Ẩn tình khiến tài liệu mật vụ ám sát Tổng thống Kennedy chưa công bố
Việc ông Trump ký sắc lệnh ngày 23/1 về công bố toàn bộ hồ sơ liên quan vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy (JFK) năm 1963 một lần nữa dấy lên câu hỏi tại sao vụ việc đến nay vẫn còn bí ẩn.
Hơn 61 năm sau khi những phát súng trường vang lên ở Dealey Plaza (ngày 22/11/2023), khiến một vị tổng thống qua đời và thay đổi tiến trình lịch sử, vẫn còn nhiều bí mật mà chính phủ Mỹ cho đến nay vẫn giữ kín.
Theo dữ liệu của Politico cho đến năm 2022, hơn 14.000 tài liệu mật, một phần hoặc toàn bộ, liên quan đến vụ ám sát JFK vẫn bị phong tỏa tại Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ, dù động thái này rõ ràng đã vi phạm đạo luật năm 1992 về việc phải công bố toàn bộ hồ sơ chính phủ liên quan trước tháng 10/2017.
Trên thực tế, nhiều dữ liệu liên quan đến vụ ám sát này vẫn được bảo mật. CIA, FBI và các cơ quan khác đã từ chối giải thích lý do cho công chúng. Thư tín nội bộ trong Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ tiết lộ rằng đằng sau hậu trường, đã có một cuộc chiến dữ dội về những tài liệu này trong những năm gần đây.
Trong đó, Cục Lưu trữ phản đối việc CIA, FBI và các cơ quan khác muốn giữ bí mật. Năm 2017, cuộc đấu tranh giữa hai bên đặc biệt dữ dội khi ông Trump, dù tuyên bố vụ việc này cần trở nên minh bạch khi tranh cử, đã “quay xe”, chọn đứng về phía CIA và FBI trong việc giữ kín nhiều tài liệu mật liên quan.
Lý do biện minh
Những thư tín nội bộ từ Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ đã cung cấp một góc nhìn hiếm hoi về cách CIA, FBI, Lầu Năm Góc và các cơ quan khác biện minh cho việc giữ bí mật về một bước ngoặt trong lịch sử Mỹ xảy ra cách đây nhiều thập kỷ.
Cụ thể, CIA và FBI đã gây sức ép để giữ bí mật các tài liệu vì chúng chứa tên và thông tin cá nhân của nhiều nguồn tin đến từ lực lượng tình báo và thực thi pháp luật vẫn còn sống từ những năm 1960 và 1970, những người có thể bị đe dọa hoặc thậm chí là bị bạo lực nếu họ bị công khai danh tính.
Nhiều nguồn tin đó hiện lớn tuổi và là những người nước ngoài không sống tại Mỹ - điều khiến chính phủ Mỹ gặp khó khăn nếu muốn bảo vệ họ. CIA cũng đã che giấu thông tin liên quan đến vị trí của các trạm thông tin và nơi trú ẩn của lực lượng an ninh Mỹ tại nước ngoài, trong đó có một số nơi đã được sử dụng liên tục kể từ vụ ám sát JFK năm 1963.
Một chi tiết cũng được chú ý từ những thư tín trên là FBI và Cục Quản lý Thực thi Ma túy (DEA) là hai đơn vị đấu tranh rất quyết liệt để bảo vệ danh tính của những người cung cấp thông tin. Điều này đã khiến những người theo thuyết âm mưu tin rằng mafia là lực lượng đứng sau vụ ám sát JFK.
Nhiều nhà nghiên cứu về vụ ám sát cũng cho rằng đây chính là hành động đáp trả đối với cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức do anh trai của JFK, lúc đó là Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, tiến hành. Suy đoán này không phải không có căn cứ khi trong số gần 7.500 tài liệu mà FBI giữ bí mật tại thời điểm hạn chót năm 2017, 6.000 tài liệu có liên quan đến "thành viên của các nhóm tội phạm có tổ chức".
DEA đã đưa ra lời kêu gọi đặc biệt về việc xóa tên sáu người cung cấp thông tin mật trong các hồ sơ liên quan: "Với khuynh hướng bạo lực rõ ràng của mafia, có lý do để dự đoán rằng những cá nhân này, nếu còn sống, sẽ phải chịu nguy cơ trả thù rất cao chỉ vì họ đã hỗ trợ nhà nước", DEA cho biết trong một lá thư năm 2018 gửi cho Cục Lưu trữ.
Các cơ quan khác cũng có nhiều lý do biện minh cho việc che giấu thông tin liên quan đến vụ việc. Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2018 cho biết họ sẽ giữ kín một số nội dung vì chúng liên quan “đến các kế hoạch chiến tranh còn đang được thực hiện của Mỹ, thông tin của chính phủ nước ngoài, thông tin vũ khí hạt nhân nhạy cảm và thông tin cá nhân của các tù nhân chiến tranh”.
Trong cùng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu bảo mật một số thông tin vì “quan ngại về an ninh quốc gia và các vấn đề đối ngoại”.
Lời kêu gọi giải mật
Việc nhiều cơ quan Mỹ yêu cầu bảo mật thông tin về vụ ám sát JFK không chỉ bị Cục Lưu trữ phản đối, mà còn bị nhiều tiếng nói chỉ trích từ công chúng.
Tháng 10/2024, Jefferson Morley, cựu phóng viên điều tra của tờ The Washington Post, đã công bố một báo cáo liên quan đến vụ ám sát JFK. Theo đó, hồ sơ này cung cấp thông tin về một số hành động của CIA, điều bị Morley cáo buộc là nhằm đánh lừa Quốc hội Mỹ.
Từ các cuộc phỏng vấn với một nguồn tin mật, Morley khẳng định CIA đã có tài liệu về việc Lee Harvey Oswald có mặt tại thành phố Mexico trước vụ ám sát. Nguồn tin này được cho là đã nhìn thấy một hộp đựng phim tại một cơ sở của CIA ở Herndon, Virginia, được dán nhãn là "Oswald ở Thành phố Mexico" và thời gian được đề là tháng 9 năm 1963.
Nguồn tin này cũng tuyên bố đã được tiếp cận một tài liệu dài 40-50 trang do tổng thanh tra của CIA biên soạn vào những năm 1970, trong đó cung cấp một sổ tay hướng dẫn để ngăn chặn các nỗ lực điều tra mới tại Hạ viện về vụ ám sát JFK.
Câu chuyện của Morley được xác nhận bằng một cuộc phỏng vấn riêng có ghi âm với Andres Goyenechea, một cựu nhân viên CIA sống tại Washington. Goyenechea cho biết mẹ ông, Greta Goyenechea, đã chụp được ảnh Oswald tại Thành phố Mexico trước vụ ám sát. Mật danh của bà, theo như ghi chép trong hồ sơ Kennedy, là LIEMPTY-14.
Trong khi đó, thông tin của Morley mâu thuẫn với hồ sơ chính thức do các cơ quan tình báo lưu giữ. CIA khẳng định họ không có bất kỳ bằng chứng nào về nơi ở của Oswald trước khi ông ta ám sát Kennedy.
Là người điều tra vụ ám sát JFK trong suốt sự nghiệp của mình, Morley không lạ gì với phản ứng của CIA. Năm 2003, ông đã kiện CIA nhằm buộc họ công bố các hồ sơ về một sĩ quan mật vụ có liên quan đến vụ ám sát Kennedy. Mặc dù ông đã giành được một số chiến thắng tại các tòa án cấp dưới, nhưng vụ án đã bị bác bỏ tại Tòa phúc thẩm ở Washington DC vào năm 2018.
Tuy nhiên, Morley không hề cô đơn trong việc công bố những chi tiết khác với hồ sơ chính thức. Năm 2013, Paul Landis, một trong những mật vụ chỉ cách JFK vài mét vào ngày định mệnh ở Dallas, lần đầu tiên đã kể lại toàn bộ câu chuyện của mình trong cuốn sách The Final Witness.
Theo đó, cuốn sách thách thức giả thuyết chính thức nhiều năm qua về "viên đạn ma thuật" - nghĩa là chỉ có một phát đạn duy nhất đồng thời đoạt mạng JFK và khiến Thống đốc Texas John Connally bị thương. Landis cho rằng có một viên đạn khác đã khiến Connally bị thương, trong khi mẫu súng được cho là hung khí Oswald sử dụng ngày hôm đó trên lý thuyết không thể nạp đạn nhanh như vậy, điều có thể cho thấy có nhiều hơn một hung thủ.
Cũng giống như vụ ám sát JFK, vẫn còn nhiều nghi vấn về lời kể trong cuốn hồi ký của Paul Landis, điều khác với hai bản tường trình mà ông từng nộp sau vụ ám sát.
Vì vậy, dù chưa rõ sắc lệnh được ông Trump mới ký sẽ được thực thi ra sao, liệu có thêm thông tin quan trọng nào được hé lộ hay không, thì có khoảng 500 tài liệu và các mục khác trong hồ sơ chắc chắn sẽ được giữ bí mật mãi mãi vì đạo luật năm 1992 đã miễn trừ việc công bố chúng.
Trong số này có nhiều tài liệu do bồi thẩm đoàn liên bang và cơ quan thuế vụ đưa ra, bao gồm hồ sơ thuế và việc làm của Oswald, Ruby và nhiều cộng sự của chúng. Như vậy, vụ ám sát JFK có thể sẽ tiếp tục còn nhiều điều bí ẩn không được tiết lộ.