Ấm áp tình quân dân trong cơn bão lũ

Trong lúc nguy nan nhất, mỗi cán bộ chiến sỹ công an cơ sở đã cùng các lực lượng chức năng lăn xả hết mình, không quản ngại gian khổ để trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân…

Vỡ òa khi thấy công an ứng cứu

Nơi nào mưa bão khốc liệt nhất, nơi đó luôn có mặt các cán bộ, chiến sĩ công an lăn xả, bất chấp hiểm nguy, tính mạng, vì nhân dân. Cơn bão Yagi quét qua Hà Nội khiến nhiều cây cổ thụ bị gãy, đổ bật gốc, gây tê liệt giao thông. Chưa kịp khắc phục xong cây đổ, nhiều vùng tại Hà Nội lại tiếp tục gánh chịu tình trạng ngập lụt do mưa lũ. Tại huyện Sóc Sơn, địa bàn có 16 xã ven đê. Trươc đó, đêm 9-9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có lệnh báo động lũ mức III trên sông Cầu tại địa phận huyện Sóc Sơn.

Tại thôn Tăng Long, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, mực nước lũ dâng tại đây vào thời điểm cuối ngày 10-9 lên đến gần 2m, nhấn chìm nhiều hộ gia đình trong thôn. Mưa bão to khiến nhà của chị Vũ Thị Luyến ở thôn Tăng Long đã bị ngập cao ở tầng 1 của nhà.

Lực lượng Công an xã Việt Long hỗ trợ giúp người dân thôn Tăng Long sơ tán khỏi vùng nguy hiểm

Lực lượng Công an xã Việt Long hỗ trợ giúp người dân thôn Tăng Long sơ tán khỏi vùng nguy hiểm

Giữa lúc hoang mang, lo lắng vì nước lũ ngày càng dâng cao, mưa bão, lực lượng công an xã Việt Long đã đến nhà chị, kịp thời đến ứng cứu, di dời tài sản và gia đình chị Luyến và người dân trong khu đến nơi an toàn. Bất ngờ về sự xuất hiện của lực lượng công an cơ sở, chị Luyến và gia đình rất xúc động.

Kể lại với phóng viên, chị vẫn nước mắt lưng chòng. Chị nói: “Ban đầu tôi chỉ nghĩ nước lên bình thường thôi, không nghĩ lên cao như vậy, vì chưa bao giờ tôi chứng kiến nước lên nhanh đến vậy cả. Đến tối nước lên đến mấp mé tầng 1 thì lực lượng công an cùng dân quân và các lực lượng đến giúp gia đình tôi di dời đồ đạc. Vợ chồng mình rất biết ơn các anh công an, khi thấy các anh đến tôi đã rất xúc động và khóc ngay tại đấy. Quý ở tình người khi các anh đến đúng lúc chúng tôi khốn khó”.

Công an huyện Sóc Sơn hỗ trợ người dân Xóm Mom sơ tán khỏi vùng nguy hiểm

Công an huyện Sóc Sơn hỗ trợ người dân Xóm Mom sơ tán khỏi vùng nguy hiểm

Trong khi đó, tại xóm Mom, thôn Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, khoảng 80 hộ dân ở khu vực này đang bị cô lập. Các hộ gia đình ở đây bị cắt điện. Toàn bộ khu vực này không có nước sạch. Sống trong tình cảnh khồn điện, nước, bà Nguyễn Thị Như tay cầm mấy quả mướp vớt vát trong vườn nhưng chẳng biết nấu kiểu gì. Bà Như cho biết, tình trạng mất điện, nước bắt đầu từ hôm 9-9. Cả khu dân cư nơi bà sinh sống đều bị bao vây bởi nước lũ nên không thể đi lại. Nước tràn, dâng cao cả vào nhà. Phương tiện di chuyển đi lại duy nhất là thuyền. Thậm chí, đi lại trong nhà cũng phải đi bằng thuyền.

Sát cánh cùng nhân dân

Hiểu được những khó khăn của người dân, Công an huyện Sóc Sơn và Công an xã Việt Long cùng chính quyền địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ, di dời tài sản và sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Ngập lụt nghiêm trọng ở xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn

Ngập lụt nghiêm trọng ở xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn

Đang tất bật cùng nhân dân nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm, Trung tá Vũ Đoàn Sơn, Trưởng Công an xã Việt Long cho biết, lực lượng Công an xã đã trực tiếp triển khai công tác cứu nạn cứu hộ và phòng chống tội phạm lợi dụng tình hình mưa bão để hoạt động. “Bảo vệ con người, tài sản, bảo vệ đê là yếu tố tiên quyết. Chúng tôi rà soát những hộ gia đình nào đánh giá thấy nguy hiểm là vận động di dời ngay. Cơ bản các hộ dân đều được an toàn, chỉ khoảng 10 hộ gần đê bị ngập nặng nhưng nhà dân đã tôn nền cao nên thiệt hại về tài sản cũng được giảm thiểu”, Trung tá Vũ Đoàn Sơn chia sẻ.

Công an xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn cõng người dân thoát khỏi dòng nước lũ

Công an xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn cõng người dân thoát khỏi dòng nước lũ

Tay chân thoăn thoắt cùng nhân dân be bờ, đắp đất, chắn nước tràn vào, Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Công an xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn cho biết, lực lượng công an xã vừa cứu 125ha hoa màu là lúa nếp cái hoa vàng ở cánh đồng Đồng Hào của xã. Trên địa bàn còn có 2 tuyến đê xung yếu, nên liên tục những ngày qua, lực lượng công an đã phải xuyên đêm, thông ngày để hỗ trợ cùng người dân đắp đê, ngăn dòng nước lũ tràn đê.

Không người dân nào bị bỏ lại

Chia sẻ với phóng viên về công tác ứng phó trong tình hình cấp bách này, Thượng tá Phạm Đăng Khôi, Trưởng CAH Sóc Sơn cho biết: “Ngay từ ngày 9-9, khi vừa kịp thời hỗ trợ nhân dân sau cơn bão số 3, nhận thông tin về lũ lụt, Đảng ủy Ban chỉ huy CAH chúng tôi đã tiếp tục tập trung chỉ đạo các đội nghiệp vụ, đồn, Công an các xã, thị trấn trên địa bàn nhanh chóng triển khai các phương án tham gia cùng chính quyền và nhân dân dọc tuyến đê sông Hữu cầu qua địa bàn huyện, sẵn sàng về con người, phương tiện để ứng phó với những tình huống dự báo nước lũ dâng cao. Chúng tôi đã sẵn sàng cho những kịch bản tình huống nếu tình hình lũ lụt xấu nhất có thể xảy ra”.

Công an xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn cùng nhân dân đào đất, đắp cống xuyên đêm 10-9

Công an xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn cùng nhân dân đào đất, đắp cống xuyên đêm 10-9

Bên cạnh đó, lãnh đạo CAH cũng trực tiếp thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình, kiển tra, chỉ đạo, đôn đốc xông tác sẵn sàng ứng phó của công an huyện với mục tiêu không người dân nào bị bỏ lại trong khó khăn. Bảo đảm an toàn tối đa tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân. Trên hết vẫn ưu tiên con người. Mặc dù tính đến nay, địa bàn Sóc Sơn chưa có thiệt hại về con người, chưa có thiệt hại lớn về tài sản nhưng đơn vị luôn dự phòng và sẵn sàng các phương án để ứng phó với thiên tai.

Yêu cầu mà Ban Chỉ huy Công an huyện Sóc Sơn đề ra đối với mỗi cán bộ chiến sỹ đó là thường xuyên cập nhật, theo dõi sát diễn biến của cơn bão, tinh hình xả lũ của các thủy điện; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đóng quân trên địa bản thông báo, hướng dẫn, cảnh báo đến người dân tránh, trú tại các nơi an toàn và hạn chế ra khỏi nơi tránh, trú, thực hiện các biện pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão, lũ gây ra, nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em và các đối tượng yếu thế. Tiếp tục rà soát các khu dân cư, khu vực có nguy cơ mất an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các địa bàn, khu vực xung yếu, ven sông, hồ, địa bàn trũng, thấp, nguy cơ sạt lở cao để kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là các xã ven đê và các xã có nguy cơ sạt lở đất rừng…

Công an huyện Sóc Sơn hỗ trợ đưa người già ra khỏi vùng nguy hiểm

Công an huyện Sóc Sơn hỗ trợ đưa người già ra khỏi vùng nguy hiểm

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế, các đơn vị của CAH Sóc Sơn đã tổ chức ứng trực, thường trực 100% quân số triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn và ứng phó cơn bão số 3 theo phương châm "4 tại chỗ" (chí huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không được chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Trong bão lũ, những nghĩa cử cao đẹp được trao đi, cùng nhau vượt qua gian khó. Ở đó, trong làn nước lũ là những đôi mắt của người lính thâm quầng vì mấy đêm không ngủ, là những sẻ chia chút lương thực cho người dân hoạn nạn… Trong gian khó, luôn ấm áp nghĩa đồng bào, tình nghĩa quân dân.

Chu Hương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/am-ap-tinh-quan-dan-trong-con-bao-lu-post589106.antd
Zalo