AmCham đề nghị Mỹ nêu rõ các yêu cầu để đàm phán với Việt Nam

Chủ tịch AmCham đánh giá cao phản ứng nhanh của Việt Nam trước thuế Mỹ, đồng thời đề nghị Chính phủ Mỹ cần đưa ra các yêu cầu rõ ràng để phía Việt Nam có thể xem xét và phản hồi.

 Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang đối diện với mức thuế cao theo thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4. Ảnh: Reuters.

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang đối diện với mức thuế cao theo thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4. Ảnh: Reuters.

Chiều 8/4, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) đã phát thông báo liên quan đến việc Mỹ áp thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam.

Theo đó, ông Mark Gillin - Chủ tịch AmCham Vietnam đánh giá cao phản ứng nhanh chóng và hợp lý của Chính phủ Việt Nam trước các động thái mới từ phía Mỹ. Đặc biệt, đại diện AmCham hoan nghênh cuộc điện đàm mang tính xây dựng giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra vào ngày 4/4.

"Chúng tôi đánh giá cao tinh thần lãnh đạo và tính thực tiễn của Tổng Bí thư Tô Lâm khi thẳng thắn xử lý một trong những quan ngại lớn từ phía Mỹ. Đề xuất của Tổng Bí thư về mức thuế tương hỗ 0% được xem là một bước đi tích cực, đúng trọng tâm và kịp thời", phía AmCham nhấn mạnh.

Theo AmCham, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng một phản hồi từ phía Việt Nam với tinh thần nhanh chóng, rõ ràng và có sức nặng và đề xuất của Tổng Bí thư đã đáp ứng được điều đó.

Đại diện AmCham cho rằng đây là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng. Đáng chú ý, phản ứng tích cực từ Tổng thống Trump cho thấy khả năng đối thoại mang tính xây dựng vẫn được duy trì, và đó là con đường có thể mang lại kết quả tốt nhất.

AmCham cũng nhấn mạnh những cuộc trao đổi như vậy mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các nhà xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp - những bên từ lâu đã thúc đẩy việc đàm phán một hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện AmCham lưu ý việc giảm thuế chỉ là một trong hai yêu cầu chính được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đưa ra. Yêu cầu còn lại là tháo gỡ các rào cản thương mại phi thuế quan.

Thực tế, Báo cáo thường niên "Đánh giá Quốc gia về các rào cản thương mại nước ngoài" của USTR đã nêu rõ nhiều vấn đề liên quan đến thương mại với Việt Nam, tuy nhiên chưa đưa ra các yêu cầu cụ thể.

Do đó, AmCham đề nghị chính phủ Mỹ đưa ra các yêu cầu rõ ràng để phía Việt Nam có thể xem xét và phản hồi. Đồng thời, AmCham cũng khuyến khích các doanh nghiệp thành viên - đặc biệt là những đơn vị nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ - chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhập khẩu từ Mỹ.

Trong thông báo lần này, AmCham tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trì hoãn áp dụng các mức thuế mới. Theo AmCham, chính phủ Mỹ cần có thêm thời gian để xem xét các đề xuất thiện chí từ Việt Nam. Việc này không chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ mà còn thể hiện thiện chí đối thoại với những quốc gia chọn con đường đàm phán thay vì trả đũa.

Trong thời gian chờ đợi, AmCham khuyến nghị phía Mỹ tránh gây tổn thất không cần thiết cho doanh nghiệp hai nước - những bên đã ký kết hợp đồng hoặc đầu tư cho các đơn hàng sắp tới, đặc biệt khi các thiệt hại này không phục vụ mục tiêu chiến lược của chính quyền Mỹ trong ngắn hạn hay dài hạn.

Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội nhận định Chính phủ Việt Nam đang nghiêm túc, chủ động thực hiện cam kết giải quyết mất cân bằng thương mại, đồng thời tháo gỡ vướng mắc mà các công ty và nhà đầu tư Mỹ gặp phải trong quá trình đầu tư kinh doanh.

Theo ông Adam Sitkoff, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của Mỹ.

Khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng gia tăng, sẽ có nhiều cơ hội cho nông sản, máy bay, năng lượng, thiết bị, thuốc men, công nghệ và nhiều lĩnh vực khác của Mỹ xuất sang Việt Nam, tạo ra sự giàu có và việc làm cho Mỹ. Có rất nhiều điều đạt được từ một mối quan hệ thương mại song phương mạnh mẽ.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/amcham-de-nghi-my-neu-ro-cac-yeu-cau-de-dam-phan-voi-viet-nam-post1544234.html
Zalo