Ấm tình quân dân ở 'rốn lũ' Chương Mỹ, Hà Nội
Ngày 17-9, Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô do Trung tá Chu Quốc Dũng, Phó Trưởng Ban Biên tập dẫn đầu đã đến huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tặng quà, thăm hỏi nhân dân ở vùng 'rốn lũ' xã Nam Phương Tiến và xã Mỹ Lương - nơi phải đắp thêm bờ 8km đê sông Bùi để ngăn nước tràn vào khu dân cư…
Những cái nắm tay thật chặt
Sáng nay (17/9), tại huyện Chương Mỹ, vẫn còn 58 thôn thuộc 12 xã ven sông Bùi, 3 xã ven sông Đáy bị ngập nước, ảnh hưởng đến 5.232 hộ dân, 23.452 người.
Để bảo đảm an toàn, ngành điện buộc phải tạm ngừng cung cấp điện tại 3.384 hộ dân có nhà ở ngập sâu; 2.112 hộ, 8.860 người sơ tán, chưa trở về nhà…
Trung tá Chu Quốc Dũng, Phó trưởng Ban Biên tập An ninh Thủ đô đã chia sẻ nỗi vất vả của bà con nhân dân và lực lượng chức năng khi hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Nam Phương Tiến hiện vẫn phải di dời, chưa thể quay trở về nhà - nơi vẫn ngập sâu, mùa màng mất trắng…
Đoàn công tác đã trao tặng nhân dân và cán bộ xã Nam Phương Tiến 200 thùng sữa đậu nành Soya Number 1 của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Đoàn công tác cũng trao tặng Công an xã Nam Phương Tiến một máy lọc nước bán công nghiệp, để phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân có thể sử dụng trong khu vực trụ sở xã Nam Phương Tiến.
Trung tá Chu Quốc Dũng chia sẻ: “Chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng, những người làm báo của Công an Thủ đô đã đến với Chương Mỹ hai lần. Đây là tình cảm đặc biệt với đồng bào và lực lượng chức năng, những người ở vùng đất gặp nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống và sinh hoạt cũng như học tập, sản xuất, kinh doanh khi phải chịu nhiều thiệt thòi vì ngập lụt nặng nề sau mưa bão.
Những món quà này còn mang cả sự sẻ chia với mong muốn đồng bào luôn được trú tránh ở nơi an toàn, có sức khỏe tốt, sớm ổn định cuộc sống sau khi nước lũ rút".
Trước đó, vào cuối tháng 7/2024, Đoàn Thanh niên Báo An ninh Thủ đô và Trung đoàn Cảnh sát cơ động - CATP Hà Nội đã phối hợp trao tận tay nhân dân các xã bị ngập nặng ở Chương Mỹ do mưa lớn hơn 1.000 thùng nước, 1.000 thùng mỳ…
"Sau cơn bão số 3, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bạn đọc đã đồng hành với An ninh Thủ đô để hỗ trợ nhân dân vùng lũ, lụt. Đây là hành trình thứ tư trong 1 tuần qua của An ninh Thủ đô hướng tới đồng bào vùng ngập lụt. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục đi, đến với những nơi người dân gặp khó khăn, vất vả” - Phó Trưởng Ban Biên tập An ninh Thủ đô thông tin.
Trung tá Trần Hữu Thạo, Trưởng Công an xã Nam Phương Tiến cho biết, cả 7 đồng chí ở đơn vị mình đều đã trực 100% trong 11 ngày qua.
Từ khi mưa lớn, lũ mới lên, CAX và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở của xã đã đến từng nhà dân khu vực nguy hiểm để vận động bà con di dời. CAX cũng đã trực tiếp hỗ trợ di dời cho 80 hộ dân trên địa bàn.
“Hiện nay, chúng tôi mỗi ngày vẫn dùng xuồng để tuần tra cả ngày, đêm để đảm bảo an ninh trật tự, gìn giữ an toàn tài sản cho người dân. Nhất định, hết lũ, bà con về nhà, chúng tôi mới về”, Trung tá Trần Hữu Thạo tâm sự.
Cánh tay đau đang phải băng bó nhẹ sau nhiều ngày bám trụ hỗ trợ người dân, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nam Phương Tiến cảm ơn những món quà thiết thực của Báo An ninh Thủ đô.
Chỉ về phía những cánh đồng ngút mắt vẫn còn ngập trong nước, ông Vĩnh cho hay: “Nam Phương Tiến có địa hình vùng rất trũng, lại nằm sát sông, nên lũ rừng ngang đổ về là ngập ngay. Cả xã vẫn còn nhiều điểm ngập rất sâu. Khoảng 800 hộ dân vẫn đang phải trú tránh, di dời ở những địa điểm an toàn. Cảm ơn tấm lòng những nhà báo An ninh Thủ đô đã cùng những tổ chức, cá nhân chung tay với chúng tôi để đảm bảo đời sống người dân”…
Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô đã đến nơi tạm cư, thăm hỏi và tặng quà nhiều hộ dân. Trung tá Chu Quốc Dũng đã thăm hỏi và chúc sức khỏe cụ bà Phạm Thị Thất (vợ liệt sỹ), cụ Hoàng Thị Tám (98 tuổi) ở thôn Nam Hải; cụ Nguyễn Thị Nga, chị Phùng Thị Thảo ở thôn Nhân Lý…
Đây đều là những người cao tuổi, người yếu thế nhà ngập sâu phải tạm cư ở nhà người thân. Họ đều cho biết, năm nay nước lên nhanh, trở tay không kịp. Ai cũng xúc động trước tình cảm, sự chân thành của người làm báo Công an Thủ đô và bạn đọc, đối tác của báo. Những lời cảm ơn, cái nắm tay thật chặt khiến đoàn công tác xúc động…
Kỉ niệm khó quên của ông Ba…
Tiếp đó, đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô đã đến với xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ.
Đường quanh xã giờ còn một lối đi duy nhất, còn lại các những con đường tạm bị chặn với biển cảnh báo ngập sâu.
Trường THCS Mỹ Lương đang là nơi 53 hộ dân, 132 nhân khẩu được tạm cư, trú tránh an toàn. Người dân cho biết, ở đây, họ được chăm sóc chu đáo.
Dù bộn bề khó khăn với sự quan tâm của nhiều đơn vị, tối 16/9 các em nhỏ ở khu tạm cư cũng được đón Tết Trung thu sớm với đủ bánh trái, đèn ông sao và những bài hát đồng ca. Rạng sáng 17/9, một đoàn từ thiện từ Bình Định còn đến tận nơi trao rất nhiều quà rồi đi ngay trong đêm. 1h sáng họ đến xã, chuyển hàng cho anh em cán bộ xã rồi lại đi ngay, không kịp ăn bát mỳ tôm.
Ông Nguyễn Văn Tuyền, cán bộ xã Mỹ Lương cho biết: “Các đoàn từ thiện đến với chúng tôi khi mời dùng tạm bữa cơm tạm cư, thì ai cũng từ chối vì sợ làm phiền đến người dân. Tình cảm quý báu ấy, chúng tôi chẳng thể nào quên. Chỉ xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến mọi người”.
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Lương cảm ơn món quà của đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô với hai trăm thùng sữa Number 1 tiếp sức bà con và nói: “Trong hôm nay chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay người dân những thùng sữa tốt cho sức khỏe”.
Ông Tào Văn Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lương thì phấn khởi khi nhận món quà đặc biệt là máy lọc nước bán công nghiệp từ đoàn công tác. Ông Ngọc cảm ơn: “Ngập lụt thế này, nước sạch rất đáng quý với bà con. Hơn nữa, khi lũ lụt đi qua, các em học sinh sẽ được thụ hưởng món quà ý nghĩa này lâu dài. Điều đó thật ý nghĩa…”.
Từ khu tạm cư ở Trường THCS Mỹ Lương, ông Mai Thế Ba (60 tuổi) nhờ người chở về nhà ở xóm 2, thôn Khôn Duy để ngóng xem sao cho đỡ sốt ruột.
Lội đến đầu xóm, ông Ba tẩn ngần, xót xa nhìn vào ngôi nhà bên trong vẫn ngập tới lưng tường trong nước lũ…
Phấn khởi khi nhận quà hỗ trợ từ đoàn công tác của Báo An ninh Thủ đô, ông Ba chỉ vào bức tường ở ngõ phía ngoài nhà nói: “Chỗ này cao hơn nhà tôi mà hôm trước ngập đến đây này, phải đến ngực tôi. Tôi cảm ơn món quà và tình cảm của các chú. Tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm này”…
Người dân Chương Mỹ hôm nay vẫn đang trong bộn bề công việc khi nước lũ chưa rút.
Người tạm cư vẫn mong ngóng nước lũ rút nhanh để trở về nhà. Ở nơi cao ráo chưa bị ngập, mọi người đang hối hả cứu lúa. Lúa gần chín rồi nhưng để ngâm nước lâu ngày sẽ hỏng, người dân phải đi lượm từng ít về phơi để cứu được ít nào hay ít đó. Phần không ăn được thì làm thức ăn để chăn nuôi gà, vịt…
Đi qua những con đường nước vẫn ngập qua bánh xe ô tô, nhìn lên phía rừng xa xa với những đám mây không ngừng dày lên, chúng tôi chỉ ước nước lũ chóng rút và đồng bào luôn giữ sức khỏe, lạc quan, sớm ổn định cuộc sống; cũng mong các đồng đội và lực lượng chức năng "chân cứng đá mềm", là điểm tựa vững chắc cho nhân dân...