Ấm áp Chôl Chnăm Thmây ở Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Nhiều năm qua, Trung ương và địa phương triển khai nhiều chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Hộ bà Thạch Thị Sa Tụm, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đón Chôl Chnăm Thmây trong ngôi nhà mới.

Hộ bà Thạch Thị Sa Tụm, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đón Chôl Chnăm Thmây trong ngôi nhà mới.

Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới, vụ mùa mới, ngày vui tươi, hạnh phúc trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ. Những ngày này, đồng bào Khmer trong tỉnh rộn ràng với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vui chơi, giải trí, gắn kết phum, sóc, cộng đồng.

Tết ấm áp với người nghèo

Ông Kiên Ninh, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có dân số hơn 1 triệu người, với cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm sinh sống; trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 32% tổng số dân.

Đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đồng thời, Trà Vinh thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác an sinh xã hội trong vùng đồng bào Khmer. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer được kéo giảm xuống còn 1,46%; cận nghèo 2,7%.

Hưởng ứng phong trào “Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa 6.818 căn nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Mỗi căn nhà ở được xây mới có trị giá từ 50-80 triệu đồng, bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng của Bộ Xây dựng và Giao thông.

Trong đó, Bộ Công an vận động các đơn vị tài trợ tổ chức trao tặng 1.300 nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Bộ Công an hỗ trợ 50 triệu đồng/căn, Quỹ An sinh xã hội tỉnh Trà Vinh đối ứng thêm 15 triệu đồng/căn.

Ngôi chùa là nơi diễn ra các tín ngưỡng tôn giáo, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh.

Ngôi chùa là nơi diễn ra các tín ngưỡng tôn giáo, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh.

Qua hơn 6 tháng thi công, đến tháng 10/2024, đề án xây dựng 1.300 căn nhà đã hoàn thành, bàn giao cho người dân sử dụng. Đa số hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc Khmer trong tỉnh đã có nơi ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Hướng đến mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ phát động, tỉnh có gần 2.300 hộ gia đình được hỗ trợ. Trong đó, có hơn 1.200 hộ thuộc diện người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, hơn 1.000 hộ nghèo, cận nghèo và 52 hộ được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025. Dự kiến, đến trước ngày 30/4, tỉnh sẽ hoàn thành bàn giao, người dân sinh sống trong những căn nhà mới khang trang.

Trong bầu không khí hân hoan, phấn khởi đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo đến dự lễ khánh thành, bàn giao nhà cho hộ gia đình bà Thạch Thị Sa Tụm, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. Đây là hộ cận nghèo được hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ phát động.

Đại diện hộ gia đình bà Thạch Thị Sa Tụm chia sẻ, đây là món quà rất ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, cá nhân với những người dân khó khăn về nhà ở. Giờ đây, gia đình đã có chỗ ở ổn định, thêm động lực vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Tiếp đến, đồng chí Đào Ngọc Dung đến thăm, chúc Tết, trao tặng 2 căn nhà cho gia đình ông Thạch Danh; ông Trần Đặng, tại ấp Hòa Lạc A, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng.

Tại các nơi đến, Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung ân cần thăm hỏi, động viên, chúc bà con đón Tết vui tươi, ấm áp, chúc mừng các hộ dân đã có được căn nhà mới khang; mong rằng, trong điều kiện sống mới, các hộ dân sẽ tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình để từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giải đua ghe ngo của đồng bào Khmer được tổ chức hằng năm trên sông Long Bình, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Giải đua ghe ngo của đồng bào Khmer được tổ chức hằng năm trên sông Long Bình, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Dịp này, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và gia đình chính sách, cán bộ hưu trí là người dân tộc Khmer.

Xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh

Ông Thạch Hoàng Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết, xã hiện có 3.036 hộ dân, với 11.560 nhân khẩu, trong đó đồng bào Khmer chiếm 62% dân số. %. Thời gian qua, xã đã lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Phú Cần đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022.

Diện mạo nông thôn xã Phú Cần đang khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 86 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,4% so với tổng số hộ.

Nhằm tiếp tục chăm lo tốt hơn đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã chọn xã Phú Cần xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh.

Hiện, xã đã hoàn thành các tiêu chí cơ bản xã nông thôn mới thông minh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đó là 100% cán bộ công chức truy cập và sử dụng các nền tảng công nghệ số để phục vụ công tác hành chính; hơn 81% hộ dân sử dụng thiết bị điện tử để tiếp cận thông tin về chính sách, an ninh trật tự, và dịch vụ công.

Với sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, xã Phú Cần thành lập được các tổ công nghệ số tại 8 ấp, thu hút 40 thành viên, hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới.

Nông dân Khmer tỉnh Trà Vinh sử dụng thiết bị không người lái bón phân cho ruộng lúa.

Nông dân Khmer tỉnh Trà Vinh sử dụng thiết bị không người lái bón phân cho ruộng lúa.

Theo ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng vốn hơn 32.314 tỷ đồng. Đến nay, 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, Trà Vinh được Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, các sở, ngành tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ các địa phương nâng cao các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nhất là, tăng cường đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số để thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, giảm tác hại của thiên tai.

BÀI VÀ ẢNH: MINH KHỞI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/am-ap-chol-chnam-thmay-o-tra-vinh-post872927.html
Zalo