Âm nhạc ảo, mối lo thật

Việc ứng dụng AI trong âm nhạc ngày càng thịnh hành ở nước ta. Có người xem trí tuệ nhân tạo là cánh tay nối dài cho việc sáng tác, biểu diễn âm nhạc. Nhưng cũng có người nhìn nhận âm nhạc ảo như một mối nguy khi ranh giới giữa sáng tạo - sao chép, nghệ thuật - phi nghệ thuật còn khá mong manh.

Những bước tiến mới

Mới đây, Ann - ca sĩ ảo chính thức đầu tiên của Việt Nam, tiếp tục ra mắt sản phẩm âm nhạc thứ hai mang tên “Cry”. Khác với sản phẩm chào sân “Làm sao nói thương anh” theo dòng ballad năm ngoái, lần trở lại này của Ann có sự thay đổi về dòng nhạc lẫn hình ảnh. “Cry” được viết theo thể loại rock.

Chất giọng của cô được điều chỉnh theo phong cách baby voice (giọng đáng yêu). Hình ảnh Ann trong MV “Cry” ấn tượng, cá tính khác hẳn vẻ yểu điệu, nhẹ nhàng trong MV đầu tiên. MV “Làm sao nói thương anh” của Ann từng vấp phải làn sóng chê bai. Ngoại hình của cô bị chê thiếu ấn tượng, biểu cảm chưa tự nhiên, khẩu hình chưa khớp và đơ sượng trong mọi cảnh quay. Nội dung và giai điệu bài hát không có gì đặc biệt giữa một rừng ca khúc muôn màu muôn vẻ của thị trường.

Ca sĩ ảo Ann có nhiều thay đổi tích cực trong MV “Cry”.

Ca sĩ ảo Ann có nhiều thay đổi tích cực trong MV “Cry”.

Sau một năm rưỡi lắng nghe phản hồi từ công chúng, ekip đã nâng cấp, điều chỉnh rất nhiều cho Ann. Do đó lần trở lại này, từ giọng hát cho đến kỹ xảo hình ảnh, biểu cảm của Ann đều tự nhiên, đa dạng hơn.Tại buổi họp báo ra mắt MV, Ann còn xuất hiện như người thật để thể hiện ca khúc. Khác với hai ca sĩ ảo là Mỵ Châu và Đam San từng được giới thiệu tại Lễ hội âm nhạc Hò Dô 2022, giọng của Ann không phải do ca sĩ thật giấu mặt lồng tiếng mà là sự kết hợp của thuật toán AI cùng các âm thanh thật để tạo thành màu giọng ưng ý. MV “Cry” được coi là bước tiến mới của âm nhạc do công nghệ AI sản xuất.

Thời gian gần đây, một vài MV của ca sĩ thật cũng có sự đóng góp của AI như một cuộc thử nghiệm, mang lại làn gió mới cho khán giả. Hồi tháng 7, ca sĩ Đan Trường gây chú ý khi ứng dụng 100% trí tuệ nhân tạo ở phần hình ảnh MV “Em ơi ví dầu”. Làng quê Việt Nam, hình ảnh người nông dân lam lũ lẫn chân dung Đan Trường ngồi hát đều được AI đảm nhiệm với những chuyển động như thật. Sự hỗ trợ của công nghệ giúp anh và ekip không phải mất công ra trường quay hoặc đi quay ngoại cảnh.

Hình ảnh ca sĩ Đan Trường do AI tạo ra trong MV “Em ơi ví dầu”.

Hình ảnh ca sĩ Đan Trường do AI tạo ra trong MV “Em ơi ví dầu”.

Đan Trường chia sẻ: “Ekip cho AI tiếp nhận rất nhiều hình ảnh của tôi để tạo nên nhân vật giống nhất.Trung bình, để tạo ra một đoạn clip ngắn 4 giây, chúng tôi cần sử dụng từ 4 đến 16 tấm hình. Để hoàn thành MV này, hơn 600 hình ảnh được sử dụng với nhiều công cụ AI khác nhau”. Vì đây là lần đầu ekip Đan Trường thử nghiệm AI nên dù cố gắng, hình ảnh MV vẫn vấp nhiều hạn chế. Ở vài phân cảnh, cảnh đồng quê đơ cứng tạo cảm giác giả trân. Biểu cảm lẫn khẩu hình nhép lời của Đan Trường phiên bản AI không khớp với giọng ca. Tuy bị chê nhưng Đan Trường cho biết bước đi thử nghiệm ban đầu giúp anh và ekip rút ra nhiều kinh nghiệm để cho ra sản phẩm tốt hơn trong tương lai.

Cũng dùng AI dựng nên MV lịch sử hào hùng, “ông trùm làm phim bằng điện thoại di động” Phạm Vĩnh Khương khiến nhiều người choáng ngợp với MV “Bức tranh Đại Việt” minh họa ca khúc “Nam quốc sơn hà” (DTAP sáng tác, ca sĩ Phương Mỹ Chi và Erik thể hiện). Những công cụ AI khác nhau được vận dụng tối đa để làm nên MV dài năm phút ca ngợi non sông, văn hóa Việt Nam, tự hào lịch sử bốn nghìn năm. Phạm Vĩnh Khương cho hay, nhờ AI đơn giản hóa nhiều công đoạn nên chi phí thực hiện MV chỉ vỏn vẹn ba triệu đồng. Trong khi với cách sản xuất thông thường (tức diễn viên đóng, dựng cảnh cổ trang và quay ngoại cảnh từ Nam đến Bắc) thì kinh phí MV tối thiểu phải ba tỷ đồng.

Nhạc sĩ, kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại.

Nhạc sĩ, kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại.

Lên mạng, chỉ cần tìm kiếm cách sáng tác ca khúc bằng AI, hàng loạt kết quả nhanh chóng hiển thị. Người dùng chỉ cần làm theo vài thao tác kỹ thuật trên app hay phần mềm có sẵn là có thể làm ra một bài hát. Đình đám nhất trong việc xây dựng mô hình “AI viết nhạc” có nhạc sĩ, kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại.

Chàng trai 9X tạo dựng nên mô hình AI sáng tác 10 bài hát tiếng Việt chỉ trong vòng một giây. Cơ chế vận hành khá đơn giản. Chỉ cần người dùng cung cấp cho máy vài nốt nhạc hoặc một giai điệu ngắn rồi bấm nút, AI sẽ tự hoàn thiện, đưa ra rất nhiều bản nhạc hoàn chỉnh không trùng nhau. Người dùng chỉ cần chọn lựa bản nhạc mình thích hoặc tiếp tục bắt AI điều chỉnh đến khi nào ưng ý. Mô hình AI này thông minh đến mức dù nhạc sĩ không có ý tưởng nào, không đưa ra bất kỳ gợi ý nào, AI cũng có thể tự sáng tác nhạc theo ý muốn của "nó". Bên cạnh đó, mô hình của Bảo Đại còn sẵn sàng sản xuất MV với gợi ý từ phần lời.

Tiềm năng lớn, mối lo nhiều

Tại hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sáng tác âm nhạc đương đại" diễn ra hồi tháng 6 tại TP Hồ Chí Minh, các nhạc sĩ, nhà chuyên môn nhận định dù mới chập chững nhưng trong tương lai, sự bùng nổ của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong âm nhạc là xu thế tất yếu bởi nó giúp con người hoạt động âm nhạc thông minh hơn, thuận lợi hơn, phong phú hơn.

Theo nhạc sĩ Nông Xuân Hiểu, ưu thế của trí tuệ nhân tạo là chúng có thể sáng tác các bản nhạc hoàn chỉnh với sự can thiệp tối thiểu của con người. Nó gợi ý nhiều hướng sáng tác mới cho nhạc sĩ. AI có thể tạo nhạc tự động, tạo nhạc cụ ảo, phân tích âm nhạc, hỗ trợ việc hòa âm, phối khí… Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, AI còn tham gia các buổi diễn trực tiếp, tương tác với khán giả, thu thập và phân tích phản hồi khán giả từ các nền tảng mạng và các kênh truyền thông khác nhau. “Các công cụ AI sẽ tiếp tục phát triển, trở nên thông minh và dễ sử dụng hơn, giúp mọi người, kể cả người không có nhiều kiến thức về âm nhạc, cũng có thể sáng tác và sản xuất những bản nhạc chất lượng cao. Việc hiểu và tận dụng đúng cách các công nghệ AI sẽ giúp ngành công nghiệp âm nhạc phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều cơ hội sáng tạo và cải thiện trải nghiệm cho người nghe" - nhạc sĩ Nông Xuân Hiểu nhận định.

MV “Bức tranh Đại Việt” được xây dựng hoàn toàn bằng AI.

MV “Bức tranh Đại Việt” được xây dựng hoàn toàn bằng AI.

Chỉ riêng mô hình ca sĩ ảo, đây đã là miếng bánh béo bở ở các nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Không ít ca sĩ ảo trở thành thần tượng của giới trẻ và mang về nguồn lợi khổng lồ cho các nhà sáng lập. Chẳng hạn Hatsune Miku, Apoki gặt hái cho ngành giải trí xứ sở hoa anh đào hàng chục triệu USD mỗi năm. Ở Trung Quốc, Lạc Thiên Y là ca sĩ ảo đình đám nhất với hàng loạt show diễn cá nhân. Ở Việt Nam, dù mô hình ca sĩ ảo chỉ mới chập chững nhưng đã cho thấy sự nhanh nhạy nắm bắt xu thế chung.

BoBo Đặng, “cha đẻ” của ca sĩ ảo Ann tiết lộ, “gà cưng” ngày càng được nâng cấp để sẵn sàng xuất hiện trên các sân khấu âm nhạc, giao lưu gặp gỡ người hâm mộ như người thật. “Một trong những mục tiêu sắp tới của chúng tôi là Ann có thể tương tác như người thật, có thể kết hợp với những nghệ sĩ khác. Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán rất hứa hẹn với quản lý của các ca sĩ khác. Chắc chắn trong tương lai rất gần, Ann sẽ có thể hợp tác với ca sĩ thật. Các đơn vị tổ chức show hầu như đều có phương án hỗ trợ tối ưu nếu Ann muốn lên sân khấu biểu diễn” - anh cho hay.

Dù mở ra chân trời rộng mở nhưng âm nhạc ảo vẫn khiến giới chuyên môn lo ngại. Trước hết, đó là cảm xúc, bản sắc cá nhân trong các sản phẩm âm nhạc. Tiến sĩ Nguyễn Bạch Mai, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chỉ rõ: AI vẫn còn hạn chế về cảm xúc, chủ yếu dựa vào mẫu và thuật toán để tạo ra âm nhạc do đó thường thiếu sự chân thực và tinh tế, không thể so sánh với cảm xúc từ trải nghiệm thực tế của con người. Ngoài ra, khả năng đồng cảm của AI cũng hạn chế, không tự nhiên như con người. Đặc biệt, AI thường gặp khó khăn trong việc sáng tạo ngẫu hứng và không theo khuôn mẫu, điều mà các nhạc sĩ thường làm tốt. Thiếu cảm xúc, sự chân thực và bản sắc cá nhân khiến âm nhạc của AI bị xem là phi nghệ thuật.

Nhờ AI, ngay cả người không biết một nốt nhạc nào cũng có thể tạo ra một bài hát mới. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ: người sáng tác chây lười mà phó thác hết cho AI. Họ dễ ỷ lại và tin rằng mình không cần học hành, trau dồi gì nhiều vẫn có thể vỗ ngực tự xưng là nhạc sĩ. Nhất là khi cha đẻ của mô hình “AI viết nhạc” khẳng định: “Ngày trước, khi nghe những bản nhạc do máy móc sáng tác, mọi người có thể nhận ra ngay. Nhưng bây giờ, với lượng dữ liệu ngày một lớn, thuật toán ngày càng thông minh, khác biệt giữa nhạc do AI viết và nhạc do người viết đã không còn rõ ràng”.

Mối lo kế tiếp chính là vấn đề bản quyền. Theo nhạc sĩ Nông Xuân Hiểu, khi AI học từ các tác phẩm âm nhạc hiện có để tạo ra tác phẩm mới, ranh giới giữa sáng tạo và sao chép trở nên mờ nhạt. Điều này đặt ra câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ. Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Bạch Mai cho rằng xác định quyền sở hữu trí tuệ cho các tác phẩm âm nhạc do AI tạo ra là một vấn đề phức tạp. “Ai sẽ sở hữu bản quyền, nhạc sĩ, nhà phát triển AI, hay cả hai? Việc sử dụng AI trong sáng tác âm nhạc có thể bị xem là thiếu đạo đức nếu nó thay thế hoàn toàn vai trò của nhạc sĩ, làm giảm giá trị của sự sáng tạo con người”.

Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cho biết: Hiện nay, các điều luật về bản quyền tại Việt Nam chưa bắt kịp với sự phát triển của AI. Chính vì luật chưa có các quy định rõ ràng về việc công nhận quyền tác giả và các quyền liên quan đến sản phẩm do AI thực hiện nên Trung tâm đành đứng ngoài cuộc.

Với mô hình ca sĩ ảo, đã có không ít ý kiến phản pháo của những ngôi sao đình đám thế giới về việc họ bị lấy cắp hình ảnh và giọng hát để tạo nên một sản phẩm âm nhạc do trí tuệ nhân tạo vận hành. Hồi mới ra mắt, Ann cũng nhận về vô số ý kiến tiêu cực khi giọng hát của cô bị cho là rất giống với một ca sĩ nổi tiếng trong nước.Vấp phải phản ứng của khán giả, lần trở lại với MV “Cry”, màu giọng của Ann đã thay đổi đáng kể để thoát khỏi cáo buộc bắt chước.

Chính vì vấp phải rào cản về đạo đức và bản quyền nên các nhà chuyên môn khuyến nghị người dùng AI chỉ nên xem AI như một công cụ hỗ trợ trong quá trình sản xuất, trình diễn âm nhạc chứ không thể thay thế hoàn toàn con người. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa nhạc sĩ và AI sẽ giúp quá trình sản xuất âm nhạc thuận tiện, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức. AI có thể gợi ý các ý tưởng sáng tạo, phụ trách khâu tự động hóa như hòa âm, phối khí, thăm dò phản hồi thị trường… Nhạc sĩ sẽ có nhiều thời gian để tập trung vào các khâu cần đầu tư chất xám như viết lời, giai điệu. Coi AI là một công cụ buộc nghệ sĩ phải là người cuối cùng chịu trách nhiệm với sản phẩm làm ra, giúp tăng hiệu quả sản xuất nhưng không làm mờ cá tính, bản sắc của nghệ sĩ.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/am-nhac-ao-moi-lo-that-i745126/
Zalo