An Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp thông minh

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp,…thì việc chuyển đổi số chính là xu hướng tất yếu cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Do dó, An Giang đã và đang chủ động triển khai chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang đã có bước tiến mạnh mẽ trong việc triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, tạo chuyển biến rõ nét từ khâu sản xuất-chế biến-phân phối-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cánh đồng lớn- Cơ giới hóa

Cánh đồng lớn- Cơ giới hóa

Đối với lĩnh vực trồng trọt, nông dân đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao vào sản xuất như: Ứng dụng máy bay không người lái (drone) trong gieo sạ, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa; Sử dụng “bẫy đèn thông minh” trong kiểm soát côn trùng gây hại; Sản xuất dưa lưới, cà chua, rau thủy canh,…theo hướng nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao; Hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây ăn trái, được điều khiển bằng điện thoại thông minh;…

Qua thực tế cho thấy, thông qua việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đã khắc phục và giảm thiểu rủi ro từ các yếu tố tự nhiên, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, mang lại nhiều lợi ích kinh tế.

Việc này không chỉ giúp nông dân tiếp cận tri thức mới; mà còn mở ra cách nghĩ, cách làm mới, nhằm giảm nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giúp tự động hóa việc giám sát cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo các nông dân, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất mang lại rất nhiều lợi ích.

Ứng dụng máy bay không người lái (drone) trong gieo sạ, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa...

Ứng dụng máy bay không người lái (drone) trong gieo sạ, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa...

“Mấy năm qua, gia đình tôi đã sử dụng Công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Sử dụng máy bay phun xịt thuốc, giúp tôi tiết kiệm được nhân công, lượng thuốc phun xịt nó đều hơn là làm bằng tay. Máy pha thuốc cũng tốt hơn. Thuận lợi khi vào mùa mưa, gió phun chỉ vài chục phút đồng hồ là xong, thuốc hấp thụ nhanh”- chia sẻ của ông Nguyễn Văn Khanh, xã Phú Thành, huyện Phú Tân.

“Tưới kiểu này nó có cái béc, lúc mới trồng thì cây nó còn nhỏ thì cái lưỡi gà nó cong xuống thì nó giữ mục nước tưới gọn, khi cây lớn thì mở lưỡi gà lớn bung ra theo chu kỳ cây lớn lên, thành ra tưới rất hiệu quả. Hạn chế được cỏ lan, cỏ tạp; ít hao phân; hao nước. Trời nắng thì béc phun này nó rất hiệu quả vì nó tưới từ từ, rồi nó thấm, thấm hoài, thấm sâu. Nếu mình để quên điện thoại thì mình bật công tắc, còn có điện thoại thì mình ngồi ở nhà tưới cũng được”. ông Hồ Văn Chẳn, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân cho hay.

Máy sạ mạ

Máy sạ mạ

Qua việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nhiều mô hình cây ăn trái trong tỉnh như: nhãn, xoài…đã sớm xây dựng thương hiệu, được công nhận tiêu chuẩn VietGap, được cấp mã vùng trồng; do đó, các vườn cây ăn trái này được cấp mã QR, cấp tem chống hàng giả. Đây chính là những dữ liệu để ngành chức năng và người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, lắm được quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch,… Từ đó, giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Còn đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, một số trại nuôi gia súc, gia cầm lớn trên địa bàn tỉnh An Giang đã và đang ứng dụng chuồng trại cứng, có hệ thống làm mát, máng ăn và máng uống tự động; quản lý, giám sát được tích hợp vào điện thoại thông minh để điều khiển từ xa. Đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng được chuyển đổi số một cách mạnh mẽ; nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cá tra xuất khẩu.

Hệ thống nuôi cá tra tự động hóa hoàn toàn: từ việc đo lường, thu mẫu, quan trắc môi trường, xử lý nước đầu vào, cho cá ăn,…

Hệ thống nuôi cá tra tự động hóa hoàn toàn: từ việc đo lường, thu mẫu, quan trắc môi trường, xử lý nước đầu vào, cho cá ăn,…

Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần cá tra Việt-Úc cho biết, cũng như một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh An Giang, để nâng cao chất lượng cho con cá tra, Công ty đã đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất. Hệ thống nuôi được tự động hóa hoàn toàn: từ việc đo lường, thu mẫu, quan trắc môi trường, xử lý nước đầu vào, cho cá ăn; nhất là có gắn chíp điện tử định danh cho cá…công nghệ này mang lại hiệu quả thiết thực.

“Thông qua các ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, cũng như trong điều hành; cho tới thời điểm hiện tại, cái giống nó tăng trưởng nhanh hơn khoảng 30-40% so với thế hệ ban đầu. Còn các chỉ tiêu khác như tỷ lệ sống và chất lượng thịt cá cũng được cải thiện qua từng thế hệ. Đặc biệt là tỷ lệ sống trong việc chọn giống, từ giai đoạn cá bột lên cá giống 30gram, trung bình đạt 50%. Còn giai đoạn từ cá giống đến khi cá được gắn chíp định danh, là từ 30gram-cá thịt 1kg là đạt hơn 90% tỷ lệ sống, đó là tín hiệu tốt, gặt hái được và đạt được mục tiêu nhất định” - ông Nguyễn Minh Khôi cho biết thêm.

Có thể nói, các giải pháp canh tác thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và cảm biến vào sản xuất nông nghiệp của địa phương đã giúp nông dân tối ưu hóa việc quản lý và chăm sóc cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả; từ đó giúp tăng năng suất và giảm thiểu nguồn lực, sản xuất nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,…Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều HTX, hộ nông dân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng mô hình ghi chép nhật ký sản xuất điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhằm giúp các thành viên HTX, hộ sản xuất ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP; ứng dụng trực tuyến hỗ trợ việc quản lý, quảng bá phát triển du lịch cộng đồng…

An Giang có hơn 700 mô hình được địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

An Giang có hơn 700 mô hình được địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã được địa phương thực hiện từ nhiều năm nay, với 625 thiết bị bay để ứng dụng trong sạ lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng 40% diện tích sản xuất lúa trong tỉnh. Hơn 700 mô hình được địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cấp hơn 500 mã số, với tổng diện tích vùng trồng hơn 17.300ha; địa phương cũng đã kết nối, đưa 150 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh còn thành lập các chuyên trang để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch. Đây được coi là bước đi mạnh mẽ cho việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp; nhằm nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp của địa phương.

Trong chuyển đổi số, thời gian qua, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai, áp dụng chuyển đổi số tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, ứng dụng quản lý chăn nuôi, phần mềm dữ liệu giống thủy sản...Từ đó, đã mang lại hiệu quả đáng kể cho người nông dân.

“Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số, thuộc Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Vì vậy, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cũng như tăng trách nhiệm đối với môi trường. Qua mô hình chuyển đổi số đã tăng từ 10-30% so với mô hình truyền thống. Đây là tiền đề, cơ sở hết sức quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn, nhân rộng trong thời gian tới, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững”- ông Tôn Thất Thịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang cho rằng.

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao

Có thể nói: chuyển đổi số là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp; do đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử; nhằm hướng đến kênh phân phối, tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.

Đồng thời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kỹ năng, kiến thức, tiếp cận cận thông tin về chuyển đổi số, an toàn thông tin cho cán bộ; phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân…theo đó, sẽ có nhiều ứng dụng số đưa vào triển khai thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của các HTX sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh,…Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của địa phương theo hướng hiện đại và bền vững.

Phan Ánh/VOV- ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/an-giang-day-manh-chuyen-doi-so-huong-toi-nong-nghiep-thong-minh-post1198359.vov
Zalo