Ấn Độ tiếp tục khởi xướng điều tra chống trợ cấp với calcium carbonate filler masterbatch Việt Nam

Vừa qua, Ấn Độ đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 27/12/2024, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống trợ cấp (CTC) đối với mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ việc được khởi xướng trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất nội địa Ấn Độ, đại diện là Hiệp hội các nhà sản xuất hợp chất và masterbatch Ấn Độ và Hiệp hội các nhà sản xuất Masterbatch Ấn Độ.

Trước đó, ngày 30/9/2024, DGTR đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch nêu trên có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Ấn Độ tiếp tục khởi xướng điều tra chống trợ cấp với mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam

Ấn Độ tiếp tục khởi xướng điều tra chống trợ cấp với mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam

Liên quan đến vụ việc Ấn Độ điều tra chống trợ cấp lần này, sản phẩm bị điều tra là Calcium Carbonate Filler Masterbatch thuộc mã HS: 38249900 (mã HS chỉ có tính chất tham khảo, xin xem mô tả chi tiết sản phẩm trong thông báo gửi kèm theo dưới đây).

Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào Ấn Độ có nguồn gốc hoặc xuất khẩu từ Việt Nam với khối lượng đáng kể, được hưởng trợ cấp có thể đối kháng, và là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Ấn Độ.

Các chương trình bị điều tra thuộc 06 nhóm: (i) chương trình miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn/hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu; (ii) chương trình cho vay ưu đãi/đảm bảo vay; (iii) chương trình xúc tiến xuất khẩu, (iv) chương trình cung cấp nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào thấp hơn giá thông thường (iv) miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; (v) chương trình hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài; (vi) chương trình phát triển ngành nhựa; bao gồm:

(1) Cung cấp đá vôi thấp hơn giá thông thường

(2) Kế hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam

(3) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

(4) Miễn/hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu

(5) Cho vay ưu đãi cho các nhà đầu tư

(6) Xúc tiến xuất khẩu

(7) Cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu

(8) Tín dụng đầu tư

(9) Hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp vừa và nhỏ

(10) Tín dụng xuất khẩu cấp bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam

(11) Bảo đảm tài chính bởi Vietinbank

(12) Cung cấp Khí/điện/than thấp hơn giá thông thường

(13) Chính phủ cấp đất thấp hơn giá thông thường và miễn hoặc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Thời kỳ điều tra: (i) trợ cấp: 01/4/2023-30/6/2024; (ii) thiệt hại: 01/4/2020-31/3/2021; 01/4/2021-31/3/2022; 01/4/2022-31/3/2023 và thời kỳ điều tra trợ cấp.

Nguyên đơn đề xuất các mã phân loại sản phẩm (PCN) giống như các mã PCN đang áp dụng trong vụ việc điều tra CBPG với cùng sản phẩm nêu trên. DGTR khuyến nghị các bên quan tâm gửi bình luận, lập luận, đề xuất PCN trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra. Mã PCN là cơ sở phân loại thành các nhóm sản phẩm trong quá trình tính toán biên độ phá giá.

DGTR yêu cầu các bên quan tâm gửi thông tin bình luận, các bản trả lời câu hỏi điều tra theo đúng thể thức, định dạng và thời hạn quy định về địa chỉ email: adg16-dgtr@gov.in; adv11-dgtr@gov.in; jd11-dgtr@gov.in; dir14-dgtr@gov.in trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày DGTR gửi thông báo khởi xướng (tức kể từ ngày 27 tháng 12 năm 2024) trừ trường hợp được gia hạn. Trong trường hợp không nhận được thông tin, DGTR sẽ sử dụng dữ kiện có sẵn để điều tra.

Để kịp thời ứng phó vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra nghiên cứu kĩ thông báo khởi xướng, đơn kiện bản công khai, gửi ý kiến bình luận về vụ việc (nếu có); Bố trí nguồn lực để xử lý vụ việc (cân nhắc thuê luật sư tư vấn hỗ trợ nếu cần thiết); Nghiên cứu, rà soát sản phẩm và gửi bình luận đối với mã PCN sử dụng trong quá trình điều tra, bình luận về các đề xuất PCN của nguyên đơn (nếu có).

Bên cạnh đó, hợp tác đầy đủ và toàn diện với cơ quan điều tra trong suốt quá trình vụ việc bao gồm: gửi bản trả lời bản câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất/xuất khẩu đúng hạn và thể thức yêu cầu, tham gia quá trình thẩm tra tại chỗ, phiên điều trần, gửi bình luận về vụ việc… để tránh bị kết luận không hợp tác (thường dẫn tới mức thuế rất cao); đề nghị cơ quan điều tra cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến doanh nghiệp (bản câu hỏi điều tra, các kết luận điều tra, phương pháp tính biên độ trợ cấp).

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại và các cơ quan Chính phủ để trả lời các Bản câu hỏi điều tra chống trợ cấp và để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/an-do-tiep-tuc-khoi-xuong-dieu-tra-chong-tro-cap-voi-calcium-carbonate-filler-masterbatch-viet-nam-131866.htm
Zalo