AIPA 41 đoàn kết, hành động để vượt qua 'nghịch cảnh'
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đều khẳng định quyết tâm của Việt Nam cùng đoàn kết, chung tay với Cộng đồng ASEAN vượt qua khó khăn, thúc đẩy hợp tác và phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều khẳng định quyết tâm của Việt Nam cùng đoàn kết, chung tay với Cộng đồng ASEAN vượt qua khó khăn, thúc đẩy hợp tác và phát triển.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, thấu hiểu và chia sẻ trong AIPA.
Vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng
Với nỗ lực và sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, từ ngày 8 - 10/9 vừa qua, Đại hội đồng lần thứ 41, Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41) đã hoàn thành chương trình nghị sự trong sự đánh giá rất cao của các nghị viện thành viên.
Ngay từ phiên khai mạc sáng 8/9, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã gửi đến AIPA 41 thông điệp về tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Việt Nam đều nhấn mạnh vị trí trung tâm của người dân trong hoạch định chính sách và mỗi hành động trong bối cảnh thế giới và khu vực Đông Nam Á đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có, như nhận xét của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc có phục vụ và đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích thiết thực của người dân hay không. Các nhà lập pháp, các nghị sĩ là đại diện rất quan trọng của người dân, là cầu nối giúp phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của người dân, đồng thời giúp lan tỏa những giá trị, lợi ích của cộng đồng ASEAN đến người dân, doanh nghiệp.
Vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN tới năm 2025 và những năm tiếp theo, các nghị viện cùng củng cố sự đoàn kết, hợp tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thấu hiểu và chia sẻ trong AIPA, lấy lợi ích của người dân là trung tâm hành động trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc gia và pháp luật quốc tế - đó là thông điệp từ phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41.
“Một ASEAN lấy người dân làm trung tâm sẽ tạo ra lợi ích, hy vọng và niềm tin”, đại diện Đoàn Singapore nhấn mạnh.
Các nghị sĩ cần theo sát từng bước đi của người dân, luôn sâu sát và đại diện cho quyền lợi của người dân, phản ánh tầm nhìn “lấy người dân làm trung tâm” của ASEAN, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương cũng là những vấn đề được nhiều đoàn nghị sĩ thành viên AIPA nêu ra trong các phiên thảo luận.
Không một phát biểu nào tại phiên toàn thể không đề cập tác động tiêu cực khủng khiếp của đại dịch Covid-19, song rất nhiều nghị sĩ nhấn mạnh rằng, cùng đoàn kết, hành động, thì sẽ vượt qua được “nghịch cảnh” này. Và hơn lúc nào hết, các nghị viện cần tăng cường đoàn kết. Bởi, nếu không tìm cách thấu hiểu những vấn đề thực sự của người dân, từng nghị viện thành viên sẽ không thể hoàn thành trách nhiệm của mình trong vai trò giám sát, sát cánh cùng các Chính phủ vừa chống dịch, vừa khôi phục kinh tế.
Phục hồi kinh tế ASEAN sau Covid-19
Phát biểu tại phiên toàn thể AIPA 41, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tại Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ có sự hợp tác chặt chẽ, bổ sung lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ lập pháp và hành pháp vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, cũng như thực hiện các nhiệm vụ của Tầm nhìn ASEAN 2025”.
Lần đầu tiên, AIPA họp trực tuyến
AIPA 41 có sự tham dự của gần 400 đại biểu đại diện cho các nghị viện thành viên AIPA, các quan sát viên và khách mời của nước chủ nhà tại 43 điểm cầu. Đây là kỳ họp Đại hội đồng đặc biệt nhất trong lịch sử 43 năm hình thành và phát triển của AIPA, tiền thân là AIPO và 25 năm kể từ khi Quốc hội Việt Nam gia nhập tổ chức này (năm 1995), khi được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Linh hoạt ứng phó để vượt qua đại dịch, nhưng nhất quán mục tiêu phát triển bền vững cũng là thông điệp nhất quán của Đoàn Việt Nam trong các phiên thảo luận tại các ủy ban sau đó.
Chủ đề được Ủy ban Kinh tế AIPA thảo luận trong khuôn khổ AIPA 41 là vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid-19. Tại đây, đoàn Việt Nam mong muốn cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện một chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi.
Một trong những giải pháp của chuỗi này là nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN và đề xuất hướng dẫn tham chiếu cho tất cả thành viên ASEAN mà không làm tổn hại đến những cam kết theo các thỏa thuận có liên quan giữa thành viên ASEAN.
Việt Nam cũng đề xuất thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020; tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.
Liên quan đến vai trò của nghị viện trong cuộc chiến chống Covid-19 - vấn đề được tập trung thảo luận trong phiên họp của Ủy ban Xã hội, đại diện Đoàn Việt Nam khẳng định, Quốc hội Việt Nam đã đảm bảo hành lang pháp lý khi triển khai các biện pháp chống Covid-19 (giãn cách xã hội, cách ly người bệnh, cách ly người nhập cảnh 14 ngày…). Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua ngân sách thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19; thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc triển khai gói hỗ trợ; điều chỉnh ngân sách theo hướng thúc đẩy đầu tư công, phục hồi phát triển kinh tế; ban hành các nghị quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Thượng tôn pháp luật trong vấn đề Biển Đông
Trong phiên họp của Ủy ban Chính trị với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN”, đối với vấn đề Biển Đông, các nghị viện thành viên đồng tình với việc tiếp tục bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.