An Giang tập trung triển khai Luật Đất đai
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền của địa phương. Trong đó, chỉ 2 tỉnh An Giang và Hải Dương đã ban hành đầy đủ 20/20 nội dung được giao quy định chi tiết trong luật. Để đạt kết quả này, An Giang đã tập trung chỉ đạo, ban hành đầy đủ các nội dung quy định chi tiết thi hành của Luật Đất đai.
Nhiều bước tiến mới
Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội ban hành ngày 18/1/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác quản lý đất đai, giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại của luật cũ, tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai.
Một số điểm mới nổi bật của Luật Đất đai năm 2024, gồm: Bỏ chủ thể “hộ gia đình”, do “hộ gia đình” là một đối tượng quá chung chung, không rõ là ai, trong khi đất đai là tài sản có giá trị, cần phải xác định chủ thể thật rõ ràng, chính xác. Đây cũng là nguồn gốc gây ra nhiều vướng mắc, khiếu nại, tranh tụng trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Một nội dung mới khác mà tỉnh An Giang đã nhiều lần đề xuất là bỏ điều kiện chỉ có người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, bởi không phù hợp với thực tế ở khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh An Giang. Không phù hợp ở chỗ, dù pháp luật không cho nhưng các giao dịch ngầm vẫn diễn ra. Hậu quả, Nhà nước không kiểm soát và thu thuế được, trong khi một bộ phận người đang làm việc, cán bộ, công chức có gia đình xuất thân từ nông dân thì không thể nhận đất được cha, mẹ cho hoặc không thể chuyển nhượng đất trồng lúa để canh tác, cải thiện cuộc sống.
Theo Sở TN&MT, một trong những điểm mới đáng chú ý khác của Luật Đất đai năm 2024 là mở rộng hạn điền, hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Theo luật cũ, hạn mức này chỉ giới hạn ở mức 30ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, luật mới đã điều chỉnh, cho phép người dân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp lên đến 45ha (15 lần hạn mức giao đất). Việc mở rộng hạn mức này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân tập trung sản xuất lớn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phát triển nông nghiệp.
Hay cơ chế bồi thường mới linh hoạt, cho phép bồi thường bằng đất khác hoặc bằng nhà ở khi thu hồi đất nông nghiệp; phân cấp mạnh hơn cho cấp huyện về thẩm quyền thu hồi đất, phê duyệt giá đất bồi thường… Điều này dự báo sẽ được nhiều người đồng thuận cao, giúp tháo gỡ vướng mắc lâu nay trong công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều điểm mới khác, như: Giao quyền tự chủ cho địa phương về cho chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác (mà không phải xin Thủ tướng như Luật Đất đai trước đây làm kéo dài thời gian); làm rõ từng cơ chế sử dụng đất khi nào đấu giá, khi nào đấu thầu hay khi nào được thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; bỏ khung giá đất để bảng giá đất sát với giá thị trường; thu thuế chuyển nhượng bất động sản tính theo giá đất do Nhà nước ban hành (chứ không còn căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng như trước đây)… Từ đó, tránh được việc kê khai giá thấp để trốn thuế. Ngoài ra, còn nhiều nội dung mới khác được kỳ vọng sẽ giúp cho việc quản lý, khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả hơn, giảm xung đột lợi ích, tranh chấp, khiếu nại liên quan.
Triển khai quyết liệt
Để triển khai Luật Đất đai năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 677/QĐ-UBND, ngày 25/4/2024 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, xác định 3 nội dung trọng tâm: Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong luật.
Sở TN&MT sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, tập huấn chuyên sâu theo từng chuyên đề cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết hồ sơ đất đai, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.
Về nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đất đai, tỉnh xác định có 18 văn bản phải ban hành (gồm 2 nghị quyết của HĐND tỉnh và 16 quyết định của UBND tỉnh), trong đó, Sở TN&MT chủ trì xây dựng 1 nghị quyết và 12 quyết định, Sở Kế hoạch và Đầu tư 1 nghị quyết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 quyết định, Sở Tài chính 3 quyết định.
Thực hiện Công điện 105/CĐ-TTg, ngày 10/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đã ký ban hành Công văn 1418/UBND-KTN, ngày 11/10/2024 về việc khẩn trương thực hiện Công điện 105/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn 1401/UBND-KTN, ngày 9/10/2024 yêu cầu giám đốc các sở: Xây dựng, TN&MT, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư tập trung tối đa nhân lực, nguồn lực, phối hợp các sở, ngành liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tham mưu ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND và UBND tỉnh được giao trong các luật nêu trên, đảm bảo thời gian hoàn thành chậm nhất đến ngày 15/10/2024; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để chậm trễ ban hành các văn bản…
Sở TN&MT đã khẩn trương làm việc hết công suất, không kể ngày nghỉ, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định để kịp ban hành các văn bản quy định chi tiết trước ngày 15/10/2024. Đến nay, toàn bộ nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Sở TN&MT đã hoàn thành.
Sở TN&MT còn tham mưu UBND tỉnh ban hành và công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai áp dụng trên địa bàn tỉnh, ban hành quyết định ủy quyền cho Sở TN&MT ký giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm kê đất đai trên địa bàn tỉnh, việc điều chỉnh bảng giá đất, tham mưu xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, việc chuyển đổi đất trồng lúa, đất trồng rừng sang mục đích khác… Cùng với đó, đang kiện toàn tổ chức bộ máy của Văn phòng Đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất theo Luật Đất đai năm 2024…
Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai đang được triển khai trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động cuộc thi tìm hiểu về Luật Đất đai thu hút đông đảo các đối tượng tham gia; thực hiện tuyên truyền qua phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội, qua các cuộc hội nghị, lớp tập huấn, thông qua giải quyết thủ tục hành chính cho người dân…