Ấn Độ đang cân nhắc nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo non-basmati
Hôm thứ Tư (18/9), Bộ trưởng Thực phẩm Ấn Độ Sanjeev Chopra cho biết, nước này đang cân nhắc nới lỏng các hạn chế đối với việc xuất khẩu gạo non-basmati trong bối cảnh lượng hàng tồn kho dư thừa và diện tích gieo trồng lúa tăng mạnh.
Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu một số loại gạo trong hơn một năm nhằm kiềm chế giá trong nước. Bloomberg News đã đưa tin vào tháng 7 rằng, Ấn Độ đang có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với một số loại gạo để tránh tình trạng dư thừa trong nước trước khi vụ mùa mới đến vào tháng 10.
Hiện tại, gạo basmati chỉ có thể được xuất khẩu với giá cao hơn giá sàn, trong khi gạo parboiled phải chịu thuế xuất khẩu 20% và xuất khẩu gạo non-basmati và gạo tấm hoàn toàn bị cấm.
Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã có động thái bãi bỏ giá sàn đối với gạo basmati xuất khẩu.
Bất kỳ nỗ lực nào để nới lỏng các hạn chế có thể giúp hạ nhiệt giá gạo của châu Á, vốn đã đạt mức cao nhất trong hơn 15 năm vào tháng 1 và vẫn đang ở mức cao kỷ lục. Đó sẽ là tin tốt cho một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Ấn Độ.
“Chúng ta đều biết những gì đã xảy ra do hiện tượng El Nino vào năm ngoái. Nhưng bất chấp điều đó, chúng ta vẫn có thể kiểm soát tốt lạm phát lương thực… Mặc dù dự kiến có tác động tiêu cực của hiện tượng thời tiết, sản lượng lúa/gạo của chúng ta vẫn dồi dào vào năm ngoái. Hiện có nhu cầu cho phép xuất khẩu gạo non-basmati, khi các hạn chế đã được áp dụng vào năm ngoái để cân nhắc đến tác động xấu của El Nino", Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ tiêu dùng, thực phẩm và phân phối công cộng Pralhad Joshi cho biết.
"Chúng tôi hiện đang cân nhắc xem có nên cho phép xuất khẩu gạo như vậy hay không vì đất nước có đủ lượng ngũ cốc dự trữ và đủ để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia khác", ông cho biết thêm.
Vijay Setia, cựu chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ cho biết: "Bằng cách cấm xuất khẩu gạo, chính phủ đã kiểm soát thành công lạm phát gạo và giờ là lúc đánh giá lại chính sách trong bối cảnh nguồn cung gạo dồi dào đang thay đổi".
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp, diện tích gieo trồng lúa đã tăng 16% lên 39 triệu ha và diện tích gieo trồng đậu tăng 7% lên 12 triệu ha tính đến ngày 23/8.
Ramesh Chand, thành viên tổ chức tư vấn chính sách NITI Aayog cho biết, việc tăng diện tích gieo trồng lúa và lượng dự trữ đệm thoải mái đã làm giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu gạo.
"Tôi cảm thấy nguồn cung gạo không đáng lo ngại. Đây là tình hình thoải mái. Vì vậy, ngay cả khi lệnh cấm được gỡ bỏ vào thời điểm này, tôi nghĩ rằng số lượng dư thừa sẽ không rời khỏi đất nước", ông cho biết.
Trong năm tài chính 2024, Ấn Độ đã xuất khẩu tổng cộng 15,7 tấn gạo, bao gồm 2,36 tấn gạo non-basmati, 545.000 tấn gạo tấm và 7,57 tấn gạo parboiled, trong khi tổng cộng 21,8 tấn gạo đã được xuất khẩu trong năm tài chính 2023. Ấn Độ là nước sản xuất gạo lớn thứ hai sau Trung Quốc và là nước xuất khẩu lớn nhất trên toàn cầu, đóng góp ít nhất 40% vào thương mại toàn cầu trước khi lệnh hạn chế xuất khẩu được áp dụng.