Ấm no nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách (Kỳ 2)
Lấy nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội làm động lực, một số hộ nghèo tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã khởi nghiệp thành công với mô hình kinh doanh homestay. Những căn homestay mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Mông và Giáy đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch tới thăm vùng cao nguyên đá…
Kỳ 2: Homestay - hướng đi mới cho người dân vùng cao nguyên đá
Kinh doanh homestay - niềm hy vọng đổi đời
Ở Hà Giang - nơi địa đầu Tổ quốc, huyện Đồng Văn trước giờ nổi tiếng là nơi có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn và dân cư rất thưa thớt. Toàn huyện chỉ có 17.000 hộ dân, trong đó 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện vẫn khá cao: 54,5%.
Tuy nhiên, Đồng Văn cũng là một trong những nơi rất được thiên nhiên ưu đãi. Nơi đây có vùng cao nguyên đá ghi lại dấu tích về sự biến đổi địa chất và sinh học suốt hàng trăm triệu năm qua; có những biển mây phủ kín các dãy núi đá cheo leo mỗi buổi sáng sớm; có những thửa ruộng bậc thang ngập trong nắng vàng; có những triền hoa bạc hà, hoa tam giác mạch khoe sắc rực rỡ giữa màu xám của đá. Biết bao du khách cả trong và ngoài nước đã say đắm trước nét kỳ vĩ, hoang sơ mà quyến rũ của thiên nhiên Đồng Văn. Vì vậy, với các hộ nghèo, cận nghèo sinh sống tại huyện, phát triển du lịch homestay là con đường hiệu quả nhất để sớm vượt đói, thoát nghèo.
Ở thôn Lao Xa, xã Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang), gia đình chị Thào Thị Dính và anh Vàng Mí Cơ là một trong hai hộ đã khởi nghiệp thành công với mô hình homestay. Ngày trước, hai vợ chồng chị Dính ở trong một ngôi nhà nhỏ ven đường quốc lộ 4C cùng với 2 con nhỏ và bố ruột anh Cơ. Chị Dính làm nghề may váy truyền thống của dân tộc Mông, còn anh Cơ làm cán bộ ở UBND xã. Thu nhập của hai anh chị chỉ vừa đủ ăn, không có khoản tích góp. Gia đình anh chị cũng phải chịu tiếng ồn, khói bụi suốt ngày đêm từ những phương tiện lưu thông trên đường quốc lộ, chưa kể tới nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Cuối cùng, chị Dính và anh Cơ đi đến một quyết định không hề dễ dàng: bán nhà, bán đất rồi dồn toàn bộ tài sản để kinh doanh homestay. Đó là một canh bạc được ăn cả, ngã về không. “Nhưng phát triển du lịch homestay là cách duy nhất để chúng tôi đổi đời”, chị Dính nói.
Với số tiền gần 1 tỷ đồng thu được sau khi bán đất, hai vợ chồng vay Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Đồng Văn thêm 2 đợt, tổng cộng 150 triệu đồng để kinh doanh homestay. Đầu năm nay, khu homestay có tên “Đời Đá” được hoàn thành, có tổng cộng 6 phòng nghỉ.
“Chúng tôi chọn cái tên “Đời Đá” vì cả đời chúng tôi đã gắn bó với miền cao nguyên đá Đồng Văn”, chị Dính chia sẻ. Giờ đây, căn homestay với những căn nhà gỗ lợp mái ngói âm dương được ôm trọn bởi những dãy tường, bậc thang và lối đi bằng đá vôi đang mang ước mơ đổi đời của hai vợ chồng chị.
Khu homestay mới bắt đầu đi vào kinh doanh được vài tháng nên hai vợ chồng chị Dính chưa có lãi nhiều. Nhưng “Đời Đá” đang đón ngày một nhiều du khách hơn, đặc biệt là những du khách nước ngoài thích hình thức du lịch trải nghiệm. Và quan trọng nhất, gia đình của anh chị đã thoát nghèo thành công, trở thành hộ có mức sống trung bình tại địa phương.
Thu hút du khách quốc tế tới trải nghiệm
Tại thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang), khu Homestay Chai To của vợ chồng anh Sùng Mí Phìn và chị Thào Thị Dính rất được du khách quốc tế ưa chuộng. Khu homestay đón một lượng khách ổn định khoảng 10 người/tuần, chủ yếu là các du khách đến từ Anh, Pháp, Tây Ban Nha…
Anh Phìn kể, khi còn chạy xe máy thuê ở Sa Pa (Lào Cai), anh đã dành thời gian tham khảo, học hỏi những mô hình homestay thành công. Năm 2019, anh về Đồng Văn, cùng vợ tích góp tài sản và vay thêm của Ngân hàng CSXH huyện Đồng Văn 150 triệu đồng để mở homestay. Đến nay, hai vợ chồng anh đã đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng vào Chai To.
“Nhiều người hỏi tôi rằng “Chai To” có phải nghĩa là “chai rượu to” hay không? Thực ra “Chai To” là cách đọc lái đi của từ “ntai tos” trong tiếng Mông, có nghĩa là chào mừng”, anh Phìn cười.
Không chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú, vợ chồng anh Phìn còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm như đi săn mây lúc sáng sớm, đi chặt củi, nấu rượu, hái rau, hái khoai sâm cho các du khách quốc tế tham gia. Hai anh chị còn làm một kênh TikTok để chia sẻ, quảng bá về những nét văn hóa đặc sắc của người Mông để gián tiếp thu hút khách du lịch đến với homestay.
“Để có được khu homestay này, chúng tôi đã có sự hỗ trợ rất lớn từ phía PGD Ngân hàng CSXH huyện Đồng Văn. Ban đầu, chúng tôi chưa có kinh nghiệm vay vốn để làm ăn, nên sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng CSXH là rất kịp thời”, anh Phìn nói. Sắp tới, hai anh chị còn muốn mở thêm một khu farmstay (homestay đặt trong khu vực trang trại) để cung cấp thêm các hoạt động trải nghiệm khác như nuôi trồng, thu hoạch nông sản, chế biến và thưởng thức những món ăn từ chính thành phẩm tạo ra.
Hy vọng sớm về đích nông thôn mới
Ông Vàng Dỉ Xoáng, CT UBND xã Sủng Là cho biết, đời sống người dân tại xã còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm hơn 50%. Tuy nhiên, thời gian qua xã Sủng Là đã tập trung triển khai, quán triệt việc thực hiện theo Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng bằng cách phối hợp với PGD Ngân hàng CSXH huyện Đồng Văn để phân bổ nguồn vốn đến các hộ nghèo, gia đình chính sách. Hiện nguồn vốn dự trữ tại xã là 23 tỷ đồng, có 458 người đã và đang vay vốn, dư nợ khoảng 3 tỷ.
Theo ông Xoáng, nhu cầu vay vốn của người dân khá lớn. Họ chủ yếu vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt…, tuy nhiên gần đây số người vay để phát triển du lịch homestay đang tăng lên. “Trong đợt giao dịch gần nhất ngày 12/11, điểm giao dịch ngân hàng CSXH tại xã đã giải ngân gần 1 tỷ đồng”, ông Xoáng cho biết.
Nguồn vốn CSXH đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế xã hội lâu dài, bền vững trên toàn xã. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tại xã chỉ đạt 18 triệu đồng/năm, nhưng đến cuối năm 2024 đã đạt 35 triệu đồng/năm. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tại xã Sủng Là đã có 120 hộ thoát nghèo thành công.
“Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là đưa xã Sủng Là sớm về đích nông thôn mới. Hiện chúng tôi đã đạt 15/19 tiêu chí. Trong tương lai, nguồn vốn tín dụng CSXH sẽ là nguồn động lực rất lớn để chúng tôi hoàn thành các tiêu chí còn lại”, ông Xoáng nói.