Ăm ắp yêu thương: Nhiệt huyết với quê hương
Trong điều kiện đi lại, sinh hoạt còn nhiều khó khăn, CSVC phục vụ nghề hạn chế... nhưng nhiều GV vùng sâu, xa tỉnh Cà Mau vẫn quyết gắn bó với nghề.
Cùng đó, thầy cô không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy.
Dạy trẻ bằng tình thương
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thuộc xã Tân Hải (Phú Tân), hơn ai hết cô Huỳnh Thúy Loan hiểu rõ những khó khăn của học sinh vùng sâu, xa trong hành trình tìm con chữ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Loan đã ước mơ trở thành giáo viên và trở về địa phương công tác. Với sự nỗ lực trong học tập, cuối cùng Huỳnh Thúy Loan cũng thực hiện được ước mơ.
Cô Huỳnh Thúy Loan và thầy Hồ Minh Tình chỉ là 2 trong số nhiều giáo viên vùng sâu, xa tỉnh Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung đã và đang nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp “trồng người”. Sự nhiệt huyết, tận tâm của họ với nghề, đã giúp bao thế hệ học sinh vùng khó khăn tìm đến bến bờ tri thức, hiện thực hóa ước mơ, góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa nông thôn với thành thị. Cô Loan và thầy Tình được Sở GD&ĐT Cà Mau lập hồ sơ gửi Bộ GD&ĐT xét tặng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024.
“Sau khi tốt nghiệp, nhiều thầy cô, người thân định hướng, khuyên tôi nên xin việc ở thành phố Cà Mau hoặc những trường nằm ở thị trấn, nơi đông dân cư, có điều kiện dạy tốt hơn và có thể tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, tôi quyết định về công tác tại quê hương bởi biết học sinh nơi đây còn khó khăn, cần sự giúp đỡ nhiều hơn. Nếu ai cũng chọn nơi có điều kiện thuận lợi để dạy thì học sinh vùng sâu sẽ thiệt thòi”, cô giáo 42 tuổi bộc bạch.
Thời điểm cô Huỳnh Thúy Loan về Trường Tiểu học Tân Hải công tác, đường sá chưa phát triển, học sinh đi học chủ yếu bằng đường thủy. Đời sống người dân còn khó khăn, nhiều phụ huynh không đủ điều kiện cho trẻ đến trường. Mỗi khi nghe gia đình nào có ý định cho con bỏ học là cô Loan lại tranh thủ lặn lội đến nhà vận động, tạo điều kiện để học sinh được tiếp tục học.
Hơn 20 năm công tác ở vùng sâu, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, cô Loan còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều học sinh nghèo bằng cách vận động tổ chức, nhà hảo tâm giúp đỡ tập sách, nhu yếu phẩm thiết yếu... để việc học của các em không bị đứt gánh giữa chừng. Năm học 2024 - 2025, cô được phân công chủ nhiệm lớp 1 tại điểm trường Kết Nghĩa (điểm lẻ Trường Tiểu học Tân Hải). Lớp của cô có hơn 20 học sinh, trong đó có 4 trẻ bị khuyết tật, tự kỷ. Dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ khó khăn hơn so với trẻ bình thường, thế nhưng cô Loan luôn nỗ lực vừa dạy vừa chăm sóc các em như chính người thân trong gia đình.
“Học sinh trên lớp được đối xử bình đẳng, yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, đối với các em bị khuyết tật, tự kỷ, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn, bởi các em vốn đã thiệt thòi. Ở nông thôn, không có trường, lớp học riêng biệt dành cho học sinh khuyết tật, tự kỷ, nếu không nhận vào lớp thì các em không biết chữ. Do đó, tôi luôn nỗ lực giảng dạy hết sức có thể để trò có thể hòa nhập tốt”, cô Loan bộc bạch.
Hóa giải nỗi sợ cho học sinh
Dù nằm ở địa bàn khó khăn, nhưng thành tích đạt được trong dạy và học của Trường THPT Đầm Dơi luôn đứng trong tốp đầu tỉnh. Có được kết quả đó, phần lớn nhờ trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiệt huyết, tận tâm với sự nghiệp trồng người. Trong đó có thầy giáo trẻ Hồ Minh Tình (38 tuổi) - Tổ trưởng Tổ Sinh học.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, Hồ Minh Tình quyết định xin về ngôi trường mình từng theo học. “Tôi muốn về lại trường, một phần vì mong muốn đền đáp ân tình của những thầy cô đã dốc lòng, dốc sức chăm bồi, đào tạo kiến thức cho mình. Hơn thế, đây là quê hương tôi sinh ra và lớn lên nên muốn đóng góp một phần sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục tại địa phương”, thầy giáo trẻ chia sẻ.
Hơn 10 năm công tác tại ngôi trường huyện, thầy Hồ Minh Tình luôn nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để dạy học trò tốt nhất có thể. Bản thân thầy không ngừng tìm kiếm, khai thác các nguồn tư liệu trong giảng dạy. Dù là giáo viên trường huyện, nhưng thầy luôn chủ động kết nối những giáo viên giỏi, đồng nghiệp ở trường chuyên có nhiều kinh nghiệm trong bộ môn Sinh học trên cả nước để chia sẻ tài liệu, phương pháp giảng dạy. Đồng thời, thầy tìm cơ hội tham gia các lớp tập huấn cùng chuyên gia để nâng cao trình độ, chuyên môn.
“Chương trình GDPT 2018 có nhiều đổi mới, công nghệ ngày càng phát triển, mọi thứ đang chuyển động nhanh, nếu cứ dậm chân tại chỗ sẽ tụt hậu, tự đào thải mình, không đáp ứng nhiệm vụ. Ngoài học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tôi tranh thủ học các lớp về ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy. Qua áp dụng thực tiễn, thấy học sinh rất thích thú, dễ tiếp thu”, thầy Tình nói.
Nhận thấy Chương trình GDPT 2018 ngày càng chú trọng cho học sinh thực hành, được sự hỗ trợ của nhà trường, thầy Tình xây dựng khu vườn thực hành sinh học. Tại đây, học sinh được hướng dẫn trồng các loài thực vật, nuôi các loài động vật theo mùa, phù hợp với điều kiện thời tiết. Thông qua các tiết thực hành tại khu vườn sinh học, giúp học sinh hiểu hơn về cấu tạo, đặc tính sinh trưởng, sinh sản, cách nhân giống, chăm sóc... từng loài động, thực vật.
“Trước đây, em không thích môn Sinh học nhưng từ khi học thầy Tình, em bắt đầu hứng thú hơn. Thầy truyền đạt kiến thức dễ hiểu, sát với thực tế. Đặc biệt, em rất thích mô hình khu vườn thực hành sinh học của thầy. Ở đây, chúng em có thể trồng nhiều loại rau, củ, quả, hoa và nuôi cá, ếch...”, Lê Bảo Ân - học sinh lớp 12A4, Trường THPT Đầm Dơi chia sẻ.
Người thầy nhiều sáng kiến
Trong hoạt động chuyên môn, cô Huỳnh Thúy Loan có nhiều sáng tạo, sáng kiến trong giảng dạy. Trong số đó, nổi bật là sáng kiến giúp học sinh đọc tốt ở lớp 2 bằng cách lập bảng học vần để trẻ ghép lại. Thay vì dạy “chay” theo sách vở, cô tận dụng tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị được đầu tư. Nữ nhà giáo đồng thời minh họa bài giảng thông qua những mẩu chuyện, bài hát... hoặc tổ chức đố vui có thưởng, tạo không khí thoải mái, giúp tiết học sinh động, học sinh dễ tiếp thu bài giảng.
“Dạy ở đâu thì người thầy cũng phải thực hiện tốt trách nhiệm đối với sự nghiệp trồng người; cố gắng giúp học sinh học tốt nhất trong khả năng có thể. Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, là giáo viên vùng sâu, bản thân cần phải nỗ lực nhiều hơn để không trở nên tụt hậu. Mỗi giáo viên đều nỗ lực dạy tốt thì trò sẽ học tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu”, cô Loan tâm niệm.
Đến nay, thầy giáo Hồ Minh Tình có 6 sáng kiến đem lại hiệu quả tích cực trong giảng dạy, đang được đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Ngoài ra, thầy cũng là thành viên tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cấp cơ sở năm 2022 của ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau với đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình GDPT 2018 cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
“Thành tích nổi bật nhất của thầy Tình là trong hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi. Dù thâm niên công tác ở trường chỉ hơn 10 năm nhưng thầy đã bồi dưỡng cho học sinh đoạt 62 giải cấp tỉnh (7 giải Nhất, 27 giải Nhì, 17 giải Ba, 11 giải Khuyến khích). Đồng thời, thầy bồi dưỡng cho 3 học sinh giỏi đoạt giải cấp quốc gia (1 giải Ba, 2 Khuyến khích).
Với kết quả trên mặc dù Trường THPT Đầm Dơi là trường tuyến huyện còn khó khăn nhưng nhiều năm liền đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học của trường có số và chất lượng học sinh đạt giải dẫn đầu các trường THPT trong tỉnh Cà Mau”, thầy Dương Đương Em - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi thông tin.
Với những nỗ lực phấn đấu trong quá trình công tác, thầy Tình từng được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh; 5 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 2 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Đặc biệt, thầy Tình từng vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thành tích tiêu biểu năm 2020 và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2019 - 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
“Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất ở điểm trường lẻ còn hạn chế nhưng cô Huỳnh Thúy Loan luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tích chung của Trường Tiểu học Tân Hải. Cô Loan là giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhiều năm và 2 lần được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trong quá trình công tác, cô có nhiều sáng kiến về xây dựng phương pháp học tập tốt cho học sinh, trong đó có 2 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh do cô Loan dạy hằng năm lên lớp đạt 100%.
Cô từng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhận Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích trong công tác giảng dạy. Năm học này, trường cũng giới thiệu cô vào danh sách xét tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và xét công nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu””. - Thầy Bùi Hoàng Huynh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hải