Ấm áp ngày 30-4...

1. Gần thời điểm 30-4-1975, soạn giả Viễn Châu đã sáng tác một bản vọng cổ mang tên Quán nhỏ đầu làng, do 2 nghệ sĩ lừng danh Lệ Thủy và Minh Vương trình bày. Bản vọng cổ kể về cuộc hội ngộ giữa 2 người bạn cũ, vốn cùng quê ở Rạch Miễu (Bến Tre), nhưng do hoàn cảnh chiến tranh đã không gặp nhau nhiều năm.

Khi hòa bình, anh Tám bây giờ đã là người đàn ông trung niên mới trở về quê và gặp lại cô Sáu nay đã trở thành một thiếu phụ đông con… Trong quán nhỏ đầu làng, 2 người kể nhau nghe những chuyện đã diễn ra trong suốt 20 năm, nhất là số phận éo le của cô Sáu… Sợ cô mặc cảm, tủi thân, anh Tám đã động viên: “Em ơi! Sau cuộc chiến chinh may còn gặp gỡ. Em đừng buồn vì số phận hàn vi…”.

Rồi cô Sáu kể: Vì để tránh rủi ro trong thời buổi loạn lạc, cô lấy chồng từ rất sớm trong một đám cưới nghèo vào nửa đêm, rồi những đứa con cứ lần lượt ra đời. Nhà nghèo, những đứa trẻ ấy lớn lên phải lao vào đời để đỡ đần cho cha mẹ. Nhưng chiến tranh đã cướp của cô những đứa con, còn chồng mất do đau bệnh cũng vì nghèo khổ… Nghe những câu chuyện sau bao năm dâu bể, anh Tám mới cảm thán thốt lên: “Chiến tranh cướp hết thâm tình/ Trời Phật thương mình nên còn gặp nhau đây…”.

2. Hoàn cảnh của cô Sáu trong bản vọng cổ ít nhiều phản ánh một thực tế về những sự mất mát trong suốt mấy mươi năm chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Bên cạnh hy sinh của những người tham gia kháng chiến để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân thì còn có rất nhiều người dân vô tội bị mất mát nhà cửa, ruộng vườn, việc học hành, việc làm ăn, một phần thân thể và cả tính mạng… Nên ngày 30-4-1975, khi tiếng súng đã ngừng trên mảnh đất đầy đau thương này, đã trở thành ngày yên bình, sum họp, đoàn viên của rất nhiều người, rất nhiều gia đình.

Không chỉ vậy, chúng ta cũng đều nhớ, sau ngày 30-4-1975, khi Tổng Bí thư Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, ông nắm tay đưa lên cao, nói với giọng đầy cảm xúc: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Thật vậy, đối với người Việt Nam, đây là một thắng lợi chung của cả dân tộc. Nhìn lại suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hầu như gia đình nào cũng có mất mát. Họ đều là nạn nhân của chiến tranh. Và, khi chiến tranh kết thúc, mọi người đều vui mừng, bởi giờ không còn lo bị bom rơi đạn lạc…

Rồi từ ngày này, nhiều người lớn đã được học xóa mù chữ qua các lớp bình dân học vụ; nhiều người được trở về quê cũ sau mấy mươi năm cách trở; nhiều người bắt đầu lại công việc làm ăn sau những ngày phải “tản cư”, chạy loạn; đất đai dần được xanh hóa, cây trái dần được sinh sôi; những công trình dân sinh được cải tạo, xây mới (nhất là cầu cống, đường sá)…

3. Một sinh viên cũ của tôi chuẩn bị thành hôn đúng vào ngày 30-4 năm nay. Là đảng viên, lại đang làm cho một đơn vị báo chí lớn của thành phố, cô gắn ngày trọng đại của đời mình với ngày trọng đại của đất nước, nên đã ươm ướm đặt tên cho lễ cưới là “Ngày Thống nhất”, bên cạnh các tên khác như “Ngày Đoàn viên”, “Ngày Sum họp”.

Sự thống nhất mà cô muốn hướng đến là sự thống nhất của đất nước, để những người thuộc Gen Z như cô có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hiện nay, đồng thời là dịp để họ hàng, người thân, bạn bè của cô dù ở nhiều nơi khác nhau có thể đoàn viên, sum họp một cách ấm áp, vui vẻ… Bởi vậy, trong bộ ảnh cưới, cô còn có nhiều tấm ảnh chụp ở Hội trường Thống Nhất, như là cách “thống nhất” của vợ chồng cô khi cả hai về cùng mái nhà và đồng hành nhau suốt cuộc đời…

Sự tụ hội những người thân của cô phóng viên kia có thể cũng là điển hình cho rất nhiều người khác, rất nhiều gia đình khác. Đặc biệt là năm nay, dịp kỷ niệm này gắn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, khoảng thời gian nghỉ khá dài (5 ngày), nếu kết hợp với nghỉ phép, có người có thể nghỉ đến 9 ngày. Thời gian đó, một số người sẽ dành nghỉ ngơi hoặc đi du lịch và chắc chắn nhiều người sẽ về quê, thăm viếng người thân. Như vậy, dịp lễ này là cơ hội để gắn chặt tình quyến thuộc, để tình thân thêm nồng ấm.

4. Vẫn còn nhiều cách gọi khác nhau về ngày này: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (cách gọi chính thức), Ngày Hòa bình, Ngày Chiến thắng, Ngày tiếp quản…, nhưng nhìn chung đều thể hiện niềm vui lớn. Hàng năm, vào dịp này, nhiều công trình được khởi công hoặc khánh thành, nhiều hoạt động thi đua được phát động hoặc thu hoạch kết quả, nhiều chương trình văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức…

Bên cạnh một số công trình, hoạt động mang tính tuyên truyền, có dấu ấn chính trị, có rất nhiều hoạt động, công trình khác thực sự phục vụ dân sinh mà dịp lễ này đánh dấu một cột mốc cao điểm để hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tại các nơi ở miền Nam, dịp này người dân treo cờ Tổ quốc trước nhà, chính quyền các địa phương tổ chức treo cờ nước, cờ Đảng, phướn, khẩu hiệu… làm phố phường, làng xóm trở nên rực rỡ, nhiều màu sắc. Các phương tiện truyền thông đầy ắp các chương trình, tiết mục, hình ảnh… vui tươi, phấn khởi. Đó đây, chúng ta đều thấy sự ấm áp, đều thể hiện sự chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước, qua đó gắn với niềm hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình…

Đương nhiên, sự ấm áp đó không thể chỉ đến từ hoạt động truyền thông, từ sự nỗ lực của chính quyền các cấp mà bản thân từng người, từng gia đình phải không ngừng thể hiện vươn lên, từ nhận thức cho đến hành động.

Ngày 30-4-1975 đã mở ra một giai đoạn mới của đất nước, của dân tộc, tạo những tiền đề, điều kiện quan trọng cho mỗi người phát triển bản thân thì chính mỗi người phải không ngừng phấn đấu, trong học tập để góp phần nâng cao dân trí toàn xã hội, trong lao động để góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, trong xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ để góp phần xây dựng đất nước hiện đại, hùng cường. Mỗi người làm được điều đó tức là góp phần vun đắp sự ấm áp cùng niềm hạnh phúc cho tất cả chúng ta!

NGUYỄN MINH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/am-ap-ngay-30-4-post687635.html
Zalo