Âm nhạc giải trí dự báo đột phá trong 2025
Năm 2024 khép lại bằng cú đột phá trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn: 6 concert nội địa cháy vé phục vụ ước chừng 20 vạn khán giả. Chưa bao giờ thị trường game show ca nhạc và concert náo nức đến thế. Giờ là lúc lắng lại để chuẩn bị cho những bước phát triển mới…
Với đà lớn mạnh của các nhà tổ chức biểu diễn cùng sự hậu thuẫn của đông đảo khán giả, nhiều khả năng trong năm nay các game show (trò chơi truyền hình) “quản lý tập thể” đình đám kiểu Anh trai vượt ngàn chông gai hay Anh trai say hi sẽ tái diễn. Thành công có thể bằng hoặc hơn năm cũ tùy vào chất lượng nghệ sĩ chiêu mộ được.
Người hâm mộ quyền lực
Với số lượng nghệ sĩ đông đảo nhiều năm nay chưa có sân chơi để thể bung phá, các nhà tổ chức game show sẽ vẫn có nhiều dư địa để thực hiện những cuộc chơi hấp dẫn và hoành tráng hơn nữa. Nhưng cũng còn tùy vào sự đón nhận của khán giả. Nhu cầu giải trí và đón nhận thần tượng của số đông vẫn là một biến số khó lường, dù thực tế đang cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.
Năm qua, khái niệm “superfan” (người hâm mộ nhiệt thành) được nhắc tới nhiều hơn. Trước đây, nhóm fan năng nổ này thường hướng ngoại, dành tâm huyết xây đắp hình tượng cho các sao Kpop hay Âu Mỹ. Năm 2024 đánh dấu sự “hướng nội” mạnh mẽ của nhiều cộng đồng hâm mộ trẻ tuổi. Chính họ đã góp phần quan trọng làm nên thành công của những buổi hòa nhạc trăm tỉ đồng tại TPHCM và Hà Nội.
Việc các nhóm superfan rủ nhau gây quỹ, bình chọn hay “cày view” (lượt xem) cho thần tượng nội địa đã được bình thường hóa. Cũng có những đụng độ nhẹ giữa các “tổ chức” dù cùng hâm mộ một nghệ sĩ, nhưng không đáng kể. Ngoài ra, còn hiện tượng cộng đồng người hâm mộ nghi ngờ giải thưởng và kêu gọi nhau không bình chọn nữa như đã xảy ra tại giải Làn Sóng Xanh. Dù sao cũng có thể thấy, người hâm mộ khi tập hợp có tổ chức ngày càng tỏ rõ “quyền lực” và đóng vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng hình tượng nghệ sĩ ngôi sao trong thời đại công nghệ hiện nay.
Các ngôi sao cũng củng cố và thể hiện hào quang của mình bằng cách tăng cường kết nối với cộng đồng người hâm mộ. Vé vào cửa những buổi họp fan của một vài sao cũng có giá và cháy không kém gì liveshow. Sao còn thử nhiệt của người hâm mộ qua những hành động tưởng như vu vơ, chẳng hạn rủ khán giả đi uống trà đá vỉa hè hay dạo quanh hồ Tây bằng xích-lô. Đây cũng có thể xem là động thái hiệu quả để lôi kéo chú ý của dư luận trong bối cảnh concert hậu game show đang làm mưa gió. Điều thú vị là bác xích-lô may mắn vớ được “siêu khách” Sơn Tùng M-TP đã lập tức cảm tác ra một bài hát cảm ơn đăng lên mạng xã hội. Đây hẳn là một cú vận dụng hiệu quả nhạc sĩ AI tăng độ nhận diện cho thương hiệu cá nhân của bác xích-lô.
Bùng nổ ca khúc
Trí tuệ nhân tạo được dự báo sẽ ngày càng phổ cập trong giải trí, được cả giới biểu diễn và thưởng thức (như bác đạp xích-lô kể trên) sử dụng. Theo Jorge Brea, những tiến bộ trong AI sẽ cho phép nghệ sĩ và nhà sản xuất cùng tạo ra sản phẩm âm nhạc bằng các công cụ AI tinh vi, làm mờ ranh giới sáng tạo của con người và máy móc. Kết quả sẽ có một sự bùng nổ các ca khúc đại chúng. Điều này dẫn đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân của nghệ sĩ trở nên quan trọng hơn. Vì thương hiệu này sẽ quyết định sự thành công thương mại bên cạnh chất lượng của tác phẩm có nguy cơ bị bão hòa do sự tham gia của AI.
AI sẽ giúp các nền tảng phát nhạc trực tuyến phục vụ người nghe đến tận chân tơ kẽ tóc. Một danh sách nhạc phù hợp với sinh trắc học hay bối cảnh, tâm trạng tức thời của khách hàng là điều trong tầm tay của trí tuệ nhân tạo. Các nghệ sĩ hoàn toàn có thể dùng AI để tạo ra các bản phối hay các bối cảnh trải nghiệm âm nhạc phù hợp với người nghe.
Với một kho dữ liệu nhạc ngày càng bành trướng về số lượng nhưng lại không đi đôi với chất lượng thì xu hướng tái sử dụng các bản hit cũ, làm mới, kết hợp thành các liên khúc sẽ phát triển rầm rộ. Đây là việc mà các game show như Anh trai vượt ngàn chông gai đã thực hiện hiệu quả. Rất nhiều chất liệu âm nhạc từ dân gian cho đến cách mạng đã được chương trình này phối trộn thành công, qua đó tạo nên làn sóng đồng cảm từ khán giả thuộc nhiều lứa tuổi.
Theo báo cáo Tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kĩ thuật số Việt Nam 2024, dù ngân sách giải trí sau COVID-19 bị cắt giảm đáng kể, ngành công nghiệp âm nhạc vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt. Trong khi Gen Y ưa thích hình thức âm nhạc kết hợp với video, âm nhạc dạng audio lại là “sân chơi” của Gen Z với tỷ lệ nghe cao nhất (42%).
Chớ dại “gây tranh cãi”
Một số khán giả có xu hướng yêu mến đồng đều các nghệ sĩ tham gia game show. Nhưng khi ra khỏi khuôn khổ cuộc chơi này, sự phân hóa trong thị trường sẽ càng gia tăng. Sẽ có những nghệ sĩ thu cả tỷ đồng cho một lần xuất hiện cùng thương hiệu, bên cạnh đó là càng nhiều người chật vật tìm chỗ đứng trong showbiz. Điều này là do quy luật: “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Nhưng chủ yếu nhờ công nghệ ngày nay cho phép khởi nghiệp âm nhạc dễ dàng hơn trước nhiều, dẫn tới khả năng người nghe được cung cấp âm nhạc miễn phí (chẳng hạn qua hình thức livestream - phát trực tiếp) ngày càng nở rộ.
TS. Nguyễn Văn Thăng Long (giảng viên RMIT Việt Nam) cùng nhóm nghiên cứu đưa ra một xu hướng phổ biến trong âm nhạc thời gian tới: “Sự phân mảnh trong đánh giá thành tựu nghệ sĩ”. Có thể thấy, một vài nghệ sĩ từ khi mới nổi cho đến khi đã “đứng bóng” vẫn luôn gây tranh cãi trong khán giả. Rồi ngay cả những nghệ sĩ đang trong lùm xùm vẫn được một nhóm “fan cuồng” bảo vệ, yêu thương nhất mực. Mỗi người đều có những lý lẽ riêng để biện minh cho lựa chọn của mình.
Tuy nhiên, những nghệ sĩ ít gây tranh cãi nhất thường sẽ được đông đảo công chúng thừa nhận cả về tài năng và nhân cách. Đồng nghĩa với việc sẽ là lựa chọn tối ưu của nhãn hàng. Ngược lại, không loại trừ các nghệ sĩ tai tiếng (và có điều kiện) sẽ phải “đầu tư” cho một nhóm “người hâm mộ” để bảo vệ mình. Dù sao, các nghệ sĩ cũng cần ý thức rằng, nhất cử nhất động của họ ngày nay sẽ luôn được cộng đồng hâm mộ và khán giả giám sát, tương tác liên tục - chừng nào họ còn làm nghề. Do đó, những nghệ sĩ ở tuyến đầu sẽ không thể hoạt động đơn độc. Xu hướng tìm đến các công ty quản lý ngày càng nhiều, nhất là đối với nghệ sĩ trẻ muốn vượt lên nhanh chóng tiếp cận đối tượng khán giả đích.
Khảo sát của công ty We Are Social (Anh) cho biết, 49,2% người Việt Nam dùng sử dụng mạng để nghe nhạc với thời gian nghe nhạc trung bình mỗi ngày là 1 giờ 12 phút, trong khi thời gian nghe nhạc qua sóng phát thanh là 45 phút. 75% người dùng mạng nghe nhạc hằng ngày, cho thấy đây là hình thức giải trí phổ biến nhất tại Việt Nam.
Âm nhạc ngày càng khẳng định vị trí mũi nhọn trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa. Nó đòi hỏi sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn, đào tạo và quản lý nghệ sĩ, sản xuất âm nhạc… với nhau và với cơ quan quản lý. Khả năng “kiếm tiền” của văn hóa đã được chứng thực, nhưng để vận hành được công nghiệp văn hóa có chiều sâu và bền vững vẫn là một quá trình cần sự hỗ trợ và định hướng sát sao của Nhà nước hơn nữa.