Ấn Độ - Pakistan leo thang xung đột

Cuộc không kích rạng sáng 7-5 của Ấn Độ vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á.

Theo CNN, Ấn Độ đã thực hiện các cuộc tấn công sâu nhất vào lãnh thổ Pakistan kể từ sau cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan bùng nổ lần thứ 3 năm 1971. Cuộc tấn công có tên gọi “Chiến dịch Sindoor”, nhằm đáp trả vụ tấn công đẫm máu hôm 22-4 tại thị trấn nghỉ dưỡng Pahalgam (ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát), khiến 26 người thiệt mạng, chủ yếu là công dân Ấn Độ.

Theo The Guardian, Chính phủ Ấn Độ khẳng định trong một tuyên bố rằng họ đã nhắm vào 9 mục tiêu phi quân sự, đồng thời nhấn mạnh hành động này là “tập trung, có tính toán và không mang tính leo thang”. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết mục tiêu tấn công nhằm vào “cơ sở hạ tầng khủng bố”, nơi được cho là lên kế hoạch và chỉ đạo vụ tấn công ở Pahalgam. Nhưng phía Pakistan cho biết các cuộc tấn công đã khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em, và 35 người khác bị thương.

Lực lượng an ninh Pakistan bảo vệ con đường dẫn đến Nhà thờ Hồi giáo Bilal ở Muzaffarabad, thủ phủ của Kashmir phần do Pakistan quản lý, sau khi nơi này bị không kích.

Lực lượng an ninh Pakistan bảo vệ con đường dẫn đến Nhà thờ Hồi giáo Bilal ở Muzaffarabad, thủ phủ của Kashmir phần do Pakistan quản lý, sau khi nơi này bị không kích.

Ngay sau vụ tấn công của Ấn Độ, các nguồn tin cho hay, quân đội Pakistan đã pháo kích dữ dội vào khu vực Karnah thuộc huyện Kupwara, bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Phía quân đội Ấn Độ cũng nã pháo đáp trả. Hiện người dân khu vực Karnah đã phải sơ tán xuống các hầm ngầm trú ẩn để bảo đảm an toàn.

CNN dẫn nguồn tin an ninh Pakistan giấu tên ngày 7-5 cho biết, các đơn vị phòng không nước này đã bắn rơi 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ, trong đó có 3 chiếc Rafael, 1 chiếc MiG-29 và 1 chiếc SU-30. Ngoài ra, 1 máy bay không người lái Heron của Ấn Độ cũng bị vô hiệu hóa. Một quan chức trong Chính phủ Pakistan sau đó đã xác nhận với CNN về các số liệu trên nhưng không nêu rõ những máy bay quân sự đã bị bắn rơi ở đâu hay bằng cách thức nào. Trong khi đó, Reuters dẫn lời các quan chức địa phương tại vùng Kashmir cho biết, 3 tiêm kích đã rơi xuống địa phận Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Trước đó, một máy bay cũng đã được phát hiện rơi xuống khuôn viên trường học tại ngoại ô Kashmir. The Hindu cũng dẫn lời một quan chức Chính phủ Ấn Độ nói ít nhất 3 máy bay đã rơi xuống những khu vực tại Kashmir. Trên mạng xã hội X cùng ngày, Chính phủ Pakistan cũng cho biết không quân nước này đã bắn hạ 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ. Tuy nhiên, phía Ấn Độ chưa đưa ra thông báo chính thức nào về thông tin mà Pakistan đề cập.

Chính phủ Pakistan gọi cuộc tấn công của Ấn Độ là hành động “gây hấn vô cớ” và cáo buộc Ấn Độ đã tấn công 5 địa điểm dân sự trong lãnh thổ Pakistan. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng. Cùng ngày 7-5, Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu Đại biện Ấn Độ tại Islamabad để trao công hàm kịch liệt phản đối những cuộc tấn công vào nhiều vị trí ở Pakistan cũng như khu vực Kashmir phần do Islamabad kiểm soát.

Theo CNN, cùng ngày 7-5, vài giờ sau khi nước này tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào các mục tiêu ở Pakistan, Ấn Độ đã tiến hành các cuộc diễn tập an ninh phòng thủ dân sự trên toàn quốc. Các cuộc diễn tập đã được lên kế hoạch trước các cuộc tấn công vào lãnh thổ Pakistan. Chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh thực hiện các cuộc diễn tập này ở tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ liên bang-động thái được cho là chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ ở quốc gia Nam Á này. Theo các tuyên bố chính thức được đăng trên mạng xã hội X, 244 địa điểm trên cả nước tham gia cuộc diễn tập, bao gồm việc hú còi báo động khẩn cấp, thực hiện diễn tập quy trình sơ tán và trong tình huống mất điện.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan chủ yếu xoay quanh vấn đề Kashmir, một khu vực trở thành điểm nóng ngay từ những ngày đầu hai quốc gia này giành độc lập từ Anh vào năm 1947. Kể từ đó, hai bên đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và xung đột liên quan đến vùng lãnh thổ tranh chấp này, nhưng vấn đề Kashmir vẫn chưa thể giải quyết. Dù hai bên vẫn duy trì kênh đối thoại và có những thời điểm căng thẳng hạ nhiệt, nhưng thế đối đầu chưa bao giờ thực sự chấm dứt và khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột. Vòng xoáy bạo lực, tấn công trả đũa lẫn nhau khiến khu vực Kashmir trở thành vùng đất nguy hiểm nhất ở khu vực Nam Á.

Vụ tấn công ngày 22-4 vừa qua được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào dân thường tại Kashmir trong hơn hai thập kỷ và đang trở thành chất xúc tác nguy hiểm cho bạo lực tái diễn tại đây. Cho dù New Delhi chưa chính thức chỉ đích danh tổ chức nào đứng đằng sau vụ việc, nhưng cảnh sát Ấn Độ cáo buộc hai trong số các tay súng là công dân Pakistan và cho rằng Islamabad bảo trợ cho các nhóm vũ trang dù Pakistan kiên quyết bác bỏ.

Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi “kiềm chế tối đa” từ cả hai phía, đồng thời kêu gọi đối thoại và giải quyết thông qua ngoại giao. Mỹ, Liên minh châu Âu cùng nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ quan ngại và kêu gọi ngăn chặn xung đột lan rộng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi hai nước Nam Á kiềm chế và đặt hòa bình, ổn định lên hàng đầu, đồng thời lấy làm tiếc về những sự việc đang diễn ra hiện nay. Theo AFP, ngày 7-5, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đóng "vai trò xây dựng" trong việc giảm bớt căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ, sau khi xảy ra leo thang nghiêm trọng giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân này.

Tình hình leo thang xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan đã gây sự xáo trộn cho hệ thống hàng không quốc tế, khi nhiều hãng hàng không tại châu Á phải hủy hoặc điều chỉnh lộ trình bay đến châu Âu và Nam Á.

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-do-pakistan-leo-thang-xung-dot-a420375.html
Zalo