sức Khỏe, Hợp phần An toàn thực phẩm đã thực hiện các can thiệp nhằm cải thiện vệ sinh an toàn thịt lợn tại các CSGM và chợ truyền thống ở Việt Nam. Thông qua mô hình can thiệp EMC – tạo điều kiện, xây dựng năng lực và tạo động lực hỗ trợ các bên tham gia trong chuỗi cung ứng thịt lợn, dự án kỳ vọng giảm thiểu rủi ro ô nhiễm vi sinh tại các cơ sở giết mổ và chợ truyền thống trong tương lai.

Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/an-toan-thuc-pham-tu-sang-kien-mot-suc-khoe-149440.html
Zalo