'Ăn chực', 'ngủ chực' nhà nghiên cứu văn học!

Những ngày ăn nhờ ở đậu đó, chính tình bạn, tình người đã góp vào hành trang của tôi như một thứ tài sản quý giá…

Rời "công cuộc" đóng bàn ghế, tủ giường cho các ông anh, bà chị với mục đích là được họ giới thiệu chỗ có thể xin được việc làm, tôi quyết định theo anh Hoàng Dự (ngày đó là Phó phòng Phát thanh Thanh niên) đi làm báo. Chưa có chỗ ăn, chỗ ngủ, tôi đến nhờ cậy người anh thân thiết cùng lớp Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh là Nguyễn Đức Mậu vừa mới nhận được việc làm ở Viện Văn học chưa lâu.

Những ngày ăn nhờ ở đậu đó, chính tình bạn, tình người đã góp vào hành trang của tôi như một thứ tài sản quý giá, giúp tôi trân trọng hơn cuộc đời để đi tiếp những chặng đường không bằng phẳng sau này; Và cũng ở đó, đã để lại cho tôi bài học sâu sắc về lòng trắc ẩn, về thái độ ứng xử khi người khác làm mình tổn thương.

Những bữa ăn đạm bạc nhưng ấm áp tình bạn

Anh Mậu là học trò cưng của Giáo sư Trần Đình Hượu – nhà nghiên cứu Nho giáo nổi tiếng. Thầy Trần Đình Hượu với uy tín của mình đã giới thiệu học trò với lãnh đạo Viện Văn học, và anh Mậu được về đó công tác với chức danh nghiên cứu viên văn học. Là người đầu tiên của lớp Văn khóa 25 Đại học Tổng hợp có việc làm, anh khiến chúng tôi ngưỡng mộ. Được vào làm việc chính thức, anh được hưởng trên 10 kg gạo/tháng.

Hình ảnh thời bao cấp: Sổ gạo trở thành tài sản quý giá nhất. Ảnh minh họa: AI

Hình ảnh thời bao cấp: Sổ gạo trở thành tài sản quý giá nhất. Ảnh minh họa: AI

Thời ấy, vào được biên chế là niềm mơ ước của rất nhiều người, không chỉ vì công việc ổn định mà còn vì cuốn sổ gạo – thứ "tài sản" quý giá. Cuốn sổ gạo không chỉ là tấm vé đảm bảo sinh tồn, mà còn là biểu tượng của vị thế, là niềm kiêu hãnh trước bạn bè và họ hàng. Vậy mà có không ít người cùng lứa chúng tôi dù đã phải làm hợp đồng cực nhọc nhiều năm hy vọng được vào biên chế, nhưng cuối cùng đành phải buông bỏ ước mơ lại thủ đô để quay về quê.

Anh Nguyễn Đức Mậu dù vào được biên chế, có sổ gạo nhưng chưa được phân phối một mét vuông nhà ở nào nên cũng như nhiều cán bộ trẻ quê ở các tỉnh được lãnh đạo cơ quan chiếu cố cho ăn ở ngủ tại phòng làm việc. Ở Hà Nội thời ấy, cán bộ nằm bàn cơ quan nhiều đến mức thành... một phong trào!

Sổ gạo không chỉ là tấm vé đảm bảo sinh tồn, mà còn là biểu tượng của vị thế, là niềm kiêu hãnh trước bạn bè và họ hàng. Ảnh minh họa: IT

Sổ gạo không chỉ là tấm vé đảm bảo sinh tồn, mà còn là biểu tượng của vị thế, là niềm kiêu hãnh trước bạn bè và họ hàng. Ảnh minh họa: IT

Cảnh sống của các viện sĩ tương lai ở Viện Văn học cũng như hầu hết các cơ quan nhà nước giản đơn đến khắc khổ. Vào cuối buổi chiều, các viện sĩ tương lai rủ nhau đi chợ, cũng chỉ mua vài bìa đậu phụ, bó rau muống, chút nước mắm, thi thoảng "vung tay" mua thêm quả trứng, rồi về cùng "nổi lửa lên em" bằng bếp dầu, bếp điện may so. Bỉ cực nhất là có lúc hết củi, hết dầu, họ lại phải dùng bản thảo bài nghiên cứu văn học đã bị loại làm củi đun. Việc nấu nướng trở nên sôi động khi người này xin người kia chút nước mắm, chút muối, người khác sẻ chia và quả sấu chua, mấy quả ớt..., để bữa ăn thêm "đậm đà".

Khó khăn như vậy mà hầu như ai cũng vui vẻ. Bởi vì mọi người thấy quanh mình ai cũng có hoàn cảnh như nhau, còn khi nhìn ra xã hội lại thấy nhiều cảnh đời còn lam lũ hơn mình. Không ai than vãn, đơn giản là mọi người đều hài lòng với hiện tại – khi mà không phải ai cũng có may mắn được làm việc trong cơ quan nhà nước, và tất cả đều đặt gạch những ước mơ ở tương lai dù không biết được tương lai sẽ ra sao. Hạnh phúc nhiều khi lại là kết quả của phép so sánh khi nhìn sang bên cạnh và nhìn xuống, và hạnh phúc cũng là khi được gửi mơ ước ...vào tương lai.

Trong thời gian tá túc chỗ anh Mậu, có lần, tôi bị xỉu vì đói. Sáng thức dậy, sau khi đánh răng rửa mặt, hai anh em ra quán nước chè trước cửa Viện Văn học làm mỗi người... một cái bánh rán. Đó là một loại bánh mà nhiều cán bộ nhà nước tranh thủ làm thêm từ bột sắn trộn chút bột gạo nếp, ít nhân đậu xanh, đem đi rải các quán nước chè nhờ bán kiếm tiền phụ cho con ăn học.

7 giờ 30 phút anh Mậu vào Viện làm việc, tôi không biết đi đâu đành ngồi uống nước chè suông tại quán cả buổi sáng. Đến trưa, anh Mậu ra quán trả tiền nước tôi uống buổi sáng và mời tôi suất ăn trưa gồm... hai cái bánh rán. Tôi hiểu, anh chỉ đủ tiền chi cho suất ăn trưa vậy thôi. Mãi đến gần 17 giờ chiều, anh ra quán trả tiền nước cho tôi rồi kéo đi chợ mua rau, đậu phụ để nấu cơm chiều. Lúc này bụng tôi rát như bị bỏng, đầu óc choáng váng, người đi lại xiêu vẹo, cảm giác như đang bồng bềnh trên mây (sau này tôi mới biết đó là triệu chứng hạ đường huyết rất nguy hiểm). Như vậy, trong 24 giờ anh em tôi mỗi người chỉ được ăn ... 3 cái bánh rán và hơn chục chén nước chè để tồn tại.

Chẳng dư dả gì ngoài cái sổ gạo "thần thánh", nhưng anh Mậu vẫn vui vẻ chia sẻ với tôi từng bữa ăn trong cả chục ngày liền. Những buổi chiều tối, chúng tôi cùng nhau nấu canh rau, luộc đậu phụ rồi cùng xì xụp chan, húp ngon lành cùng bát cơm mậu dịch lẫn thóc, sạn, trộn lẫn mùi ẩm mốc thoang thoảng quen thuộc.

Một kỷ niệm khác là lần chúng tôi cùng ăn tối với một tân nghiên cứu viên văn học, người vừa tốt nghiệp đại học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Anh ấy trắng trẻo, nho nhã, đeo kính cận dày cộp, nhưng trông khổ sở và lúng túng khi cố nuốt từng miếng cơm khô khốc cùng miếng đậu phụ luộc nhạt nhẽo. Nhìn anh ấy nhai trệu trạo, cố gắng nuốt miếng cơm mà thấy tội. Anh ấy cố giấu cảm xúc nhưng tôi vẫn nhận thấy sự chịu đựng, thái độ ngán ngẩm trong ánh mắt sau cặp kính cận. Một thời gian ngắn sau, nghe nói anh ấy được cử làm phiên dịch cho một đoàn công tác của đoàn thể đến Cộng hòa Dân chủ Đức, rồi ở lại không về nước nữa...

Bữa ăn đạm bạc tại phòng làm việc của các viện sĩ tương lai. Ảnh minh họa của AI

Bữa ăn đạm bạc tại phòng làm việc của các viện sĩ tương lai. Ảnh minh họa của AI

Biến cố và cuộc "rút chạy" không mong đợi

Cả chục ngày "ăn chực", "ngủ chực" anh Mậu ở Viện Văn học trôi qua trong yên bình, cho đến một hôm tôi phải tham gia dọn vệ sinh cơ quan thay anh, thì sự cố xảy ra.

Ngày ấy, những ai ăn ở trong khuôn viên Viện Văn học đều phải tham gia dọn vệ sinh theo quy định. Các gia đình cán bộ Viện gồm vợ chồng, con cái ở trong căn phòng cấp 4 chật chội, hoặc tá túc ở góc hè của Viện cũng phải có một đại diện tham gia. Sợ nhất là lau dọn nhà vệ sinh công cộng được xây dựng theo kiểu cũ vô cùng mất vệ sinh và ô nhiễm. Thấy tôi là người lạ, ông cán bộ nghiên cứu lâu năm của Viện trịch thượng hất hàm: "Cậu kia ở đâu?". Tôi lúng túng: "Em làm thay anh Mậu". "Cậu không phải là cán bộ của Viện, có tư cách gì thay cậu Mậu?". "Dạ, em..., em đang ở chỗ anh Mậu". Ông cán bộ lên giọng: "Ai cho phép cậu ở đây? Ăn ngủ ở cơ quan nhà nước mà không được lãnh đạo cho phép là phạm pháp. Tôi sẽ báo công an phường". Mọi người đang làm vệ sinh sững một vài giây mà không ai nói gì, sau đó lại tiếp tục quét dọn.

Ngay đêm đó, tôi đeo ba lô quần áo nhanh chóng rời khỏi Viện Văn học trước khi công an phường đến kiểm tra. Anh Mậu bảo "kệ ông ấy", nhưng tôi không muốn bị lôi ra đồn công an, càng không muốn vì mình mà anh ấy gặp rắc rối. Tôi hiểu rằng, đôi khi lòng tốt cũng có thể bị người khác "nâng quan điểm" thành tội lỗi.

Nhiều năm sau, khi đã đi làm báo và trưởng thành, tôi tình cờ gặp lại ông cán bộ năm xưa trong một lần đi mua mật gấu tươi. Ngày ấy có phong trào nuôi gấu tại nhà lấy mật tươi để bán. Có nhà nuôi cả chục con gấu. Mỗi con gấu lúc đó là một gia tài. Người ta chăm sóc, cưng chiều gấu còn hơn cả con mình. Tôi chợt nhớ lời đe dọa báo công an của ông ấy đã ám ảnh mình nhiều năm. Định không bao giờ nhắc đến chuyện cũ ngày trước, nhưng khi thấy ông cán bộ đó vẫn có thái độ trịch thượng như trước đây khiến tôi khó chịu. Tôi lịch sự hỏi: "Anh có nhớ em không?". Ông ấy lạnh nhạt nhìn tôi rồi lắc đầu. Khi tôi nói rằng "Năm 198..., anh là người báo công an vì em ở nhờ mấy ngày ở Viện Văn học", ông ấy thản nhiên với vẻ mặt lạnh tanh: "Tôi làm sao lại đi làm cái việc đáng xấu hổ đó nhỉ! Chắc cậu nhầm với ai đấy". Nói rồi ông ấy thoắt cái quay sang tranh mua mật gấu với người khác... Nhìn ông ấy tranh mua mật gấu, lòng tôi nặng trĩu, không phải vì oán giận, mà vì cảm thấy tiếc cho một người bụng một bồ chữ mà không có lòng trắc ẩn.

Khi tôi đã xin được nằm bàn cơ quan phát thanh một thời gian, anh Mậu cưới vợ là chị Nga. Tôi đến thăm nhà anh chị - theo anh chị là "rất may mắn" được Viện Văn học cho phép vào ở. "Ngôi nhà" của đôi vợ chồng mới cưới choán hết một lối đi chung trong khuôn viên Viện. Một bên tường bao của Viện cũng là tường nhà, một bên là khu để xe đạp cũ kỹ của cả Viện.

Thực chất đó là gian mái che proximang chẳng khác gì chiếc chòi vịt ngoài đồng ở quê tôi, diện tích chỉ lớn hơn chiếc giường đơn cộng thêm một lối đi vừa đủ cho một người di chuyển. Trong cái chòi vịt đó, ngoài hai vợ chồng anh chị thì nhồi nhét đủ những bếp dầu, nồi niêu, xoong chảo... Dù ở trong "ngôi nhà hạnh phúc" chật chội và thiếu thốn, nhưng đó vẫn là tổ ấm hạnh phúc thực sự của anh chị mà chính tôi cũng mơ ước có được.

Tôi càng thán phục anh Mậu vì dù phải ngụp lặn trong chuỗi gian khó về cơm áo, vậy mà khi làm việc trong môi trường hàn lâm, tối tối anh vẫn "cày" để phấn đấu có được học vị tiến sĩ với luận án được Hội đồng khoa học đánh giá là xuất sắc - luận án "Thể loại Hát nói trong sự vận động của lịch sử văn học Việt Nam".

Lòng tốt và bài học về lòng trắc ẩn

Một thời gian sau, khi đất nước mở cửa, vợ chồng anh Mậu may mắn được phân phối một căn hộ nhỏ ở tầng 5 khu tập thể Ủy ban Khoa học Xã hội gần phố Đội Cấn. Cuộc sống anh em tôi dần ổn định, nhưng những tháng ngày khốn khó của anh chị vẫn còn mãi trong ký ức của tôi.

Cuộc đời có những lúc khốn khó, nhưng tôi may mắn có những người bạn tốt như anh Mậu. Giáo sư, viễn sĩ Nguyễn Văn Hiệp - nguyên Viện trưởng Viện ngôn ngữ học, là thế hệ đàn em của tôi - từng nhận xét không hề quá thực tế chút nào: "Anh Mậu là người tốt và hiền như cục đất, luôn thủy chung với bạn bè. Ai đã là bạn của anh Mậu thì đó là người tốt".

Sự sẻ chia của anh Mậu trong những ngày tôi gặp gian khó không đơn giản chỉ là miếng cơm, manh áo, mà là sự lấp lánh của lòng tốt, của tình bạn, giúp tôi yêu cuộc đời, yêu con người hơn để vượt qua những giai đoạn khó khăn. Mỗi khi gặp những việc không vừa ý hay bị người khác làm tổn thương thì chính tôi lại phải tự nhắc nhở rằng tình bạn và lòng tốt giữa con người với nhau còn quý giá hơn rất nhiều thứ tưởng như là tài sản.

Chuyện về ông cán bộ Viện Văn học năm nào cũng trở thành một bài học đối với tôi, rằng mình phải sẵn sàng đối diện một cách bình thản trước những người làm mình tổn thương trong cuộc sống hàng ngày mà không oán giận. Sự cố không hay xảy ra ngày ấy cũng giúp tôi nhận biết: lòng tốt cần được trân trọng, nhưng đôi khi nó lại trở thành gánh nặng vì bị hiểu sai hoặc bị người khác lợi dụng do lòng đố kỵ, kể cả đố kỵ với người kém về điều kiện, về vị thế so với họ. Vì thế hãy ứng xử thật khéo để không gây phương hại đến người tốt đã giúp mình.

Giờ đây, khi nhìn lại những ngày tháng ấy, tôi thấy mình may mắn vì đã có được những người bạn tốt và nhận được bài học quý giá.

Cuộc đời là những năm tháng thăng trầm, nhưng tình người là những khoảng lặng bình yên giúp chúng ta giữ được cân bằng để luôn trân quý cuộc sống này.

Tô Phán

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/10-gio-sang-chu-nhat-ky-3-an-chuc-ngu-chuc-nha-nghien-cuu-van-hoc-179241013100044382.htm
Zalo