Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Chú đầu độc tiệc cưới của cháu gái vì ghét... chú rể

Ông Mahesh bị bắt với cáo buộc trộn phenol hóa chất độc hại vào đồ ăn tại tiệc cưới cháu gái, người nuôi nấng từ bé nhưng lại kết hôn với chàng trai ông không ưa.

Án Nước ngoài: Chú bỏ thuốc độc vào tiệc cưới của cháu gái

Ông Mahesh Jotiram Patil bị bắt quả tang đang bỏ thuốc độc vào đồ ăn tại đám cưới ở Kolhapur, cách Mumbai (Ấn Độ) khoảng 300 km về phía đông nam, hôm 7/1. Ông bỏ trốn ngay sau khi gây án nhưng đã bị cảnh sát bắt 2 hôm sau. Do hành vi được phát hiện, không ai trong đám cưới tiêu thụ số đồ ăn này.

Trong cuộc điều tra sơ bộ, ông Mahesh nói với cảnh sát rằng cảm thấy bị phản bội vì cháu gái đã bỏ trốn cùng với chàng trai trẻ sống cùng làng, người mà ông không ưa. Cô bé từng sống với chú ruột, người đã nuôi nấng cô bé như con gái ruột.

"Ông ấy khai rằng cảm thấy bị phản bội sau khi cháu gái bỏ trốn và kết hôn trái với ý muốn của mình. Ông ấy đã không ăn gì trong 8 ngày sau khi cô bé bỏ trốn. Do đó, ông ấy đã trộn chất độc vào thức ăn để mọi người để hả giận", cảnh sát cho biết.

Nhà chức trách sẽ điều tra xem liệu hành động này có phải là cố ý làm hại khách mời tại sự kiện hay chỉ đơn giản là thể hiện sự tức giận đối với cuộc hôn nhân.

Ông Mahesh Jotiram Patil hiện bị cáo buộc hai tội: Hành vi bất cẩn liên quan đến chất độc, hình phạt tối đa 6 tháng tù và 5.000 rupee; Hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sự an toàn cá nhân của người khác, hình phạt tối đa 3 năm tù và 10.000 rupee (3 triệu đồng).

Phenol rất độc hại cho da, đường hô hấp, hệ tiêu hóa và mắt. Đặc biệt nguy hiểm nếu nuốt, hít hoặc tiếp xúc qua da. Chất này gây đột biến tế bào soma ở động vật có vú. Liều lượng 630 mg/kg gây chết 50% động vật khi tiếp xúc qua da. Con người nhiễm độc phenol có thể bị ảnh hưởng mạn tính dẫn đến ung thư, hư hại các cơ quan như thận, hệ thần kinh trung ương, gan.

Sử dụng chất độc để đầu độc người khác là tội hình sự.

Sử dụng chất độc để đầu độc người khác là tội hình sự.

Luật Việt Nam: Giết người không thành vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự

Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Giết người như sau: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn.

Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Trong vụ án trên, chỉ vì không ưa chú rể mà người đàn ông đã có hành vi trộn phenol hóa chất độc hại vào đồ ăn tại tiệc cưới của cháu gái. Phenol là loại hóa chất độc hại cho da, đường hô hấp, hệ tiêu hóa và mắt. Đặc biệt nguy hiểm nếu nuốt, hít hoặc tiếp xúc qua da. Liều lượng 630 mg/kg gây chết 50% động vật khi tiếp xúc qua da. Con người nhiễm độc phenol có thể bị ảnh hưởng mạn tính dẫn đến ung thư, hư hại các cơ quan như thận, hệ thần kinh trung ương, gan.

Theo quy định trên thì hành vi cho thuốc độc vào tiệc cưới của cháu gái của người đàn ông trên bị coi là phạm tội Giết người hay không còn phụ thuộc vào chất độc được sử dụng thuộc thuốc nhóm độc bao nhiêu, hàm lượng chất độc như thế nào. Nếu như hàm lượng cao thì hành vi đó bị coi là hành vi giết người, còn nếu như hàm lượng thấp nó sẽ được coi là hành vi cố ý gây thương tích.

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Đây là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội.

Giết người không thành là hành vi cố ý thực hiện tội phạm giết người nhưng không thực hiện đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn, đồng thời chưa gây ra hậu quả làm thiệt hại đến tính mạng của người khác.

Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015, người có hành vi giết người nhưng không thành được xem là phạm tội chưa đạt. Cụ thể, tại Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Hành vi được coi là giết người chưa đạt phải đáp ứng các dấu hiệu sau đây: Thứ nhất, người phạm tội đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm. Có nghĩa là họ đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội giết người (ví dụ: chuẩn bị dao, đâm vào người nạn nhân…); Thứ hai, người phạm tội đã thực hiện hành vi giết người nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra; Thứ ba, người phạm tội mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng để hậu quả chết người xảy ra nhưng do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn nên không được (người bị hại tránh được, có người can ngăn kịp thời, được cứu chữa kịp thời,…)

Cũng theo Điều 15 Bộ luật Hình sự, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Theo Điều 57 Bộ luật Hình sự, hình phạt với hành vi giết người không thành sẽ được quyết định theo tội Giết người tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Người thực hiện hành vi giết người không thành có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người với mức phạt tù không quá 20 năm nếu thuộc trường hợp áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp phạt tù có thời hạn thì được áp dụng mức phạt không quá 3/4 mức phạt theo quy định.

Ánh Dương (Thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/an-nuoc-ngoai-luat-viet-nam-chu-dau-doc-tiec-cuoi-cua-chau-gai-vi-ghet-chu-re-204250124121615134.htm
Zalo