Ấn Độ và Pakistan nâng cấp quân đội, rủi ro gia tăng

Ấn Độ và Pakistan đã nâng cấp đáng kể năng lực quân sự của mình kể từ khi hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này đụng độ vào năm 2019, làm gia tăng nguy cơ leo thang ngay cả trong một cuộc xung đột hạn chế.

Máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Pakistan cho biết Ấn Độ có kế hoạch tấn công quân sự sau khi New Delhi đổ lỗi cho Islamabad về vụ tấn công chết người vào khách du lịch ở Kashmir vào tháng trước. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thề sẽ trừng phạt những kẻ ủng hộ vụ tấn công “vượt quá sức tưởng tượng của họ”.

Pakistan phủ nhận sự liên quan đến vụ tấn công nhưng cảnh báo sẽ đáp trả nếu bị nhắm tới.

Năm 2019, Ấn Độ đã tiến hành các cuộc không kích bên trong Pakistan sau vụ đánh bom một đoàn xe quân sự của Ấn Độ ở Kashmir và tuyên bố đã phá hủy “các trại khủng bố”. Các máy bay phản lực của Pakistan đã tiến hành một cuộc không kích trả đũa và bắn hạ một máy bay Ấn Độ trong các hoạt động kéo dài trong 2 ngày.

Hai nước láng giềng đã đối đầu nhau trong 3 cuộc chiến tranh vào năm 1948, 1965 và 1971, đã đụng độ vô số lần kể từ khi giành được độc lập, chủ yếu vì khu vực Kashmir mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền. Cả hai đều có vũ khí hạt nhân vào những năm 1990 và Kashmir được coi là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất trên thế giới.

Các chuyên gia quân sự cho biết sẽ không bên nào cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi bị dồn vào chân tường, nhưng ngay cả một cuộc xung đột hạn chế cũng sẽ có nguy cơ leo thang cao.

Họ cho rằng một cuộc xung đột như vậy có khả năng liên quan đến máy bay, tên lửa hoặc máy bay không người lái, trong đó Ấn Độ và Pakistan được coi là ngang tài ngang sức, mặc dù nguồn lực lớn hơn nhiều của Ấn Độ sẽ phát huy tác dụng trong thời gian dài hơn.

Frank O'Donnell, thành viên không thường trú tại Chương trình Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu tại Washington, cho biết: “Những người ra quyết định ở cả hai quốc gia hiện có mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn đối với việc khởi xướng và leo thang xung đột so với trước năm 2019” vì khi đó họ đã xoay xở để xung đột mà không cần sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Nhưng nếu không có nhận thức chung rõ ràng về các hành động cụ thể, điều đó có thể gây ra sự leo thang vô tình”, ông nói thêm.

Cả hai bên đều đã mua sắm vũ khí quân sự mới kể từ năm 2019, mở ra nhiều lựa chọn tấn công thông thường mới.

“Mỗi bên sẽ nghĩ họ đang ở vị thế tốt hơn lần trước”, Muhammad Faisal, một nhà nghiên cứu an ninh Nam Á tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết. “Chỉ khi chúng ta chứng kiến chiến đấu thực sự, chúng ta mới có thể tìm ra”.

Đặc biệt, Ấn Độ tin họ đã ở thế bất lợi vào năm 2019 vì phải chủ yếu dựa vào các máy bay phản lực cũ của Nga. Kể từ đó, họ đã đưa vào sử dụng 36 máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất, một loại máy bay hàng đầu của phương Tây, và đang đặt hàng thêm cho hải quân.

Để đối phó, Pakistan đã mua một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Trung Quốc, J-10, tương đương với Rafale, kể từ năm 2022. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, Pakistan có ít nhất 20 máy bay loại này.

Các máy bay này có khả năng chiến đấu tiên tiến, với Rafale được trang bị tên lửa không đối không Meteor hoạt động ngoài tầm nhìn. Theo một quan chức an ninh Pakistan, J-10 được trang bị tên lửa PL-15 tương đương.

Để lấp đầy những lỗ hổng trong hệ thống phòng không trong cuộc xung đột năm 2019, Ấn Độ đã có hệ thống tên lửa phòng không di động S-400 của Nga. Pakistan đã có HQ-9 từ Trung Quốc, dựa trên S-300 của Nga, nhưng thấp hơn một bậc.

Anil Golani, cựu phó thống chế Không quân Ấn Độ và là tổng giám đốc của Trung tâm nghiên cứu sức mạnh không quân có trụ sở tại Delhi, cho biết: “Chắc chắn ở một số khía cạnh, chúng ta tốt hơn so với năm 2019”.

“Có rất nhiều kêu gọi hành động ở đất nước này nhưng theo đánh giá cá nhân của tôi, cả Ấn Độ và Pakistan đều không muốn xảy ra xung đột toàn diện”, ông nói thêm.

Giữa lúc căng thẳng, Pakistan đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo đất đối đất có tầm bắn 450 km, chứng tỏ khả năng sẵn sàng “bảo vệ an ninh quốc gia trước mọi hành động xâm lược”. Pakistan cũng có một loạt tên lửa tầm ngắn và tầm trung, có khả năng bắn từ mặt đất, trên biển và trên không.

Không có bình luận ngay lập tức từ Ấn Độ về cuộc thử nghiệm. Năng lực của Ấn Độ bao gồm tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos có tầm bắn khoảng 300 km cũng như loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni.

Cuộc giao tranh năm 2019 gần như mất kiểm soát, với nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa bị đe dọa trước khi Mỹ can thiệp để xoa dịu tình hình.

Kaiser Tufail, cựu phi công chiến đấu của không quân Pakistan, cho biết Ấn Độ đã không thể thiết lập được sự răn đe vào năm 2019, vì vậy lần này họ sẽ nhắm đến một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn, kéo theo nhiều rủi ro hơn.

“Nếu bạn vượt ra ngoài những gì chúng ta đã thấy vào năm 2019, thì điều đó rất rủi ro”, Tufail nói. “Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đấu đá nhau là cực kỳ nguy hiểm”.

TD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-do-va-pakistan-nang-cap-quan-doi-rui-ro-gia-tang-247752.htm
Zalo