Ấn Độ, Pakistan hứng chịu nắng nóng thử thách giới hạn sinh tồn

Đài CNN cho biết, với hàng trăm triệu người dân sống tại Ấn Độ và Pakistan, đợt nắng nóng mùa hè đến sớm là cơn ác mộng đáng sợ thử thách giới hạn sinh tồn, gây sức ép lớn lên nguồn cung năng lượng, hoạt động trồng trọt lẫn sinh kế.

Thông thường 2 quốc gia Nam Á này đều hứng chịu nắng nóng trong tháng 5 đến tháng 6, nhưng năm nay nắng nóng đến sớm hơn bình thường đồng thời dự kiến kéo dài hơn. Tuần qua họ đều ghi nhận mức nhiệt vô cùng nguy hiểm.

Nắng nóng bao trùm Ấn Độ, Pakistan - Ảnh: Debarchan Chatterjee/NurPhoto/Getty Images

Nắng nóng bao trùm Ấn Độ, Pakistan - Ảnh: Debarchan Chatterjee/NurPhoto/Getty Images

Theo cơ quan khí tượng Pakistan, một số vùng trên địa bàn đất nước trải qua đợt nắng nóng cao hơn bình thường đến 8 độ C từ ngày 14 đến 18.4. Nhiệt độ ở tỉnh Balochistan phía tây nam có thể lên tới 49 độ C - tương đương Thung lũng chết (nơi khô nóng nhất Bắc Mỹ).

Cư dân thành phố Dera Murad Jamali Ayoub Khosa cho biết đợt nắng nóng ập đến với cường độ khiến nhiều người bất ngờ, đem lại thách thức nghiêm trọng. Một trong số thách thức chính là tình trạng mất điện có thể kéo dài 16 tiếng mỗi ngày, làm gia tăng tác động của nắng nóng.

Láng giềng Ấn Độ cũng trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt sớm hơn bình thường. Cơ quan khí tượng nước này cảnh báo người dân tại một số vùng chuẩn bị ứng phó số ngày nắng nóng nhiều bất thường trong tháng 4. Nhiệt độ tối đa ghi nhận ở thủ đô New Delhi là vượt quá 40 độ C ít nhất 3 lần tháng qua - cao hơn mức trung bình 5 độ. Vài bang lân cận như Rajasthan đều không thoát khỏi cái nóng làm nhiều lao động ngã bệnh.

Thành viên nhóm Phụ nữ Thar Mahila Sansthan Anita Soni đánh giá năm nay nắng nóng nghiêm trọng hơn. Bà lo lắng về tác động của tình hình thời tiết cực đoan đến trẻ em lẫn phụ nữ trên địa bàn Rajasthan. Người lao động khi ra ngoài lập tức khát nước, cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, ốm.

Nông dân Balu Lal cho biết không ít người đã ngã bệnh vì làm việc dưới trời nắng: “Khi ra ngoài, tôi cảm thấy ai cũng sẽ bị bỏng rát do nắng nóng”. Ông lo lắng về công việc lẫn thu nhập của bản thân.

Thử thách giới hạn sinh tồn

Giới chuyên gia nhận định nhiệt độ tăng cao đang thử thách giới hạn của con người. Vài chục năm qua nắng nóng cực đoan cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người Ấn Độ và Pakistan. Một số chuyên gia từng cảnh báo đến năm 2050 Ấn Độ sẽ là một trong những nơi đầu tiên ghi nhận vượt quá giới hạn sinh tồn.

Phụ nữ mang thai cùng đứa trẻ trong bụng đặc biệt dễ gặp nguy hiểm. Theo cố vấn Liên đoàn Hộ sinh quốc tế Neha Mankani: “Có tình trạng sảy thai và sinh non không rõ nguyên nhân. Vào mùa hè, 80% trẻ sinh non gặp các vấn đề hô hấp do thời tiết. Chúng tôi còn ghi nhận tình trạng tăng huyết áp do mang thai gia tăng dẫn đến tiền sản giật, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thai phụ”.

Ấn Độ và Pakistan thuộc nhóm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng khí hậu. Hệ quả như mất an ninh lương thực, hạn hán lũ quét do băng tan sẽ rất thảm khốc, theo chuyên gia về biến đổi khí hậu Mehrunissa Malik. Các cộng đồng không có hệ thống làm mát, nhà cửa đầy đủ và phụ thuộc vào tự nhiên để kiếm sống cảm thấy tác động rõ nét hơn.

Bà nói thêm: “Với nông dân, thời tiết rất khó dự đoán. Thách thức chính là nhiệt độ tăng vào thời điểm cây trồng chưa đến giai đoạn thu hoạch. Cây trồng chín non, năng suất thấp hơn, cần nhiều nước hơn. Nếu cây còn non thì nắng nóng khiến chúng khó sống sót”.

Nông dân tỉnh Sindh Tofiq Pasha nhận thấy mùa hè đến sớm hơn trước rất nhiều. Sindh cùng Balochistan (từng ghi nhận mức nhiệt cao nhất thế giới vài năm gần đây) đã hứng chịu hạn hán vào mùa đông và mưa ít dẫn đến thiếu nước.

“Đây là vấn đề ảnh hưởng sinh kế của nông dân. Hoa không đậu quả mà rụng đi, quả không chín mà cũng rụng. Sâu bệnh tàn phá mùa màng, chu kỳ sinh trưởng bị đảo lộn. Hoạt động sản xuất lương thực bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng”, theo ông Pasha.

Nắng nóng còn làm tăng nhu cầu điện, gây nên tình trạng thiếu than đá trong khi hàng triệu người không có điện. Tàu hỏa phải tạm dừng hoạt động để tiết kiệm năng lượng, trường học đóng cửa làm gián đoạn việc học tập.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/an-do-pakistan-hung-chiu-nang-nong-thu-thach-gioi-han-sinh-ton-231618.html
Zalo