Ấn Độ tăng cường mua hệ thống S-400 của Nga sau cuộc không chiến với Pakistan

Ấn Độ đã chính thức đề nghị Nga cung cấp thêm các hệ thống phòng không S-400 Triumf, một động thái được cho là xuất phát từ thành công của vũ khí này trong việc đối phó với các cuộc tấn công từ Pakistan trong cuộc xung đột ngắn nhưng căng thẳng đầu tháng 5/2025.

S-400: Vũ khí chiến lược mới của Ấn Độ. Ảnh: TASS

S-400: Vũ khí chiến lược mới của Ấn Độ. Ảnh: TASS

Sau những căng thẳng leo thang với Pakistan hồi đầu tháng 5/2025, Ấn Độ đã chính thức gửi yêu cầu tới Nga về việc cung cấp thêm các hệ thống phòng không S-400 Triumf. Theo trang tin quân sự Bulgarianmilitary.com ngày 14/5, động thái này diễn ra sau khi New Delhi tuyên bố hệ thống S-400 hiện có đã đóng vai trò then chốt trong việc đẩy lùi hiệu quả các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa của đối phương trong cuộc xung đột ngắn nhưng khốc liệt vừa qua.

Cuộc đối đầu quân sự bất ngờ trên bắt nguồn từ một vụ tấn công thảm sát tại Kashmir vào ngày 22/4, khiến 26 dân thường thiệt mạng. Phản ứng nhanh chóng, Ấn Độ cáo buộc các nhóm vũ trang được Pakistan hậu thuẫn và triển khai Chiến dịch Sindoor từ ngày 7/5, tiến hành một loạt các cuộc tấn công chính xác vào các trại huấn luyện khủng bố trên lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Đáp trả các hành động này, Pakistan đã tung ra một loạt các cuộc tấn công bằng UAV, tên lửa và thậm chí cả máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) nhắm vào các căn cứ quân sự và các thành phố ở khu vực Tây Bắc Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, các quan chức Ấn Độ khẳng định hệ thống S-400, được nước này gọi với cái tên "Sudarshan Chakra", đã đánh chặn thành công các mối đe dọa trên không, bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng như căn cứ không quân Adampur ở bang Punjab.

Đến ngày 10/5, một lệnh ngừng bắn đã được thiết lập, tạm dừng các hành động thù địch, nhưng sự kiện này đã làm nổi bật vai trò và hiệu suất chiến đấu của S-400, thúc đẩy Ấn Độ củng cố thêm kho vũ khí phòng không của mình.

Hệ thống S-400 Triumf, do tập đoàn Almaz-Antey của Nga phát triển, được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới. Với khả năng đối phó đa dạng các mối đe dọa trên không, S-400 tích hợp nhiều thành phần phức tạp để thực hiện các chức năng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu.

"Trái tim" của S-400 là 91N6E Big Bird, một radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) có khả năng phát hiện đồng thời tới 300 mục tiêu trong phạm vi lên tới 600 km. Radar này cung cấp dữ liệu quan trọng cho trung tâm chỉ huy 55K6E, nơi điều phối các hoạt động tác chiến thông qua radar điều khiển hỏa lực 92N6E Grave Stone. Bệ phóng của hệ thống, thường là loại 5P85TE2, có khả năng triển khai nhiều loại tên lửa khác nhau, được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa cụ thể. Tên lửa tầm xa 40N6E có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 400 km và độ cao 185 km, lý tưởng cho việc đối phó với máy bay bay cao hoặc tên lửa đạn đạo.

Tên lửa 48N6E3 với tầm bắn 250 km được thiết kế để tiêu diệt máy bay và tên lửa hành trình, trong khi các tên lửa 9M96E và 9M96E2 với tầm bắn lần lượt là 120 km và 40 km đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại các mục tiêu bay thấp và cơ động như UAV. Mỗi bệ phóng có thể mang theo tối đa 4 tên lửa, và một tổ hợp S-400 hoàn chỉnh có khả năng tấn công đồng thời 36 mục tiêu. Tính cơ động cao, với thời gian triển khai chỉ khoảng 5 phút, cho phép hệ thống nhanh chóng tái triển khai trong các tình huống xung đột phức tạp.

Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD vào năm 2018 để mua 5 tổ hợp S-400. Đến năm 2025, 3 tổ hợp đã được bàn giao, trong đó tổ hợp đầu tiên được triển khai tại Punjab vào năm 2021.

Trong Chiến dịch Sindoor, S-400 đã đánh chặn một loạt UAV và tên lửa của Pakistan được phóng đi trong hai ngày 7 và 8/5, nhắm vào 15 thành phố của Ấn Độ, bao gồm các trung tâm quân sự quan trọng như Adampur và các khu vực dân sự. Tướng Không quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Sanjeev Kapoor nhận định: "Pakistan đã cố gắng tấn công 15 thành phố của chúng tôi, những nơi được bảo vệ bởi S-400, hệ thống được mua vào năm 2018 và bàn giao năm 2021. Nó có khả năng phát hiện máy bay, tên lửa, UAV và có thể triển khai hoàn toàn trong vòng vài phút với tầm bắn 400 km".

Các quan chức Ấn Độ khẳng định hệ thống này đã vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không, ngăn chặn thiệt hại cho các tài sản chiến lược. Tổng Cục trưởng Tác chiến Không quân Ấn Độ AK Bharti nhấn mạnh vai trò của mạng lưới phòng không tích hợp, lưu ý rằng: "Các hệ thống phòng không tích hợp của chúng tôi đứng vững như một bức tường và Pakistan không thể xuyên thủng. Cho dù đó là UAV của Thổ Nhĩ Kỳ hay bất kỳ thứ gì khác, chúng đều thất bại trước công nghệ của Ấn Độ".

Các radar của S-400 không chỉ cung cấp dữ liệu mục tiêu theo thời gian thực cho tên lửa của chính nó mà còn có thể hướng dẫn các máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ như Su-30MKI và Rafale đánh chặn máy bay hoặc UAV của Pakistan. Khả năng hoạt động như một phần của mạng lưới phòng không, nơi các cảm biến và hệ thống vũ khí phối hợp chặt chẽ, đã tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của Ấn Độ.

Tuy nhiên, Pakistan đã bác bỏ các tuyên bố của Ấn Độ. Islamabad khẳng định rằng máy bay chiến đấu JF-17, được trang bị tên lửa PL-15 do Trung Quốc sản xuất, đã phá hủy một tổ hợp S-400 tại Adampur. Các nguồn tin quân sự Pakistan thậm chí còn công bố một hình ảnh vệ tinh cho thấy một hệ thống S-400 bị hư hại, nhưng các quan chức Ấn Độ đã phủ nhận điều này, gọi đó là tuyên truyền.

Chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Narendra Modi tới căn cứ không quân Adampur vào ngày 12/5, nơi ông chụp ảnh trước một hệ thống S-400 còn nguyên vẹn, được xem là một lời phản bác trực tiếp đối với tuyên bố của phía Pakistan. Tờ Ấn Độ Ngày nay (India Today) đưa tin: "Hình ảnh nổi bật trong chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Modi tới căn cứ không quân ở Punjab là hệ thống phòng không S-400 còn nguyên vẹn ở phía sau".

Trong bối cảnh rộng lớn hơn, S-400 đã chứng minh là một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các quốc gia tìm kiếm khả năng phòng không mạnh mẽ. Nga lần đầu tiên triển khai hệ thống này vào năm 2007 và việc xuất khẩu sang các quốc gia như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã thu hút sự quan tâm lớn trên toàn cầu. Không giống như hệ thống Patriot PAC-3 của Mỹ, vốn tập trung vào phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, khả năng đa nhiệm của S-400 cho phép hệ thống này đối phó với nhiều loại mối đe dọa khác nhau, từ máy bay tàng hình đến UAV bay thấp. So với hệ thống HQ-9 của Trung Quốc, hệ thống mà Pakistan cũng đang vận hành, S-400 cung cấp phạm vi hoạt động và khả năng theo dõi mục tiêu vượt trội. Tuy nhiên, hiệu quả đối với các công nghệ mới nổi như tên lửa siêu vượt âm hoặc các cuộc tấn công "bầy đàn" UAV vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ trong các dữ liệu công khai.

Nhưng một thỏa thuận S-400 mới của Ấn Độ có khả năng định hình lại cán cân quân sự ở Nam Á. Hệ thống phòng không của Ấn Độ, vốn đã mạnh mẽ với các hệ thống như S-400, BrahMos và Akash, sẽ trở nên kiên cường hơn nữa trước lực lượng không quân đang dần lạc hậu của Pakistan. Hệ thống HQ-9 của Pakistan, với tầm bắn 125 km, khó có thể so sánh với tầm bắn và tính linh hoạt của S-400. Trên phạm vi toàn cầu, vai trò của S-400 trong Chiến dịch Sindoor làm nổi bật tầm quan trọng ngày càng tăng của phòng không tích hợp trong chiến tranh hiện đại. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cũng đã theo đuổi các hệ thống tương tự để đối phó với các mối đe dọa từ UAV, tên lửa và máy bay tàng hình.

Dù vậy, vẫn còn một số thách thức với Ấn Độ. Việc tích hợp S-400 với kho vũ khí đa dạng của Ấn Độ, bao gồm máy bay phản lực Rafale của Pháp và radar do Mỹ cung cấp, đặt ra những rào cản kỹ thuật do tính chất độc quyền của các hệ thống Nga. Các mối đe dọa mới nổi, như tên lửa siêu vượt âm hoặc các cuộc tấn công "bầy đàn" UAV có thể thử thách giới hạn của S-400. Quá trình hiện đại hóa quân sự rộng lớn hơn của Ấn Độ, bao gồm máy bay chiến đấu Rafale, tên lửa BrahMos và UAV nội địa, nhằm giải quyết những khoảng trống này, nhưng vẫn còn những điểm yếu cần khắc phục. Trung tướng Rajiv Ghai, Tổng Cục trưởng Tác chiến Lục quân Ấn Độ tiết lộ: "Hệ thống phòng không đa lớp đã hoạt động trong các cuộc giao tranh trên không bắt đầu vào ngày 8/5. Các lực lượng vẫn đang trong tình trạng báo động cao".

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/an-do-tang-cuong-mua-he-thong-s400-cua-nga-sau-cuoc-khong-chien-voi-pakistan-20250515113733309.htm
Zalo