Ấn Độ gặp khó khi được các 'ông lớn' rủ phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6
Dù được các cường quốc mời chào phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, nhưng Ấn Độ không hề vui vẻ khi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Ấn Độ đang nổi lên như nhân tố quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng toàn cầu, với nhiều lời mời hợp tác từ các cường quốc quân sự hàng đầu trong các chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.
Có thông tin cho biết Đức và Tây Ban Nha đã đưa ra lời đề nghị Ấn Độ tham gia Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) của họ. Đây là dự án quan trọng của châu Âu nhằm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 tiên tiến.
Liên minh Anh - Nhật - Italia cũng mời Ấn Độ tham gia Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) - chương trình mong muốn cách mạng hóa chiến tranh trên không thông qua công nghệ tiên tiến và quan hệ đối tác chiến lược.
Những đề xuất này cho thấy vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ như đối tác chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, chúng cũng đặt New Delhi vào thế “ngã ba đường”.
Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào chương trình Máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến (AMCA) bản địa, dự án máy bay chiến đấu thế hệ 5.5 nhằm thúc đẩy khả năng tự chủ trong phát triển công nghệ hàng không của quốc gia này.
Việc liên kết với FCAS hoặc GCAP có thể mang lại cho Ấn Độ quyền tiếp cận với các công nghệ hiện đại trong phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, tuy nhiên điều này sẽ làm chuyển hướng sự tập trung và nguồn lực khỏi dự án AMCA - chương trình gắn chặt với tham vọng quốc phòng của Ấn Độ.
Theo các nguồn tin địa phương, Ấn Độ có ý định từ chối cả hai đề xuất và tập trung phát triển dự án AMCA của riêng mình.
Dự án AMCA của Ấn Độ
AMCA là nỗ lực táo bạo nhất của Ấn Độ cho đến nay, nhằm khẳng định vị thế là quốc gia dẫn đầu trong công nghệ quốc phòng. Được thiết kế bởi Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) và Không quân Ấn Độ (IAF), AMCA là dự án mang tầm chiến lược.
AMCA được thiết kế với công nghệ tàng hình, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và khả năng bay siêu thanh. Dự án này được xem là nền tảng chuyển tiếp giữa công nghệ thế hệ thứ 5 và thứ 6.
Triết lý thiết kế của AMCA ưu tiên khả năng tàng hình nhờ sử dụng vật liệu composite, kiểu dáng máy bay và lớp phủ hấp thụ radar. Máy bay cũng được thiết lập để tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), hỗ trợ khả năng ra quyết định của phi công trong dự kiến chiến đấu phức tạp.
Ấn Độ có kế hoạch triển khai các đơn vị AMCA hoạt động đầu tiên vào năm 2035 và mốc thời gian dự kiến tiếp tục phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 là vào năm 2040. Cách tiếp cận từng bước này nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ đối với cả khả năng tự lực và sự phát triển công nghệ.
Chương trình FCAS
Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) - sự hợp tác giữa Đức, Pháp và Tây Ban Nha - nhằm định nghĩa lại ưu thế trên không bằng cách phát triển hệ sinh thái các nền tảng có người lái và không người lái. Trọng tâm của FCAS là "Hệ thống vũ khí thế hệ tiếp theo", tích hợp máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 với máy bay không người lái tự động và khả năng tác chiến tập trung vào mạng.
Tầm nhìn của FCAS bao gồm các tính năng như tàng hình thích ứng, hệ thống vũ khí mô-đun và AI tiên tiến để hợp nhất dữ liệu thời gian thực. Ngoài ra, khả năng tương tác với các lực lượng NATO là lý do thuyết phục để Ấn Độ liên kết với các ưu tiên quốc phòng của châu Âu.
Đối với Ấn Độ, việc tham gia FCAS sẽ giúp quốc gia này tiếp cận được với chuyên môn hàng không vũ trụ của châu Âu và đặc biệt là những công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, chi phí cao của FCAS và sự ràng buộc trong sử dụng công nghệ sẽ buộc Ấn Độ phải xem xét kỹ thương vụ này.
Chương trình GCAP
Chương trình không quân chiến đấu toàn cầu (GCAP) do Anh, Nhật Bản và Italia dẫn đầu, đặt mục tiêu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 vào năm 2035. Không giống như FCAS, GCAP chú trọng hơn vào tính linh hoạt trong hoạt động và triển khai nhanh chóng, phản ánh các ưu tiên địa chính trị đa dạng của liên minh này.
Máy bay chiến đấu của GCAP dự kiến sẽ có chức năng quản lý nhiệm vụ hỗ trợ AI, tàng hình thế hệ tiếp theo và vũ khí năng lượng định hướng tiên tiến. Ngoài ra, GCAP nhấn mạnh vào việc tích hợp với các hệ thống không người lái, có khả năng định hình lại bản chất của không chiến.
Đối với Ấn Độ, trọng tâm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của GCAP mang lại sự liên kết với các đồng minh khu vực quan trọng và cơ hội hợp tác quốc phòng trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược.
Tuy nhiên, cũng như với FCAS, Ấn Độ sẽ cần phải cân bằng giữa GCAP và AMCA - một chương trình tượng trưng cho tham vọng tự lực quốc phòng quốc gia này.
Lựa chọn của Ấn Độ
Việc liên kết với FCAS hoặc GCAP có thể đẩy nhanh quá trình tiếp cận công nghệ thế hệ thứ 6 của Ấn Độ và nâng cao vị thế địa chính trị của nước này. Tuy nhiên, các quan hệ đối tác như vậy cũng có thể yêu cầu Ấn Độ chia sẻ dữ liệu nhạy cảm, thỏa hiệp khi đưa ra các quyết định quan trọng hoặc chuyển nguồn lực khỏi chương trình AMCA.
Trong khi đó, AMCA vẫn là cốt lõi trong chiến lược quốc phòng của Ấn Độ. Chương trình này không chỉ hiện đại hóa lực lượng không quân Ấn Độ mà còn đóng vai trò là bước đệm để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 hoàn toàn nội địa.
DRDO và IAF kiên định với cam kết của mình trong việc phát triển AMCA, coi đây là phương tiện thúc đẩy đổi mới trong nước và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Đồng thời, bối cảnh quốc phòng toàn cầu đang phát triển nhanh chóng. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Nga đang có những bước tiến đáng kể hướng tới các hệ thống thế hệ thứ 6, trong khi Ấn Độ có nguy cơ bị tụt hậu phía sau trong lĩnh vực quan trọng này.
Đến năm 2040, bối cảnh không chiến toàn cầu có thể sẽ do các nền tảng thế hệ thứ 6 thống trị. Quyết định của Ấn Độ thời điểm này sẽ quyết định đến vị thế, tiềm lực, cán cân sức mạnh toàn cầu trong tương lai.