Alexander Đại đế - Người vẽ lại bản đồ thế giới: Kỳ cuối
Dù được nhiều người đánh giá cao nhưng cũng có ý kiến trái chiều về Alexander Đại đế.
Kỳ cuối: Đánh giá khác về di sản
Một người có quan điểm khác biệt về Alexander là Pierre Briant, Giáo sư danh dự tại trường Collège de France. Là chuyên gia về cả đế chế Macedonia và Achaemenid (Ba Tư), đồng thời là tác giả của “A Short Introduction: Alexander the Great” (tạm dịch: Giới thiệu ngắn: Alexander Đại đế), ông Briant phản đối ý tưởng rằng Alexander đã đạt được điều chưa từng có tiền lệ.
![Julius Caesar đến thăm lăng mộ của Alexander. Ảnh: Historia/Shutterstock](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_294_51464893/9c1e3e440e0ae754be1b.jpg)
Julius Caesar đến thăm lăng mộ của Alexander. Ảnh: Historia/Shutterstock
Ông Briant lập luận rằng thành tựu của Alexander thực chất là chinh phục Đế chế Ba Tư - một đế chế đã tồn tại từ trước. Giáo sư Briant nhấn mạnh: “Không thể nói về Alexander như thể ông ấy là một nhân vật siêu nhiên, tách biệt khỏi bối cảnh lịch sử. Nếu nói về các cuộc chinh phục, thì phải nói về Đế chế Achaemenid. Vua Ba Tư đã chinh phục lãnh thổ này từ 200 năm trước. Khi Alexander đến Trung Đông, ông ấy phải đối đầu với một đế chế đã được tổ chức chặt chẽ. Ông ấy không phải là người đầu tiên”.
Thực tế, Giáo sư Briant cho rằng lý do khiến thế giới ngày nay vẫn nhắc nhiều đến Alexander mà không phải Cyrus Đại đế (người sáng lập Đế chế Achaemenid vào năm 550 trước Công nguyên) là vấn đề phân biệt chủng tộc.
Ông nói về các nhà sử học: “Chúng ta có góc nhìn thiên về châu Âu. Alexander đã chiếm một vị trí lớn trong tư tưởng châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại. Ông ấy được xem là người chinh phục phương Đông đầu tiên... đặt tiền lệ cho các cuộc chinh phục của châu Âu sau này. Một số nhà sử học thế kỷ 18 và 19 thậm chí coi chiến thắng của ông là dấu hiệu tiên tri cho những chiến thắng của quân đội châu Âu trước Đế chế Ottoman. Điều đó đã trở thành một huyền thoại chính trị của châu Âu và có ảnh hưởng quan trọng đến cách châu Âu nhìn nhận về châu Á và Trung Đông”.
Giáo sư Briant cũng cho rằng các nhà văn Hy Lạp và La Mã không quan tâm đến Đế chế Ba Tư, khiến đế chế này gần như bị xóa khỏi lịch sử ngay từ thời cổ đại. Ông nói: “Khi tôi trao đổi về Alexander với các đồng nghiệp, đặc biệt là đồng nghiệp Mỹ, tôi hỏi: ‘Tại sao các ông không quan tâm đến lịch sử của Đế chế Ba Tư?’ Một số người trả lời: ‘Nó quá phức tạp, đó là một thế giới khác’. Nhưng thực tế, đó là cùng một thế giới”.
Giáo sư Briant còn chỉ trích bộ phim Alexander (2004) của Oliver Stone là “hoàn toàn phi lý” vì không đưa vào bối cảnh Ba Tư.
Ông thậm chí bác bỏ ý tưởng về quá trình “Hy Lạp hóa” phương Đông sau thời Alexander - khi tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ chính thức. Ông nói: “Điều đó không có nghĩa là các nền văn hóa bản địa biến mất mà ngược lại”. Từ người Ai Cập đến người Babylon đều tiếp tục sử dụng ngôn ngữ riêng.
Thay vào đó, ông gọi đây là một cuộc giao thoa văn hóa - một điều mà ông cho rằng Alexander chắc chắn sẽ tán thành. Alexander từng khiến binh lính kinh ngạc khi mặc trang phục Ba Tư, cưới một phụ nữ từ vùng ngày nay là Afghanistan (Roxana) và bổ sung binh sĩ Ba Tư vào quân đội.
Mặc dù ngày nay chúng ta nhìn nhận hành động của Alexander như một dạng chủ nghĩa đa văn hóa, nhưng thực chất đó là chiến lược chính trị. Giáo sư Briant nói: “Alexander đã chiến đấu suốt 13 năm. Mối quan tâm chính của ông là duy trì quân đội. Về cuối chiến dịch, phần lớn binh sĩ của ông là người Iran. Có thể ông quan tâm đến văn hóa, nhưng điều quan trọng nhất là duy trì lực lượng quân sự”. Điều tương tự cũng đúng với cuộc hôn nhân của ông với Roxana, mà Giáo sư Briant gọi là “một liên minh chính trị”.
Dù Giáo sư Briant thừa nhận tài năng quân sự, lòng dũng cảm và trí tuệ của Alexander, nhưng ông nhấn mạnh rằng Alexander không phải đang chinh phục từng vùng đất chưa từng có, mà là tiếp quản một đế chế có sẵn.
Du khách đến Iran ngày nay có thể chiêm ngưỡng tàn tích của Đế chế Achaemenid tại Persepolis, Susa và Pasargadae - kinh đô đầu tiên của đế chế này.
Ở miền Bắc Hy Lạp, Pella - thành phố đổ nát nơi Alexander chào đời - vẫn còn đó, cùng với lăng mộ của Vua Philip và các thành viên hoàng tộc Macedonia khác tại một bảo tàng ngầm tráng lệ ở Vergina (tên cổ là Aigai). Gần đây, cung điện hoàng gia phía trên cũng đã mở cửa đón khách tham quan.
![Alexander chưa bao giờ thua một trận chiến nào và là cảm hứng cho nhiều họa sĩ trong nhiều thế kỷ. Ảnh: Cornelis Troost/Heritage Images/Getty Images](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_294_51464893/36cc9396a3d84a8613c9.jpg)
Alexander chưa bao giờ thua một trận chiến nào và là cảm hứng cho nhiều họa sĩ trong nhiều thế kỷ. Ảnh: Cornelis Troost/Heritage Images/Getty Images
Đi xa hơn một chút về phía Nam, dưới chân núi Olympus - địa điểm linh thiêng nhất của Hy Lạp cổ đại - là Dion, nơi Alexander từng dâng lễ tế Thần Zeus trước khi khởi hành chinh phục Ba Tư.
Còn về phía Đông của Aigai, đi qua Thessaloniki (thành phố được đặt theo tên của người chị cùng cha khác mẹ của Alexander), du khách sẽ đến Philippi - thành phố được Vua Philip đổi tên sau khi ông chinh phục nó. Tại đây, một dòng chữ khắc trong bảo tàng vẫn lưu giữ phán quyết của Alexander về một vụ tranh chấp ranh giới.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, du khách có thể ghé thăm Bảo tàng Khảo cổ Istanbul, nơi trưng bày hai bức tượng của Alexander và Sarcophagus của Alexander - một quách đá từ thế kỷ IV trước Công nguyên được tìm thấy tại Liban, được chạm khắc tinh xảo với những cảnh mô tả cuộc đời vị vua này.
Những huyền thoại và giả thuyết chưa được chứng minh cũng gắn Alexander với nhiều địa điểm khác trên Bắc Bán cầu. Thành phố cổ Thracia Perperikon, nằm trên một đỉnh đồi ở Bulgaria, được cho là nơi đặt Sấm truyền của Dionysus - nơi Alexander được tiên tri rằng ông sẽ chinh phục thế giới trước khi khởi hành đến Ba Tư.
Thậm chí, có người tin rằng hài cốt của ông đã bị người Venice đánh cắp khỏi Alexandria vì họ nhầm lẫn với thánh tích của Thánh Mark khi cướp phá thành phố Ai Cập này và mang chúng về quê hương. Liệu những gì được canh giữ trong Vương cung thánh đường Thánh Mark ở Venice có thể chính là di hài của Alexander? Câu hỏi đó tới nay vẫn còn bỏ ngỏ.