Ấn Độ khai mạc lễ hội tôn giáo lớn nhất hành tinh
Lễ hội Maha Kumbh Mela kéo dài trong 45 ngày dành cho người theo đạo Hindu trên khắp thế giới hôm nay (13/1) chính thức bắt khai mạc tại thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh. Lễ hội được tổ chức 12 năm một và kéo dài 45 ngày, được coi là hoạt động tôn giáo lớn nhất hành tinh.
Kumbh Mela là tên gọi chung một trong những lễ hội quan trọng nhất của các tín đồ Hindu giáo, được tổ chức luân phiên hàng năm tại 4 địa điểm linh thiêng bao gồm Prayagraj, Haridwar, Nashik và Ujjain. Thành phố Prayagraj là nơi hợp lưu của các con sông lớn của Ấn Độ và được cho nơi sinh sống của các vị thần trong đạo Hindu. Năm nay, Kumbh Mela có tên gọi là Maha Kumbh Mela, trong đó Maha có nghĩa là lớn nhất, được tổ chức 12 năm một lần.
Sự kiện năm nay diễn ra tại thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Lần gần nhất diễn ra năm 2013 đã thu hút hơn 120 triệu tín đồ đạo Hindu tham gia.
Trong những ngày diễn ra Lễ hội, các tín đồ Hindu giáo sẽ tham gia lễ Shahi Snan bằng việc ngâm mình trong dòng nước sông Hằng linh thiêng lạnh giá để gột rửa bản thân. Bên cạnh các hoạt động tôn giáo chính, những hoạt động từ thiện, hội chợ hay các chương trình giải trí cũng thu hút sự chú ý của hàng trăm triệu người tham gia Lễ hội. Người ta ước tính 400 triệu người theo đạo Hindu sẽ tham dự lễ hội năm nay.
Một khách hành hương tham gia Lễ hội Kumbh Mela chia sẻ: “Chúng tôi là những tín đồ cuồng nhiệt của thần Shiva, thuộc giáo phái Aghori. Chúng tôi thực sự thấy choáng ngợp trước tình cảm của người dân Prayagraj. Hy vọng trong thời gian diễn ra lễ hội, chúng tôi sẽ tiếp tục được đón nhận những tình cảm như vậy. Cảm ơn thần Shiva!”
Để phục vụ cho sự kiện tín ngưỡng, văn hóa khổng lồ này, chính quyền Ấn Độ đã dựng 150.000 lều bạt trên diện tích khoảng 4.000 hecta và được chia thành 25 khu vực với nhiều tiện ích khác nhau. Chi phí ước tính cho lễ hội lên đến hơn 700 triệu USD.
Ngành đường sắt Ấn Độ cũng đã dành riêng 98 đoàn tàu đặc biệt với hơn 3.300 chuyến trong thời gian diễn ra Lễ hội để vận chuyển các tín đồ đạo Hindu và du khách từ khắp nơi trên cả nước tới Prayagraj. Chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ cho người hành hương khi bố trí hơn 300 thợ lặn luôn sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố trên sông Hằng cùng với hệ thống bệnh viện “dã chiến” và hàng trăm phương tiện cứu thương túc trực 24/7.
Lễ hội Kumbh Mela đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2017 và được ghi nhận là hoạt động tôn giáo thu hút nhiều người tham gia nhất toàn cầu từ trước đến nay.