Ấm lòng Nồi cháo yêu thương

'Cháo ngon lắm bà con ơi, ráng ăn để mau khỏe', 'Cháo nấu bằng gạo tấm ST25 ngon nhất thế giới đấy! Lần trước bà nhà tôi ăn xong khen hết lời',… Gần 6 giờ sáng, tại sân trước cổng chính Bệnh viện TP Thủ Đức, TPHCM, nhiều bệnh nhân, thân nhân người bệnh đang điều trị tại bệnh viện và những người khó khăn đã tập trung, trật tự xếp thành 2 hàng, chờ nhận những hộp cháo thơm ngon từ một chiếc xe nhỏ có hàng chữ in đậm phía trước: 'Nồi cháo yêu thương'.

Người dân xếp hàng chờ nhận những phần cháo miễn phí

Người dân xếp hàng chờ nhận những phần cháo miễn phí

Thức dậy trước bình minh

Vào 4 giờ sáng mỗi chủ nhật hàng tuần, anh Vũ Văn Hải (đầu bếp căn tin Bệnh viện TP Thủ Đức) cùng đồng nghiệp đã có mặt tại đây để nhanh chóng bắt tay vào nấu nồi cháo từ thiện. Để có phần cháo chất lượng, nhân viên nhà bếp đã chu đáo chuẩn bị nguyên vật liệu như thịt, hành… trước một ngày, cũng như phải dậy sớm hơn các ngày thường để kịp “nổi lửa” mang đến những phần ăn miễn phí. Cháo được canh nấu theo định lượng, tiêu chuẩn và chế độ phù hợp với người bệnh. “Dù hơi vất vả một chút nhưng tôi thấy rất vui và hạnh phúc vì đây là hoạt động ý nghĩa mang tấm lòng nhân ái”, anh Hải chia sẻ.

Vượt quãng đường hơn chục cây số từ quận 3 đến TP Thủ Đức giữa tiết trời lạnh của buổi sớm ở chốn Sài thành, chú Phạm Hoài Nam và cô Nguyễn Thị Tố Loan đã có mặt tại bệnh viện trước 6 giờ để cùng anh chị em tiếp nhận, đẩy xe, bưng cháo và làm công tác chuẩn bị cho nồi cháo yêu thương. Dù công việc bộn bề, nhưng cô chú vẫn cố gắng sắp xếp đến tận nơi hỗ trợ và cùng kêu gọi quyên góp để “tiếp lửa” duy trì nồi cháo. Với cô chú Hoài Nam - Tố Loan, hơn 2 năm biết đến và gắn bó với nồi cháo, được nhiều người gọi với cái tên thân thương: “Chủ nồi cháo yêu thương”.

Tô cháo ấm áp tình người

Trời vừa hửng sáng, những phần cháo nóng hổi và thơm phức đã sẵn sàng phục vụ bà con đang đứng đợi sẵn. Cô Nguyễn Thị Hồng Liên (chuyên viên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện TP Thủ Đức) và cô Tố Loan tận tay múc trao những tô cháo cùng lời nhắn gửi: “Động viên người nhà ráng ăn hết nha bà con mình”... Chồng cô Loan đứng cạnh, cài kỹ từng chiếc muỗng trên hộp, đưa những phần cháo và dặn dò: “Cháo còn nóng, cô bác cẩn thận nhé”, “Ráng ăn để mau khỏe còn về với gia đình nữa nha”…

Cứ như vậy, chưa đến một tiếng đồng hồ, 2 nồi cháo lớn với hơn 200 phần cháo đã cạn đáy. “Người bán” và “người mua” đều hài lòng vì một buổi sáng “mua may bán đắt”, niềm vui trọn vẹn cả đôi bên. “Cầm hộp cháo lên, húp từng thìa nhỏ mà chứa đựng bao tình thương, người bệnh hay thân nhân nào cũng trào dâng xúc cảm, như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua nghịch cảnh”, chị Loan chia sẻ.

Với người nhận cháo, như cô Võ Thị Thanh Tâm và bác Huỳnh Văn Tiến mong muốn hoạt động này sẽ được tiếp tục duy trì để có thể hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt phần nào chi phí. Còn hai vợ chồng anh Doãn Đức An (37 tuổi) và chị Thạch Thị Sa Mương (35 tuổi) xúc động khi nhận được phần cháo yêu thương từ chú Hoài Nam: “Cháo ngon lắm, tôi rất thích ăn. Vợ chồng tôi ăn chung một hộp vì muốn để dành phần cho những người khác. Tôi ăn một ít thôi, nhưng ấm lòng vô cùng. Nếu điều kiện kinh tế cho phép, tôi cũng muốn thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như thế này”.

Theo chị Kim Ánh, nhân viên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện TP Thủ Đức, từ nhiều năm nay, “nồi cháo yêu thương” liên tục được duy trì trong các buổi sáng chủ nhật hàng tuần. “Nhờ sự tiếp sức của vợ chồng anh Nam, chị Loan và nhiều mạnh thường quân khác mà nồi cháo yêu thương luôn được đỏ lửa. Hộp cháo tuy nhỏ nhưng là nguồn động lực lớn để người bệnh cảm nhận được tình thương, sự quan tâm và sẻ chia của cộng đồng và xã hội trong những lúc khó khăn”, chị Ánh chia sẻ. Cô Hồng Liên cho biết thêm, trong thời gian tới, “nồi cháo yêu thương” sẽ tiếp tục được thực hiện để phần nào chia sẻ, giúp đỡ đời sống của những người khó khăn.

“Nồi cháo yêu thương” được khởi phát từ một mô hình hơn 10 năm trước của cán bộ và chiến sĩ Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức (cũ) đăng ký thành việc làm thường xuyên trong nội dung thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Bác Hồ” (Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, sau đổi thành Chỉ thị 05 Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh). Mô hình này được các đoàn viên và thanh niên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) tiếp tục duy trì với sự chung tay của nhiều tình nguyện viên và nhà hảo tâm.

KIM HƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/am-long-noi-chao-yeu-thuong-post777508.html
Zalo