Ấn Độ sẵn sàng 'thay' Trung Quốc trở thành 'trung tâm sản xuất chủ chốt' của Apple
Trong bối cảnh các mức thuế cao mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh vào hàng hóa Trung Quốc làm gia tăng chi phí sản xuất, việc Apple đẩy mạnh dịch chuyển sản xuất ra khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới ngày càng trở nên cấp thiết.

Ấn Độ đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng của Apple. (Nguồn: Getty Images)
Theo các báo cáo truyền thông tuần trước, Foxconn - nhà cung cấp chủ chốt của Apple - có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng iPhone tại Ấn Độ trong năm nay lên tới 30 triệu chiếc.
Đất nước Nam Á đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng của Apple, nằm trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của công ty nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, sự dịch chuyển này càng trở nên cấp bách hơn sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo áp dụng các mức thuế quan mạnh tay đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ, nâng tổng mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ nền kinh tế thứ hai thế giới lên tới 104%.
Tăng hiện diện
Năm 2023, Apple khai trương cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ.
Năm nay, công ty này dự kiến mở thêm 4 cửa hàng nữa tại thành phố Bengaluru, Pune, Delhi và Mumbai.
Wistron, nhà cung cấp trước đây của Apple có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), bắt đầu lắp ráp điện thoại tại quốc gia Nam Á vào năm 2017. Không lâu sau đó, nhà sản xuất Foxconn cũng tới Ấn Độ.
Tính đến cuối năm tài chính 2023, Apple đã có 14 nhà cung cấp tại Ấn Độ, một nửa trong số đó đặt tại bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ.
IPhone hiện chỉ chiếm khoảng một phần tư thị trường điện thoại thông minh của Ấn Độ, chủ yếu là do giá thành cao, bao gồm cả chi phí nhập khẩu.
Các nhà bán lẻ hy vọng, giá iPhone sẽ giảm nếu có nhiều nhà sản xuất mở thêm nhà máy tại quốc gia này.
Ông Deven Shukla, chủ cửa hàng Maxtech cho biết, lợi nhuận từ các sản phẩm Apple của cửa hàng này chỉ khoảng 1 đến 2%. “Nếu sản xuất nhiều hơn tại Ấn Độ, lợi nhuận có thể tăng lên 5 đến 7%, tương đương với các thương hiệu khác mà tôi đang kinh doanh. Điều đó sẽ rất tốt cho công việc làm ăn”, ông Shuka cho hay.

Các nhà phân tích ước tính, hiện có khoảng 15% số iPhone được sản xuất tại Ấn Độ, dự kiến, tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2027. (Nguồn: Economic Times)
Dữ liệu cho thấy, Apple đã giảm dần sản lượng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19, đồng thời đang mở rộng sự hiện diện tại quốc gia Nam Á.
Các nhà phân tích ước tính, hiện nay có khoảng 15% số iPhone được sản xuất tại Ấn Độ và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2027.
Điều này đồng nghĩa, cứ 4 chiếc iPhone trên toàn cầu thì có thể có 1 chiếc được sản xuất tại nước này trong vòng hai năm tới.
Lợi thế lớn
Khi Washington áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Bắc Kinh làm chi phí bị đẩy lên cao, các nhà phân tích cho rằng, New Delhi có thể tận dụng cơ hội này để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà cung cấp của Apple.
Ông Pankaj Mohindroo, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và cung cấp điện thoại di động và linh kiện điện tử Ấn Độ (ICEA) nhận định, việc giảm đáng kể thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp đã làm cho quốc gia Nam Á trở nên hấp dẫn hơn.
“Lực lượng lao động dồi dào và sẵn sàng làm việc trong các nhà máy quy mô lớn là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của Ấn Độ, giúp nước này thu hút các nhà cung cấp”, ông Mohindroo cho biết thêm.
Báo cáo của The Economic Times ước tính, việc Apple chuyển dịch sản xuất có khả năng tạo ra 600.000 việc làm mới cho nước này vào thời điểm cuối năm nay.
New Delhi đã đưa ra các chính sách ưu đãi, trong khi các bang như Tamil Nadu, Karnataka và Gujarat cũng đang cạnh tranh để thu hút các nhà máy của Apple bằng cách hỗ trợ vốn và miễn thuế điện.
Ông Mohindroo cho biết thêm, việc miễn thuế chuyển nhượng khi mua đất cũng là một lợi thế lớn và một số bang còn đưa ra các ưu đãi về việc làm.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa sự chuyển hướng của Apple, các nhà phân tích cho rằng, Ấn Độ cần đầu tư mạnh mẽ, ước tính lên đến hàng tỷ USD để xây dựng một hệ sinh thái sản xuất và cung ứng linh kiện nội địa.