Án phạt thể thao: Quyền lực và điểm dừng?

Những quyết định mang tính áp đặt, cấm đoán từ các tổ chức quản lý thể thao trong nước và quốc tế đã và đang khiến dư luận người hâm mộ hoang mang

Chỉ trong hơn một năm, billiards Việt Nam tiếp nhận hàng loạt lệnh cấm từ Liên đoàn Billiards carom thế giới (UMB), Liên đoàn Billiards thể thao châu Á (ACBS) cũng như Hiệp hội Pool thế giới (WPA). Bởi lẽ, nhiều cơ thủ trong nước đã tham gia hàng loạt sự kiện được cho là "không thuộc quyền quản lý" của các tổ chức quốc tế chính thống này, bao gồm Hanoi Open Pool Championship 2023, Hanoi Open Pool Championship 2024 và PBA Hanoi Tour 2024.

Án chồng án

Hôm 14-10, WPA gửi công văn đến các liên đoàn quốc gia thành viên, thông báo về việc 245 cơ thủ không được phép tham dự các sự kiện quốc tế chính thức (khu vực, châu lục, thế giới) trong vòng 6 tháng do đã dự Hanoi Pool Open Championship 2024, giải đấu không được tổ chức này công nhận và cấp phép.

Trong số hơn 200 cơ thủ kể trên, có 87 vận động viên Việt Nam. Đa phần họ là các cơ thủ hàng đầu hiện nay như Dương Quốc Hoàng, Đặng Thành Kiên, Đỗ Thế Kiên, Lường Đức Thiện, Phạm Phương Nam, Nguyễn Anh Tuấn...

Điều trùng hợp là không ít cơ thủ nhận án phạt lần này vẫn đang chịu sự ràng buộc bởi một án cấm thi đấu do ACBS ban hành và có hiệu lực đến tháng 1-2025. Nguyên do là bởi các cơ thủ này đã tham dự Hanoi Open Pool Championship 2023!

Xen giữa hai quyết định kể trên là án phạt do UMB ban hành khi cho rằng nhiều cơ thủ Việt Nam đã tham dự giải PBA-LPBA Sy Bazaar Hanoi Open (còn gọi là PBA Hanoi Tour 2024) hồi tháng 8 vừa qua. Án cấm thi đấu kéo dài một năm, đến tháng 8-2025, được áp dụng đối với 32 cơ thủ chuyên carom.

WPA được thành lập năm 1987 và được giao quản lý các giải pool thuộc Liên đoàn Thể thao billiards thế giới (WCBS) - thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế. Các cơ thủ Việt Nam bị trừng phạt đều thuộc ACBS, tổ chức thành viên của WPA.

Mới nhất, Phòng Thể thao thành tích cao 2 (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) gửi công văn đến các tỉnh, thành phố, thông báo cấm các cơ thủ từng thi đấu ở những giải đấu "ngoài luồng" không được tham dự các sự kiện trong hệ thống giải quốc gia có tính điểm xếp hạng. Việc này áp dụng ngay tại Cúp Quốc gia billiards pool-snooker 2024 đang diễn ra tại Bắc Giang.

Dương Quốc Hoàng (giữa) và các thành viên đội tuyển châu Á tham dự Reyes Cup 2024 đều nằm trong danh sách bị WPA cấm thi đấu. (Ảnh: MATCHROOM)

Dương Quốc Hoàng (giữa) và các thành viên đội tuyển châu Á tham dự Reyes Cup 2024 đều nằm trong danh sách bị WPA cấm thi đấu. (Ảnh: MATCHROOM)

Bế tắc hướng giải quyết

Suốt nhiều tháng qua, cuộc tranh cãi về việc các giải đấu được cấp phép như thế nào là hợp pháp, tổ chức nào có thẩm quyền chính thức và cao nhất với billiards Việt Nam dường như vẫn chưa có điểm dừng, kể cả có sự vào cuộc của các ngành chức năng liên quan.

Cả 3 sự kiện thi đấu quốc tế về billiards carom và pool diễn ra tại Hà Nội trong hai năm 2023 và 2024 đều do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cấp phép theo phân cấp của UBND thành phố. Phía đơn vị tổ chức Vietcontent cũng khẳng định đã xin cấp phép tổ chức giải theo đúng quy trình và thủ tục quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Trả lời báo chí, ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng Phòng Thể thao thành tích cao 1 - Cục Thể dục Thể thao, cho biết cần xem xét phạm vi, chức năng của ACBS với các giải thể thao tại Việt Nam, vì không phải giải nào cũng cần có sự cho phép của tổ chức này. Ông Vinh cho rằng nếu là giải thể thao quần chúng thì thẩm quyền cấp phép tổ chức thuộc về UBND tỉnh, thành phố đăng cai.

Là chủ thể của các án phạt này, dàn cơ thủ pool và carom Việt Nam không phải không ý thức được việc họ tham dự các giải đấu chính là chấp nhận đương đầu với cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các tổ chức quản lý quốc tế. Vấn đề là cơ thủ chỉ mong được tham dự các giải đấu, để vừa nâng cao trình độ chuyên môn vừa tìm kiếm giải thưởng nhằm giải quyết kinh tế gia đình. Họ không kỳ thị, cũng chẳng phân biệt tổ chức nào và luôn mong được sống bằng nghề của mình. Thế nhưng, mọi việc không đơn giản như họ nghĩ.

Một cơ thủ hàng đầu (xin giấu tên) cho biết anh và đồng nghiệp không bất ngờ trước các lệnh cấm thi đấu vì biết trước kết cục. "Chúng tôi chỉ hy vọng sau lệnh cấm, các tổ chức quản lý sẽ ngồi lại đàm phán cùng nhau để đưa môn thể thao này phát triển mạnh mẽ hơn, thay vì cấm đoán sẽ làm mai một lực lượng, giới cơ thủ cũng mất niềm tin. Đã bước vào cuộc chơi thì phải chấp nhận, chẳng biết tương lai ra sao" - anh bày tỏ.

Sức hấp dẫn của PBA đến từ thể thức thi đấu đánh theo set cũng như tạo nhiều cơ hội tranh tài cho VĐV nữ, VĐV trẻ dưới 18 tuổi. Chưa kể, tiền thưởng vô địch nam một chặng PBA Tour lên đến khoảng 146.000 USD, cao hơn 3 lần so với chức vô địch một chặng World Cup do UMB tổ chức - chỉ khoảng 22.000 USD và không hề thay đổi suốt 5 năm qua.

Trong khi đứng sau quyết định của ACBS cấm các cơ thủ Việt Nam dự giải quốc tế, WPA lại ra văn bản "tháo khoán", cho phép mọi cơ thủ tham dự Giải Billiards pool Ho Chi Minh City Open 2024 vừa diễn ra cách đây chưa lâu tại TP HCM - tức bất chấp lệnh cấm của ACBS!

Tương tự, lệnh cấm của UMB không ảnh hưởng đến Giải Vô địch thế giới billiards carom 3 băng 2024 vừa được tổ chức tại Bình Thuận cuối tháng 9 vừa qua.

Đào Tùng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/an-phat-the-thao-quyen-luc-va-diem-dung-19624102021013099.htm
Zalo