Ấn Độ và Pakistan tái xung đột sau thỏa thuận ngừng bắn
Ấn Độ và Pakistan vừa đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau nhiều ngày giao tranh căng thẳng, nhưng chỉ vài giờ sau, hai bên lại cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp định.
Thỏa thuận ngừng bắn, được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trên mạng xã hội Truth Social hôm 10/5, là kết quả của 48 giờ đàm phán căng thẳng do Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance làm trung gian. Tổng thống Trump ca ngợi cả Ấn Độ và Pakistan đã sử dụng “lý trí và trí tuệ vĩ đại” để đạt được thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc đưa hai nước đến bàn đàm phán.
Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar xác nhận thông tin này trên mạng xã hội X, và khẳng định lệnh ngừng bắn có hiệu lực ngay lập tức. Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri cũng cho biết các chỉ huy quân sự cấp cao của hai bên đã thống nhất ngừng mọi hành động quân sự trên bộ, trên không và trên biển từ 5 giờ chiều cùng ngày, dù New Delhi vẫn nhấn mạnh sẽ "không nhượng bộ trong cuộc chiến chống khủng bố".

Các phương tiện bị hư hại tại thị trấn Jammu, Kashmir sau các cuộc pháo kích xuyên biên giới giữa Pakistan và Ấn Độ. Ảnh: Mukesh/EPA-EFE
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, cả hai bên đã quay ra cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận, sau khi có những tiếng súng và pháo nổ lớn được ghi nhận vang lên tại Srinagar và Jammu, hai thành phố lớn ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, kèm theo các đợt mất điện và ánh chớp lóe sáng trên bầu trời.
Ngoại trưởng Misri ngay lập tức lên án Pakistan, cáo buộc Islamabad vi phạm thỏa thuận với “nhiều hành động xâm phạm” và tuyên bố lực lượng vũ trang Ấn Độ đang “phản ứng thích đáng”. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn một cách “trung thực” và cho rằng chính Ấn Độ đã khởi xướng các hành vi vi phạm.
ĐỌC NGAY: Ấn Độ - Pakistan bên bờ vực chiến tranh
Trước đó, xung đột vũ trang giữa hai nước bùng phát sau khi Ấn Độ phát động các cuộc không kích vào Pakistan và khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát, nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố ngày 22/4 tại Pahalgam, Kashmir do Ấn Độ quản lý. Vụ tấn công khiến 26 người thiệt mạng, chủ yếu là du khách theo đạo Hindu, được New Delhi quy trách nhiệm cho các nhóm phiến quân được Pakistan hậu thuẫn, trong khi Islamabad kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc và kêu gọi điều tra quốc tế.
Trong 3 ngày tiếp theo, hai bên liên tục trao đổi các đợt tấn công bằng tên lửa, phương tiện bay không người lái và pháo binh qua Đường Kiểm soát (LoC) - ranh giới phân chia quyền quản lý khu vực Kashmir giữa hai nước. Ít nhất 36 người thiệt mạng ở phía Pakistan, trong khi Ấn Độ ghi nhận 21 dân thường tử nạn do pháo kích từ nước láng giềng.
Thỏa thuận ngừng bắn được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng, mở đường cho các cuộc đàm phán rộng hơn tại một địa điểm trung lập. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, trong bài phát biểu trước toàn quốc, nhấn mạnh lệnh ngừng bắn được thông qua vì “lợi ích của hòa bình khu vực” và bày tỏ hy vọng các tranh chấp, bao gồm vấn đề Kashmir, sẽ được giải quyết thông qua đối thoại.
Dù đã có lệnh ngừng bắn, việc hai nước tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận cho thấy hòa bình lâu dài vẫn là một dấu hỏi. Theo chuyên gia Harsh Pant từ Quỹ Nghiên cứu Quan sát, những thay đổi trong công nghệ chiến trường đang tạo ra “một nấc thang leo thang mới”, khiến xung đột vũ trang trở nên khó lường hơn.