'An cư lạc nghiệp' cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo: Mong ước an cư

Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa có 174 xã, thị trấn/1.548 thôn, bản, khu phố thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi. Toàn vùng còn 20 xã đặc biệt khó khăn, 316 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS&MN, trong đó chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo có ý nghĩa nhân văn, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ xã Thanh Xuân (Như Xuân) trao đổi về nhu cầu hỗ trợ đất ở của một hộ dân thôn Lâm Chính.

Cán bộ xã Thanh Xuân (Như Xuân) trao đổi về nhu cầu hỗ trợ đất ở của một hộ dân thôn Lâm Chính.

Chúng tôi về xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, xã duy nhất của “vùng 6 Thanh” trên địa bàn thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù vậy, địa phương vẫn còn 5/6 thôn đặc biệt khó khăn, nhu cầu về nhà ở, đất ở của đồng bào, trong đó có đồng bào DTTS nghèo vẫn còn nhiều.

Có nhà, có đất ở bà con sẽ an cư

Theo chân Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân Lê Tuấn Anh và Chủ tịch UBND xã Trịnh Ngọc Tuấn, chúng tôi đến thăm một số hộ dân thuộc hộ DTTS nghèo trên địa bàn xã vẫn còn khó khăn về nhà ở, đất ở và mong muốn được Nhà nước hỗ trợ theo các chương trình, chính sách dân tộc. Trong ngôi nhà ven trục đường tỉnh 520D, chị Lương Thị Hương, sinh năm 1980, thôn Lâm Chính chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của mình. Gia đình chị Hương thuộc hộ nghèo, vợ chồng đã ly hôn và hiện nay chị đang nuôi một người con. Hai vợ chồng cùng thôn, từ khi ly hôn, chị Hương ra ở riêng, dựng tạm ngôi nhà và buôn bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ, làm thuê hàng ngày để trang trải cuộc sống của hai mẹ con. Mong mỏi đối với chị là có được mảnh đất ở hợp pháp, xây ngôi nhà kiên cố để an cư. Được thôn thông báo về việc rà soát, lập danh sách các hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở, đất ở trên địa bàn để được thụ hưởng chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho đồng bào DTTS, chị Hương mừng lắm.

Cách nhà chị Hương một đoạn không xa, gia đình anh Lương Văn Tuấn, sinh năm 1984, thôn Lâm Chính cũng thuộc hộ nghèo, gia đình có 4 khẩu. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Tuấn hiện nay cũng đã xuống cấp. Qua rà soát của thôn, gia đình anh Tuấn có nhu cầu được hỗ trợ về đất ở để được xây dựng nhà ở hợp pháp, kiên cố.

Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân Trịnh Ngọc Tuấn cho biết: Lâm Chính là thôn duy nhất của xã Thanh Xuân không thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thôn có 170 hộ, Ban Quản lý thôn rà soát và lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo DTTS có nhu cầu về đất ở có gia đình chị Lương Thị Hương và anh Lương Văn Tuấn. Xã Thanh Xuân có 645 hộ, khoảng 3.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm trên 90% dân số toàn xã. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15,7%, cận nghèo hơn 29,6% (năm 2023). Năm 2021, xã Thanh Xuân có quyết định ra khỏi xã đặc biệt khó khăn khu vực III, tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân khó khăn về nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Toàn xã còn 100 hộ nghèo, trong đó có 26 hộ thiếu đất ở; nhu cầu về nhà ở đảm bảo kiên cố của hộ nghèo, cận nghèo là 28 hộ. Trong đó, thực hiện theo Chỉ thị 22 ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025, xã Thanh Xuân dự kiến 12 hộ được hỗ trợ nhà ở, theo kế hoạch đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các hộ đủ điều kiện. Các hộ có nhu cầu về đất ở, xã đã lập danh sách, đồng thời rà soát, đánh giá lại các hộ có đủ điều kiện, có khả năng đối ứng, lựa chọn được vị trí đất phù hợp để mua, chuyển nhượng,... được hỗ trợ theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Hiện nay, diện tích đất công ích trên địa bàn xã không còn để quy hoạch đất ở, vì vậy địa phương không thể cấp đất ở cho hộ DTTS nghèo thiếu đất ở. Khi có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, địa phương tham mưu cho huyện, các ngành liên quan lập danh sách những hộ đủ điều kiện để được hỗ trợ kinh phí của Nhà nước để mua đất ở theo quy định.

Triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở cho bà con

Thực hiện hỗ trợ đất ở thuộc Dự án 1 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Chương trình 1719) qua rà soát, huyện Như Xuân có 322 hộ nghèo DTTS có nhu cầu được hỗ trợ đất ở do các xã, thị trấn đề xuất, trong đó các xã có hộ DTTS nghèo có nhu cầu đất ở nhiều nhất là Hóa Quỳ, Thanh Xuân, Thanh Quân, Thanh Hòa, Thanh Sơn...

Đợt 1 năm 2024, huyện Như Xuân được phân bổ hỗ trợ từ Chương trình 1719 là 63 hộ. Số tiền hỗ trợ tối đa là 40 triệu đồng/hộ, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Hiện nay, các phòng chức năng của huyện Như Xuân khẩn trương rà soát, xác định đối tượng hộ nghèo có đủ điều kiện theo quy định được hỗ trợ đất ở.

Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ đất ở phải đảm bảo theo quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc đó là: Hộ đồng bào DTTS nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN chưa có đất ở; không hỗ trợ đất ở đối với các hộ đã nhận hỗ trợ đất ở từ các chương trình, chính sách trước đây nhưng đến nay đã chuyển nhượng, cho, tặng...

Tại xã Cán Khê (Như Thanh), Trưởng thôn Mó 2 Cầm Bá Hạnh cho biết: Thôn Mó 2 có 161 hộ, hơn 613 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 60% dân số. Bà con chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm thêm ở các công ty, một số đi xuất khẩu lao động. Qua rà soát, thôn có khoảng 10 hộ có nhu cầu về đất ở. Hiện nay, địa phương không còn quỹ đất công ích dành cho đất ở. Qua nhiều lần họp thôn, bà con trong thôn thiếu đất ở đã kiến nghị với cấp trên chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc diện tích đất rừng sản xuất do Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh quản lý thành đất ở. Hiện nay, các ngành, địa phương đã thống nhất chủ trương, hy vọng trong thời gian tới, đất rừng sản xuất sẽ được chuyển đổi một phần mục đích sử dụng sang đất ở, góp phần giúp bà con an cư, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Như Thanh còn 2 xã đặc biệt khó khăn và 27 thôn đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2023, toàn huyện còn 896 hộ nghèo (hộ nghèo DTTS là 537 hộ), 824 hộ cận nghèo (hộ cận nghèo DTTS là 493 hộ).

Ông Phạm Văn Sang, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Như Thanh cho biết: Huyện Như Thanh đang triển khai thực hiện 9/10 dự án thuộc Chương trình 1719, trong đó đã triển khai thực hiện Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”. Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào DTTS, trong 2 năm 2023-2024, đã có 40 hộ được xây dựng nhà ở với kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 1 tỷ 600 triệu đồng. Năm 2023, đã có 31 hộ hoàn thành nhà ở và đi vào sử dụng, năm 2024 có 9 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, dự kiến hoàn thành vào cuối năm. Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, qua rà soát toàn huyện có 27 hộ nghèo DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất ở, trong đó có 5 hộ thuộc các xã Xuân Khang, Xuân Phúc, Yên Lạc, Thanh Kỳ, Hải Long đủ điều kiện được thực hiện hỗ trợ về đất ở năm 2024, với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Riêng chính sách hỗ trợ đất sản xuất, qua rà soát có 67 hộ có nhu cầu, tuy nhiên do quỹ đất của địa phương đã ổn định, khó khăn cho việc giao đất sản xuất cho các hộ. Vì vậy, UBND huyện Như Thanh đang rà soát nhu cầu chuyển sang hỗ trợ máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/an-cu-lac-nghiep-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ngheo-nbsp-mong-uoc-an-cu-33148.htm
Zalo