Ám ảnh tiếng động ở tâm chấn Mandalay
Năm ngày sau trận động đất 7,7 độ, Mandalay đã trải qua 263 cơn rung chấn, khiến người dân của thành phố miền Trung Myanmar dường như không lúc nào chợp mắt. Trực tiếp có mặt ở đây, những phóng viên của Đài Hà Nội chia sẻ với người dân cảm giác thấp thỏm lo âu, khi chỉ một tiếng rung lắc nhẹ cũng khiến mọi người bên trong lều tạm hay túi ngủ bên lề đường choàng tỉnh.
Ngay khi vừa đặt chân tới cửa ngõ thành phố Mandalay, miền Trung Myanmar lúc chiều muộn hôm qua, nhóm phóng viên Đài Hà Nội trực tiếp trải qua một cơn dư chấn. Mặt đất rung chuyển nhẹ song chúng tôi chỉ cảm nhận rõ ràng hơn về dư chấn khi bỗng thấy hàng chục người chạy tỏa ra từ các tòa nhà bên đường. Chỉ vài chục giây, mọi thứ trở lại bình thường. Ứng dụng cảnh báo động đất ghi nhận cơn địa chấn có cường độ 5,1. Đây chỉ là một trong gần 263 cơn dư chấn được các trạm đo địa chấn quốc tế ghi nhận kể từ trận động đất 7,7 độ ngày 28/3.
Tính đến hôm qua, chính quyền Myanmar xác nhận có 2.719 người đã thiệt mạng và con số này có thể gia tăng trong các ngày tới khi công tác tìm kiếm người mất tích đã qua mốc “72 giờ vàng”. Người dân thành phố Mandalay, nơi nằm trên đường đứt gãy Sagaing, những ngày qua trở nên nhạy cảm với âm thanh, nhất là khi cơ quan chức năng cảnh báo khu vực này tiếp tục xảy ra các trận động đất lớn. Thành phố dường như không ngủ, 1,5 triệu người luôn chuẩn bị tâm thế tháo chạy trước những cơn địa chấn có thể rung chuyển bất cứ lúc nào.

Động đất làm nhiều tòa nhà tại thành phố Mandalay sụp đổ. (Ảnh: Quốc Dũng/ Đài Hà Nội)
Đêm 1/4/2025, thành phố chìm trong bầu không khí tĩnh mịch, căng thẳng. Điện mất trên diện rộng, chỉ ở những con phố lớn còn chút đèn đường và ánh sáng leo lét hắt ra từ những bóng đèn chạy pin hay máy phát điện bên trong lều trại của người dân trên vỉa hè. Chúng tôi di chuyển chậm trên con phố và cảm nhận rõ sự ám ảnh của bất kỳ tiếng động nào tới những người dân vừa trải qua cơn hoảng loạn tột độ trong cơn đại địa chấn thế kỷ.
Lo ngại dư chấn, nhiều người đã di chuyển chút ít tài sản còn sót lại sau trận động đất ra vỉa hè và sinh hoạt, ngủ đêm trong lều bạt và túi ngủ. Nhà chức trách vận động họ di chuyển tới khu đất trống gần hoàng thành của cố đô Mandalay và khuyến cáo không ra đường vào ban đêm để đảm bảo an toàn. Mọi sinh hoạt của các gia đình đều diễn ra trên một ô chiếu hay mảnh vải bạt trải trên hè đường.
Chợ dân sinh Mingalar, ngày thường là nơi các tiểu thương bày hàng bán, nay trở thành điểm tá túc tạm thời của hàng trăm người dân mất nhà cửa. Gia đình ông U Chit Ko Ko, 57 tuổi, may mắn thoát nạn dù toàn bộ nhà cửa bị sập sau trận động đất. Ông U Chit Ko Ko - người dân thành phố Mandalay kể với PV Đài Hà Nội: “Tôi làm bảo vệ khách sạn, lúc xảy ra động đất tôi đang ở tầng 7. Khi cảm thấy rung chuyển, tôi vội chạy xuống. Ngay khi vừa thoát ra bên ngoài, tòa nhà đổ sập thành hình dấu nhân - cảnh tượng thật kinh hoàng. Tôi lập tức chạy về nhà, may mắn kịp đưa 3 người thân, trong đó có 2 trẻ em, ra ngoài trước khi ngôi nhà sụp đổ. Hiện tại, gia đình tôi đang sống nhờ vào nguồn thực phẩm cứu trợ ở khu tá túc này”.
Lương thực và nước sạch khan hiếm đang là vấn đề nghiêm trọng, bên cạnh nỗi lo công trình, nhà cửa vốn đã suy yếu có thể đổ sập bất cứ lúc nào và dịch bệnh bùng phát. Theo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), mức độ tàn phá mà Myanmar phải gánh chịu là "chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua ở châu Á" và đất nước này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Trong sáng nay, nhiệt độ của Mandalay 39 độ C, nắng nóng gay gắt mấy ngày qua khiến nhu cầu về nước sạch thêm căng thẳng. Ở nhiều khu vực, đoàn cứu trợ quốc tế lập ra các điểm cung cấp nước sạch và thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, việc cấp phát cũng nhỏ giọt với hàng dài người xếp hàng chờ đến lượt.

Hàng dài người xếp hàng chờ đến lượt hỗ trợ. (Ảnh: Bá Đức/ Đài Hà Nội)
Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cùng các đoàn cứu trợ quốc tế, trong đó có Việt Nam, đã đưa lực lượng hỗ trợ và vận chuyển hàng cứu trợ vào vào Myanmar qua sân bay Yangon. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa từ sân bay này đi thủ đô Naypyidaw và vùng tâm chấn Mandalay cũng gặp khó khăn do nhiều đoạn trên tuyến đường cao tốc bị hư hỏng. Trong khi đó, hạ tầng viễn thông cũng bị phá hủy nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ. Mạng MyTel của tập đoàn Viettel là mạng hiếm hoi vẫn hoạt động sau những nỗ lực phi thường của Viettel, song vẫn gián đoạn ở nhiều khu vực. Viettel đã tăng cường cán bộ, kỹ sư từ Việt Nam sang Myanmar để hỗ trợ khắc phục mạng lưới viễn thông ở khu vực tâm chấn Mandalay.
Đang có mặt tại thành phố Mandalay, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Tổng Giám đốc Mytel cho hay hạ tầng viễn thông của các nhà mạng ở Myanmar bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận động đất. Quá trình khôi phục mạng lưới viễn thông vô cùng khó khăn do nhiều khu vực sạt lở, địa hình bị chia cắt, đứt đoạn truyền dẫn kết nối các trạm và mất điện diện rộng. Đến thời điểm này, MyTel đã khắc phục được 70% mạng lưới.
“Việc khôi phục hoàn toàn mạng lưới viễn thông đóng vai trò quan trọng trong công tác cứu nạn, cứu hộ và đảm bảo sinh hoạt bình thường của người dân”, ông Trung nói. Viettel đã huy động toàn bộ nhân sự, nguồn lực thuộc các công ty của tập đoàn tại Myanmar (Công ty công trình Viettel, Công ty cổ phần bưu chính Viettel và Mytel) tham gia khắc phục sự cố viễn thông và giúp người dân ổn định cuộc sống.
Hiện tại, nhiều cơ sở y tế của thành phố bị phá hủy hoàn toàn, trong khi Bệnh viện Đa khoa Mandalay đang quá tải bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn vật tư y tế, thuốc men. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử 30 y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của nhiều bệnh viện quân y sang Myanmar khắc phục hậu quả động đất.
Có mặt tại Myanmar cùng với đoàn cứu hộ của Việt Nam, những phóng viên Đài Hà Nội chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tới khán thính giả, độc giả thông tin trực tiếp và mới nhất về hoạt động cứu nạn, cứu hộ từ các hiện trường thảm họa.