'Ẩn họa' từ việc giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi
Việc giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi điều khiển là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao cho bản thân và người tham gia giao thông khi người điều khiển phương tiện không được học luật, không có kỹ năng xử lý tình huống…
Còn nhiều trường hợp vi phạm
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT), hậu quả làm chết người có liên quan đến người điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe (GPLX). Đại úy Hoàng Anh Văn, Phó trưởng Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Quốc lộ 13, cho biết qua công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), lực lượng chức năng đã lập nhiều biên bản và xử lý vi phạm về lỗi chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy điện đối với lứa tuổi học sinh và thanh thiếu niên.
Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, quy định mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe quy định như sau: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô. Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.
Lý giải điều này, Đại úy Hoàng Anh Văn nhấn mạnh, hiện nay hầu hết các trường THPT thông báo không giữ xe mô tô cho học sinh chưa đủ tuổi, không có GPLX, nhiều phụ huynh đã chuyển sang cho con đi xe máy điện mà chưa tìm hiểu kỹ các quy định về độ tuổi và loại xe dành cho lứa tuổi học sinh nên vẫn bị lực lượng chức năng lập biên bản khi kiểm tra. Theo quy định, xe máy điện có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50km/giờ và người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được đi xe máy điện. Hiện thị trường có nhiều cửa hàng bán nhiều dòng xe máy điện với vận tốc thiết kế từ 45-78km/giờ nhưng không tư vấn đầy đủ cho người mua, khiến nhiều phụ huynh nhầm lẫn con không được điều khiển xe mô tô thì chuyển sang đi xe máy điện.
Nhằm hạn chế các vụ TNGT liên quan đến học sinh và người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an tỉnh quyết liệt trong công tác TTKS và xử lý nghiêm như lập biên bản người điều khiển xe vi phạm, tạm giữ phương tiện và phạt chủ phương tiện về lỗi giao xe. Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, tại TP.Tân Uyên, qua TTKS lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 72 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh, trong đó phạt 30 trường hợp phụ huynh vi phạm lỗi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển; Công an TP.Bến Cát lập biên bản 87 trường hợp học sinh vi phạm không có GPLX; Công an TP.Thủ Dầu Một phát hiện lập biên bản 200 trường hợp học sinh điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi…
Xử phạt nghiêm
Nói về “ẩn họa” khi giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi, Thượng tá Trần Phương Toàn, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết hiện nay nhiều phụ huynh còn chủ quan giao xe cho con điều khiển mặc dù biết rõ con mình chưa đủ tuổi. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như do trẻ thiếu kinh nghiệm, kỹ năng lái xe và cả tâm lý chủ quan coi thường các quy định về ATGT, từ đó dễ gây ra TNGT cho bản thân hoặc người tham gia giao thông. Việc giao xe cho người chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật nên khi lực lượng chức năng xử phạt người điều khiển phương tiện thì phạt cả người giao phương tiện, hoặc người điều khiển phương tiện gây tai nạn chết người thì người giao phương tiện sẽ bị xử lý hình sự theo quy định.
Thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, trong 10 tháng năm 2024, qua TTKS lực lượng chức năng lập biên bản xử lý 4.263 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 5 tỷ đồng, tạm giữ hơn 4.200 phương tiện. Trong đó, 3.610 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe, 300 trường hợp giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển, 193 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 20 trường hợp không GPLX và các vi phạm khác.
Nhằm chủ động phòng ngừa tình trạng tụ tập đua xe và TNGT đối với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động TTKS, xử lý vi phạm về trật tự ATGT liên quan đến quy định về đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện; xử lý trách nhiệm của người giao xe mô tô, ô tô cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi. Đồng thời, lực lượng CSGT sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng triệt để các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát để ghi hình, phát hiện xử lý vi phạm.
Điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ- CP quy định “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)” thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức.