An Giang mở rộng cửa đón nhà đầu tư

Ngày 12/12, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang thông tin, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đã đến An Giang tìm hiểu các chính sách ưu đãi đầu tư vào 60 dự án trọng điểm tỉnh đang kêu gọi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu tại hội nghị.

Đó là 60 dự án tập trung vào lĩnh vực thương mại-dịch vụ-du lịch, hạ tầng đô thị, các khu, cụm công nghiệp. Đây là thông tin vui sau “Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây...

Vùng đất tiềm năng

Hội nghị là sự kiện quan trọng của tỉnh, thông qua đó giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đến dự hội nghị có đại diện các bộ ngành cùng đông đảo doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã giới thiệu đến các doanh nghiệp 60 dự án trọng điểm tỉnh đang kêu gọi quan tâm đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, cho biết: Với chủ đề “An Giang: Không gian mới-Giá trị mới” như là một thông điệp tỉnh mong muốn truyền tải đến tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước những giá trị, nội dung cốt lõi của quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, ông Hồ Văn Mừng thông tin, An Giang có thế mạnh về nông nghiệp, du lịch và là cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 tỉnh xác định và khẳng định 3 lĩnh vực trọng tâm: Kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu và sẽ quyết tâm biến các tiềm năng, thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế An Giang trong thời gian tới.

Do vậy, tỉnh định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao từ đó nâng cao giá trị nông sản, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Được thiên nhiên ưu đãi, An Giang tận dụng khai thác hiệu quả lợi thế về nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng, chú trọng phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, như: Cá tra, rau màu và cây ăn trái cùng nhóm ngành hàng tiềm năng với định hướng đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Du lịch là thế mạnh của tỉnh với rất nhiều tiềm năng để phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hằng năm, An Giang đón hơn 8 triệu lượt khách tham quan, ngành du lịch có đóng góp lớn cho ngân sách và phát triển kinh tế địa phương.

Du khách quốc tế tìm hiểu về nghề dệt lụa ở thị xã Tân Châu.

Du khách quốc tế tìm hiểu về nghề dệt lụa ở thị xã Tân Châu.

Trong đó, ngoài du lịch tâm linh, du lịch lịch sử thu hút đông đảo du khách, tỉnh còn có thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch sông nước, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, khám phá và trải nghiệm còn nhiều dư địa phát triển.

An Giang có tuyến biên giới giáp với Vương quốc Campuchia gần 100km, tỉnh đang quy hoạch thành 3 khu vực kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích hơn 30.000ha có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Hiện nay, đã được quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại-dịch vụ-logistics và sản xuất công nghiệp để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và khai thác...

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại

Ông Hồ Văn Mừng nhấn mạnh, sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh, vì vậy, An Giang luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, đồng thời cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh thành hiện thực.

Sắp tới, tỉnh mong muốn nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh đến đầu tư tại An Giang để tỉnh có thể phát triển các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư gợi ý, tỉnh An Giang muốn phát triển kinh tế xã hội, trước tiên, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh lân cận, cụ thể là các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là kêu gọi đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tỉnh cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của tỉnh; tạo cơ hội tiếp xúc, gắn bó giữa An Giang và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng chung tay xây dựng, phát triển một không gian mới theo định hướng Quy hoạch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trao biên bản hợp tác và nghiên cứu khảo sát đầu tư tại An Giang cho các nhà đầu tư đang quan tâm đến những lĩnh vực tiềm năng của tỉnh.

Báo cáo của ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp đăng ký mới là 818 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 5.712 tỷ đồng, so cùng kỳ số doanh nghiệp đăng ký tăng 7,21%. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế đến nay, An Giang hiện có 36 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 261 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 178 triệu USD tạo việc làm cho 16.800 lao động.

THANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/an-giang-mo-rong-cua-don-nha-dau-tu-post849958.html
Zalo