Ấn Độ có bị ông Trump nhắm đến hay không?

Tự đặt cho mình biệt danh 'người đàn ông thuế quan', Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đe dọa nhắm đến hàng loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Đầu tháng qua, ông tuyên bố sẽ áp thuế 100% nếu các quốc gia BRICS thành lập loại tiền tệ mới hoặc thay thế hoàn toàn đồng USD bằng tiền tệ khác.

BRICS được thành lập năm 2009 chỉ với 4 thành viên ban đầu là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, đến nay, BRICS đã có 10 thành viên và 34 quốc gia chờ gia nhập, chiếm gần 30% GDP toàn cầu cùng khoảng 45% dân số thế giới.

Như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ cũng là mục tiêu của Tổng thống Trump. Lúc tranh cử ông từng gọi cường quốc Nam Á là “kẻ lợi dụng” quan hệ thương mại song phương. Chính trị gia này ở nhiệm kỳ đầu tiên không ngần ngại áp thuế nhôm, thép, đồng thời tước bỏ quy chế thương mại ưu đãi dành cho Ấn Độ.

Nhưng bất chấp tất cả, Tổng thống Trump vẫn có mối quan hệ cá nhân "nồng ấm" với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bốn năm trước, hai người nhiệt tình khen ngợi nhau khi chính trị gia người Mỹ sang thăm quê nhà Gujarat của nhà lãnh đạo cường quốc Nam Á. Theo Phó chủ tịch tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation Harsh Pant: “Các thành viên BRICS chủ chốt khác như Brazil, Nga, Trung Quốc mang tâm lý chống Mỹ, Ấn Độ không như vậy”.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Tổng thống Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Nhiệm kỳ đầu tích cực

Một số nhà quan sát cho biết Ấn Độ vẫn mang tâm lý ủng hộ Mỹ. Niềm tin Washington với Bắc Kinh tiếp tục xung đột thúc đẩy quan hệ Washington - New Delhi.

Ông Pant nhận định: “Nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump khá tích cực, mối quan hệ giữa ông với Thủ tướng Modi cũng có lợi cho Ấn Độ. Do đó, nhiệm kỳ thứ hai có thể sẽ không gây nên xáo trộn”.

Trước đó, hai nhà lãnh đạo rất tích cực bồi đắp quan hệ cá nhân. Thủ tướng Modi được chào đón tại một sự kiện mang tên “Howdy Modi” tại bang Texas vào tháng 9.2019. Sự ưu ái này được ông đáp lại bằng sự kiện “Namaste Trump” tại thành phố Ahmedabad tháng 2.2020.

Chuyên gia nghiên cứu Nam Á Michael Kugelman (Trung tâm Wilson) tin tưởng chính quyền Trump sắp tới gần gũi với Ấn Độ nhiều hơn chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tại, đặc biệt ở vấn đề như cuộc chiến Ukraine hay nhân quyền.

“Quan điểm về thế giới của ông Trump - Modi tương đồng hơn so với quan điểm của Tổng thống Biden hay Tổng thống Obama”, theo ông Kugelman.

Đặc biệt ở vấn đề cuộc chiến Ukraine, cả Tổng thống Trump lẫn Thủ tướng Modi đều không chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin; đồng thời kêu gọi tái thiết lập hòa bình. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh ngay khi nắm quyền, Thủ tướng Modi thì ngỏ ý đứng ra làm trung gian xúc tiến đàm phán.

Ngoại giao kiểu giao dịch

Tuy nhiên, quan hệ tốt đẹp chưa chắc giúp Ấn Độ thoát khỏi sự bất thường từ chính quyền Trump sắp tới. Ông Kugelman cảnh báo cường quốc Nam Á nhiều khả năng vẫn chịu mức thuế 10% mà Tổng thống Trump đe dọa áp dụng với tất cả quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.

Thương mại song phương đem lại lợi ích lớn cho Ấn Độ. Trong 2 năm qua, Mỹ nhập khẩu nhiều gấp đôi xuất khẩu. Ấn Độ đang trở thành trung tâm sản xuất ngày càng quan trọng của doanh nghiệp Mỹ như Apple.

Trong 10 tháng năm nay, Mỹ nhập khẩu 73 tỉ USD hàng Ấn Độ và xuất 35 tỉ USD hàng hóa ở chiều ngược lại.

Hai ông Kugelman và Pant thừa nhận tình trạng cán cân thương mại mất cân bằng sẽ đem lại khó khăn cho New Delhi. Đây không phải khó khăn không thể vượt qua mà thay vào đó thúc đẩy hai nước thảo luận tìm cách đạt thỏa thuận hay chính sách mang tính giao dịch hơn.

“Đây là cách làm của Tổng thống Trump làm việc. Ngay cả đối tác chiến lược như Ấn Độ cũng phải thay đổi theo”, ông Kugelman nhận định. Còn theo ông Pant: “Tổng thống Trump là người tạo ra thỏa thuận, luôn luôn xoay quanh việc cho và nhận. Vì vậy cách tiếp cận dài hạn trong hoạch định chính sách phải tùy cơ ứng biến”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/an-do-co-bi-ong-trump-nham-den-hay-khong-227424.html
Zalo